Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng chậm lại khi một số nền kinh tế dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% từ năm 2024.
|
Tính đến cuối năm 2022, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam 20 tỷ USD. Ảnh: Việt Linh. |
Tại Hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" sáng 15/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết tính đến cuối tháng 4, Việt Nam thu hút gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó gần 280 tỷ USD đã giải ngân.
Riêng với Samsung, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Lũy kế đầu tư tính đến cuối năm 2022 là 20 tỷ USD. Hơn 50% điện thoại của Samsung bán trên toàn thế giới là sản phẩm “Made in Vietnam”.
Doanh nghiệp FDI đối mặt nhiều khó khăn
"Tuy nhiên, tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh đang đe dọa những tiếp nối của câu chuyện kinh doanh này. Cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng lớn tới quốc gia đóng vị trí quan trọng trong ngành chế tạo toàn cầu là Việt Nam và ảnh hưởng tới cả Samsung", ông Choi Joo Ho nhìn nhận.
Đặc biệt, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia đạt doanh thu ở một quy mô nhất định. Theo đó sẽ có hơn 100 doanh nghiệp toàn cầu đầu tư tại Việt Nam chịu ảnh hưởng.
"Do vậy, năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng bị đe dọa. Chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ đang triển khai hiện nay sẽ bị mất đi hiệu quả. Thêm vào đó, sự thay đổi về cơ chế đánh thuế sẽ khiến cho Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp phải những xáo trộn lớn", ông Choi Joo Ho nhìn nhận.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng chậm lại khi một số nền kinh tế dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% từ năm 2024. Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
|
Tổ hợp Samsung tại Bắc Ninh. Ảnh: Việt Linh. |
Ở góc độ chuyên gia, GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư cho rằng Việt Nam cần thay đổi thể chế chính sách và thực thi thể chế chính sách, thủ tục đầu tư để thu hút nhà đầu tư.
“Chẳng hạn như thuế tối thiểu toàn cầu, chúng tôi đã bàn cách đây hơn 1 năm nhưng chưa ban hành. Nếu chính sách này không ra đời kịp vào năm 2024, Việt Nam sẽ mất cơ hội lớn cải thiện môi trường đầu tư, mất hàng tỷ USD hàng năm”, ông Mại nói.
Chính phủ cần sớm ban hành chính sách với thuế tối thiểu toàn cầu
Thay mặt Samsung, ông Choi Joo Ho đề xuất Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư liên tục, đồng thời theo dõi những biến đổi của môi trường bên ngoài và triển khai những cải cách phù hợp.
Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là ví dụ điển hình của "những biến đổi môi trường bên ngoài" quan trọng nhất gần đây. Và sự đối ứng của Chính phủ với biến đổi này rất quan trọng.
"Là một cơ chế được áp dụng bởi tổ chức quốc tế, nên những chính sách cụ thể được đưa ra với sự thỏa thuận của nhiều bên liên quan. Do đó nếu Việt Nam cũng áp dụng những chính sách này thì có thể loại bỏ đáng kể sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng", Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đánh giá.
Tương tự, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Vietnam cho biết trong thời gian tới doanh nghiệp cần sự hỗ trợ các cơ quan chức năng để thực hiện kế hoạch mở rộng thêm các cửa hàng, siêu thị tại Việt Nam.
|
ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam. Ảnh: Báo Đầu tư. |
"Tập đoàn Aeon xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Trong đó, chúng tôi mong muốn hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục cấp phép bán lẻ, cũng như hoạt động kinh doanh cho công ty. Doanh nghiệp cũng muốn đóng góp, hỗ trợ cơ quan Chính phủ phát triển cơ sở hạ tầng trong tương lai", ông nói.
Trong khi đó, bà Michele Wee - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng Chính phủ nên có những chính sách đào tạo đội ngũ nhân lực trẻ một cách bài bản với những ngành nghề và kỹ năng theo xu hướng toàn cầu, để họ đủ kỹ năng, trình độ dự tuyển vào các đợt tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...