Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Những ngành nghề có lượng nhân viên stress đông nhất

09/11/2022 (17:14:40)

Vật liệu xây dựng, ngân hàng, sản xuất/hóa chất, dược/chăm sóc sức khỏe, xây dựng/kiến trúc được liệt kê trong nhóm có nhiều nhân viên gặp căng thẳng trong công việc.

Chỉ số căng thẳng trong công việc đang ở mức cao dù so với năm 2021, tình hình lương năm nay đã được cải thiện. Ảnh: Dreamstime.

Tại hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022 (diễn ra ngày 9/11 ở TP.HCM), nhiều số liệu thống kê cho thấy chỉ số niềm tin của người lao động vào tầm nhìn và chiến lược của công ty vẫn tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chỉ số căng thẳng trong công việc của cũng rất cao, cảnh báo nhiều hệ lụy khó lường.

56% người lao động được tăng lương

Theo báo cáo tại hội nghị, so với năm 2021, tình hình kinh doanh năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cải thiện thu nhập của nhân viên tốt hơn.

Cụ thể, tính đến tháng 9/2022, 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên mức lương và chỉ 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định. Trong khi vào năm 2021, chỉ 35% người lao động được tăng lương và số người bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định lại lên đến 15%.

Khảo sát nhân sự với các giám đốc nhân sự cũng dự báo mức tăng lương trung bình cho năm 2023 là 12%.

Bên cạnh thu nhập từ lương, trong năm 2022, khảo sát cho thấy 9/10 người lao động được nhận khoản thưởng thành tích năm 2021, trong đó, gần 70% được nhận mức thưởng như dự kiến hoặc cao hơn, trung bình là 1,4 tháng lương.

Năm nay, trào lưu nghỉ việc ồ ạt hậu Covid-19 cũng giảm bớt và có dấu hiệu chững lại. Dự đoán trong khoảng 6 tháng đến một năm tới, tỷ lệ nghỉ việc chỉ còn khoảng 17%, giảm 5% so với giai đoạn sau đại dịch.

Đề cập các nhóm người lao động tại các doanh nghiệp, báo cáo nêu rằng tỷ lệ nhân viên nhóm nòng cốt (những người vừa nỗ lực cao vừa trung thành) đang có sự phục hồi, tăng dần 46% vào năm 2020 lên 50% vào năm 2021 và đạt mức 61% vào năm 2022.

Tỷ lệ nhóm từ bỏ (những người nỗ lực thấp và muốn nghỉ việc) và nhóm thất thoát đáng tiếc (những người nỗ lực cao nhưng vẫn nghỉ việc, khiến công ty tiếc nuối) có xu hướng giảm nhiều. Năm 2021, tỷ lệ của hai nhóm này lần lượt là 19% và 5% nhưng năm 2022 chỉ còn 17% và 4%.

Cuối cùng, tỷ lệ nhóm zombie (nhóm nhân viên nỗ lực thấp mà vẫn không rời đi) cũng đang giảm đáng kể, từ 27% vào năm 2021 xuống còn 18% vào năm 2022.

Ngoài ra, 46% doanh nghiệp Việt vẫn có kế hoạch mở rộng nguồn nhân lực với các lý do như mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư trước cho tương lai vì cần thời gian đào tạo.

cong viec cang thang anh 1

Người lao động căng thẳng vì nhiều nguyên nhân. Ảnh: Fotolia.

Người lao động ngày càng căng thẳng

Dù mức thu nhập có sự cải thiện, khảo sát chuyên sâu vẫn cho thấy tình trạng căng thẳng ở người đi làm đang khá trầm trọng và càng gia tăng. Trong khảo sát với 60.000 người đi làm tại Việt Nam, 42% cho biết họ đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất căng thẳng từ thường xuyên đến rất thường xuyên.

Với nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ căng thẳng từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao hơn 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị căng thẳng.

Khảo sát về tình trạng nghỉ việc ồ ạt năm 2021 cũng hé lộ một trong những nguyên nhân chính khiến người đi làm muốn bỏ việc là tình trạng "burn out" (tạm dịch: Áp lực dẫn đến kiệt quệ thể chất và tinh thần). Nhóm quản lý cấp trung, nhóm thâm niên 2-5 năm tại công ty đang thấy áp lực nhất​.

Ngành sản xuất/vật liệu xây dựng và ngân hàng là 2 ngành có lượng nhân viên stress đông nhất. Các ngành sản xuất/hóa chất, dược/chăm sóc sức khỏe, xây dựng/kiến trúc cũng ghi nhận lượng nhân viên căng thẳng ở mức khá lớn.

Nếu xét theo phòng ban, phòng Quản lý chất lượng QA/QC là nhóm gặp căng thẳng nhiều nhất. Ước tính cứ hai người sẽ có một người căng thẳng từ thường xuyên đến rất thường xuyên. Tiếp đó là ban lãnh đạo, quản lý chiến lược. Nhóm nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng có tỷ lệ stress khá cao.

Báo cáo nêu 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là: Tài chính và gia đình (áp lực tài chính nhiều thứ phải lo hoặc mệt mỏi hậu Covid-19); tính chất công việc (lương thưởng thấp, công việc nhiều và thời hạn gấp gáp); môi trường và điều kiện làm việc (quy trình làm việc phức tạp, văn hóa làm việc thiếu công bằng...); quan hệ nơi công sở (thiếu ghi nhận thành tích và phân công công việc thiếu rõ ràng).

Bên cạnh đó, nhân viên dễ hoang mang khi thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Nhóm nhân sự cấp trung thường có áp lực thêm vì quy trình làm việc phức tạp, thiếu rõ ràng. Nhóm quản lý cấp cao cũng mệt mỏi vì phải thích ứng với quá nhiều thay đổi trong tổ chức.

Khảo sát về sức khỏe tài chính do PwC thực hiện trên toàn cầu cũng khẳng định xu hướng tương tự với số lượng người đi làm bị căng thẳng về mặt tài chính năm 2022 tăng cao đáng kể, hơn hẳn các năm trước.

Khảo sát này nêu rằng những nhân viên bị áp lực tài chính thừa nhận họ bị xao lãng, khó tập trung vào công việc cao gấp 7 lần so với nhóm không thấy bị áp lực tài chính.

Stress cũng "giết chết" động lực cũng như sự gắn kết của người đi làm với doanh nghiệp. Tần suất căng thẳng càng cao, nỗ lực tự nguyện cống hiến cho công việc và cam kết gắn bó với công ty càng suy giảm.

Những người có sức khỏe cảm xúc tốt vẫn có thể gặp tình trạng sức khỏe tinh thần bất ổn. Trong cùng một hoàn cảnh, mỗi người có mức độ căng thẳng khác nhau. Khi căng thẳng, lực chống chọi và sự tĩnh tâm để xử lý tình huống tích cực sẽ bị ảnh hưởng.

Dưới đây là 10 dấu hiệu căng thẳng giúp bạn nhận biết sớm để ngăn chặn và kiểm soát kịp thời:

1. Bực bội khó kiểm soát.

2. Thiếu tập trung.

3. Khó thư giãn.

4. Bồn chồn.

5. Buồn bã.

6. Hoang tưởng, lo lắng thái quá.

7. Vui buồn thất thường.

8. Thu mình, không thích giao tiếp.

9. Giấc ngủ thất thường.

10. Ăn uống vô độ.

Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.

Xem thêm: Phát triển bản thân cùng sách

cong viec cang thang anh 2

Thái An

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)