Không ít người trẻ mong muốn sống độc lập với gia đình, bạn bè và cả người yêu. Họ muốn có không gian riêng tư, phù hợp lối sống cá nhân.
|
Nhiều người trẻ mong muốn sống độc lập, tách biệt với gia đình, bạn bè hay người yêu. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Tan làm, Nhật Anh (28 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) về nhà gửi thức ăn cho mèo và mang đi hộp thực phẩm mà mẹ dành sẵn trong tủ lạnh. Sau đó, anh trở về căn hộ riêng của mình trên cùng tuyến đường, chỉ cách nhà khoảng 1 km.
Nhật Anh dọn ra ở riêng khoảng 4 tháng qua, từ sau Tết Nguyên đán. Căn chung cư anh thuê có giá 14 triệu đồng, gồm 2 phòng ngủ và được chia sẻ cùng 2 người bạn “ở ghép” quen qua mạng xã hội. Trong đó, anh sử dụng phòng nhỏ hơn, hàng tháng chi trả khoảng 7,5 triệu đồng cho cả điện nước, phí dịch vụ.
Nhiều bạn bè thắc mắc khi Nhật Anh thuê trọ gần nhà, trong khi đây cũng không phải quận trung tâm thuận tiện cho việc đi làm, đi chơi.
“Điều tôi cần chỉ là một nơi ở riêng tư nhưng vẫn tiện ghé về chăm lo cho lũ mèo ở nhà. Do chưa đủ kinh phí, tôi ở ghép cùng người lạ - những người sẽ không can thiệp việc tôi đi sớm, về khuya, ăn gì, mặc gì hoặc giao du với ai. Tất nhiên, tôi cũng không để ý những gì họ làm”, nhân viên văn phòng này nói với Zing.
|
Lối sống một mình, độc lập được nhiều người trẻ tại đô thị lựa chọn. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Tại Việt Nam, theo báo cáo Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình do Tổng cục Thống kê công bố hồi tháng 4/2021, tỷ lệ hộ độc thân (chỉ có một người) là 11,3%, tăng so với năm 2020 (10,4%) và tăng mạnh so với năm 2009 (7,2%), trong đó ở thành thị (13,4%) cao hơn nông thôn (9,9%).
Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số tháng 4/2022 công bố nghiên cứu được thực hiện trong năm 2020 trên 1.368 người trẻ (thấp nhất 15 tuổi, cao nhất 25 tuổi, 38,5% là nam, 61,5% là nữ, 61,3% sống ở thành thị, nông thôn/ miền núi 38,7%) cho biết 61,5% người trẻ thường xuyên có cảm giác "không thể hòa đồng, hòa hợp với những người xung quanh", 43,3% người "ngại giao tiếp với người khác, không thân thiện", 42,3% người "không thích là thành viên trong một hoặc vài nhóm bạn".
Báo cáo chỉ ra sự cô đơn ở người trẻ không nhất thiết là cảm giác vô đơn vì ở một mình mà là trải nghiệm cá nhân, cảm giác về sự tách biệt, xa lánh và cô lập ngay cả khi có hiện diện của người khác.
Nghiên cứu cũng phản ánh những biểu hiện cảm xúc phổ biến thể hiện sự cô đơn ở người trẻ bao gồm ngại giao tiếp, trống trải, cô lập, cảm giác bị bỏ tơi, né tránh, bị cô lập...
Trong khi đó, báo cáo The Truth About Gen Z được công bố tháng 3/2021 bởi Công ty dịch vụ tiếp thị McCann Worldgroup, khảo sát dựa trên phỏng vấn 32.000 người trên toàn cầu, trong đó có 5.000 người đến từ đô thị lớn ở châu Á, cho thấy Gen Z và Millennials là hai nhóm phải trải qua “đại dịch cô đơn” mạnh mẽ hơn các thế hệ khác.
“Đại dịch cô đơn” ý nói đến xu hướng sống độc lập có khả năng lan rộng của nhóm người trẻ tuổi. Ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống riêng tư, chấp nhận đối mặt một số khó khăn như giá cả thuê/mua nhà leo thang, rủi ro của dịch bệnh hoặc chi phí sinh hoạt gia tăng, đặc biệt ở khu vực đô thị.
Theo Business Insider, có nhiều nguyên nhân của vấn đề nêu trên.
Thứ nhất, người trẻ đang trải qua thời kỳ sống, làm việc và cả giải trí ngay tại nhà. Họ mong muốn không gian riêng tư hơn bao giờ hết, không bị làm phiền, ảnh hưởng bởi người cùng chung sống.
Thứ hai, chế độ làm việc remote (từ xa) hoặc hybrid (kết hợp văn phòng - từ xa) cho phép người trẻ chuyển tới những vùng ngoại thành - nơi có chi phí thuê nhà tiết kiệm hơn, thích hợp cho cuộc sống một mình.
Đáng chú ý, nghiên cứu chỉ ra: “People got sick of living with each other” (tạm dịch: mọi người ‘phát ốm’ vì cảnh sống chung với nhau) - Business Insider nêu thêm lý do của vấn đề.
“Each other” trong trường hợp này có thể là thành viên trong gia đình, bạn bè, người yêu hoặc chỉ chung người cùng chung sống trong một không gian.
Trên mạng xã hội, hashtag #ihatemyroommate (tạm dịch: tôi ghét bạn cùng nhà của mình) có đến 4,5 triệu lượt xem; #hatemyroommate (tạm dịch: ghét bạn cùng nhà) cũng đạt 30,9 nghìn lượt xem.
Trong những video này, người dùng chia sẻ lý do không thể hòa hợp với roommate của mình, bao gồm những chuyện như cần không gian riêng tư, thích yên tĩnh cho đến chuyện sinh hoạt thường ngày như giữ vệ sinh, làm đổ sữa, làm bẩn chai nước giặt…
Khi lý do đơn giản là vì bạn cùng nhà
Nếu như Nhật Anh chấp nhận ở ghép cùng người lạ, đặt ranh giới không quan tâm chuyện riêng tư với bạn cùng nhà, Ngọc Linh (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại yêu cầu không gian sống hoàn toàn độc lập.
Từ năm ba đại học, nhân viên văn phòng này không còn ở chung với bạn bè. Cô thuê riêng một căn chung cư mini gần trường học. Cô không thích việc giặt chung đồ, tiếng xả nước, nấu ăn khi mình đang ngủ và đặc biệt là những lần đến chơi bất chợt của người lạ - thường là bạn trai của cô bạn cùng phòng.
Linh thừa nhận mình là người “khó ở”, tức là ở chung với bạn bè sẽ thường phát sinh mâu thuẫn, tranh cãi. Ngày tạm biệt với cô bạn cùng phòng hồi năm ba đại học cũng là lần thứ ba cô chia tay roommate, sau đó chuyển nhà.
Việc cô sống riêng từng bị gia đình phản đối.
“Ở một mình, cha mẹ lo lắng tôi gặp nguy hiểm hoặc không có ai giúp đỡ khi ốm đau. Trong khi tôi chỉ nghĩ đến việc không phải chia sẻ chiếc giường, nấu ăn theo ý thích và gõ máy tính lạch cạch lúc nửa đêm cũng không ai cằn nhằn”, cô lý giải.
|
Nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống riêng tư bất chấp giá nhà, chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Trong khi đó, Hải Thanh (28 tuổi, quận 7, TP.HCM) nhiều lần từ chối người yêu về việc ở chung. Bạn trai cô có một căn hộ ở TP Thủ Đức (quận 2 cũ), đã trả xong khoản nợ vay với ngân hàng.
“Chỉ là chung sống mà thôi”, bạn trai nói với Thanh khi biết cô vẫn luôn ngần ngại về đám cưới, lập gia đình.
Nhưng với freelancer này, đó còn là vấn đề mất đi không gian sinh hoạt riêng tư.
“Tôi và người yêu có tình cảm rất tốt. Tôi thường qua nhà anh ở vài ngày liên tục, cùng nấu ăn, dọn dẹp và trồng cây. Nhưng tôi chưa sẵn sàng cho việc ở chung lâu dài”, cô nói.
Theo Thanh, cô đã quen với việc thức rất khuya và dậy vào buổi trưa ngày hôm sau. Cô thường nghe nhạc bằng loa ngoài, nằm một mình cạnh cửa sổ lúc nửa đêm và coi đây là cách mình thư giãn sau một ngày làm việc. Nếu có bạn trai kề cạnh, cô không thể duy trì thói quen này.
Ngược lại, nửa kia của cô thường ngủ lúc 23h và dậy lúc 6h30 để kịp đi làm vào giờ hành chính. Anh cũng thường ăn tối lúc 19h vì đói, trong khi đây là khung giờ bạn gái tất bật gửi đi những file công việc cuối ngày.
Liệu có là vấn đề khi người trẻ thích một mình?
Trao đổi với Zing, chuyên gia Trí tuệ cảm xúc Đỗ Ngọc Phương Anh - Tiến sĩ Tâm lý giáo dục tại Đại học Victoria Wellington (New Zealand), cho biết mong muốn sinh hoạt riêng tư, độc lập là một xu hướng sống đang được bắt gặp ở thế hệ trẻ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Xem xét trên khía cạnh tâm lý, lối sống riêng lẻ mang đến nhiều tác động tích cực đến tinh thần người trẻ. Đây có thể được coi là một phương pháp giúp họ học cách khám phá bản thân và rèn luyện khả năng sống độc lập.
“Việc sống một mình giúp cá nhân được trải nghiệm sự tự do, không bị ràng buộc bởi trách nhiệm hay kỳ vọng của người cùng chung sống. Ngoài ra, sống một mình, ta có nhiều cơ hội phát triển bản sắc cá nhân hơn, đồng thời dành nhiều thời gian hơn cho việc tự suy ngẫm. Quá trình này sẽ giúp cá nhân trở nên bình tĩnh, lý trí và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hiệu quả, sáng tạo hơn”, chị cho hay.
|
Theo chuyên gia, người mong muốn sống độc lập không phản ánh việc họ thiếu kỹ năng hòa nhập tập thể. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Cũng theo tiến sĩ Phương Anh, mong muốn sống một mình là nhu cầu tâm lý chính đáng, không liên quan gì đến sự ích kỷ hay việc thiếu hụt kỹ năng sống tập thể.
Trong cuốn sách Going solo (tạm dịch: Đi một mình), tác giả, nhà xã hội học Eric Klinenberg, cho biết tại Mỹ, cứ 7 người trưởng thành sẽ có một người sống một mình. Những người này không hề cảm thấy cô đơn. Trái lại, họ có nhiều bạn và có cuộc sống xã hội rất phong phú.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Bella DePaulo, tác giả của cuốn sách Alone: The Badass Psychology of People Who Like Being Alone (tạm dịch: Tâm lý ngầu đét của những người thích sống một mình), những người thích sống một mình thậm chí thường có năng lực tương tác xã hội tốt. Họ là những người có tính cách cởi mở, tử tế và đáng tin cậy và biết cách sắp xếp cuộc sống hợp lý ổn thỏa.
“Tiến sĩ Bella DePaulo cũng khẳng định rằng người sống một mình có nhiều mối quan hệ chất lượng hơn. Họ thường bỏ ra nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để giúp đỡ gia đình, bạn bè hơn so với những người sống cùng gia đình. Điều này cho thấy chúng ta không thể quy chụp người thích sống một mình là ích kỷ hoặc thiếu kỹ năng sống tập thể”, tiến sĩ Phương Anh lý giải thêm.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.