09/11/2022 (06:13:37)
Trong lúc xã hội ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn ngành Tâm lý học của một số trường đại học tăng nhẹ qua từng năm.
Tâm lý đang là ngành học thu hút giới trẻ trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Pexels. |
Cụ thể, chỉ tiêu ngành Tham vấn học đường của ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội (năm học 2022) là 60 sinh viên, tăng 15 chỉ tiêu so với năm ngoái. Ngành Tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tuyển từ 80 đến 85 chỉ tiêu (năm học 2021-2022). Tương tự, ngành Tâm lý học, ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tăng 5 chỉ tiêu so với năm học 2021.
Điểm chuẩn của các trường đại học cũng có xu hướng tăng. Cụ thể, Học viện Quản lý Giáo dục tăng 4,5 điểm trong vòng 2 năm. Riêng ĐH Lao động - Xã hội lấy điểm chuẩn (phương thức xét điểm thi) tăng 6,5 điểm so với năm 2021.
Trong khi đó, chưa có số liệu về nhu cầu dành cho nhân sự chuyên ngành Tâm lý học ở Việt Nam. Nhiều người học hy vọng việc sức khỏe tâm thần được coi trọng sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn, dù nhiều người tốt nghiệp ngành Tâm lý học vẫn đang khó khăn khi tìm công việc đúng chuyên ngành.
Hương Giang (sinh viên năm nhất, khoa Tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng trước đây chất lượng cuộc sống còn thấp, người ta thường dành nhiều sự quan tâm về việc làm thế nào để có thể nâng cao mức thu nhập (hay nói cách khác là bận đi kiếm tiền, bận lo cho gia đình). Chính vì thế, mối quan tâm về sức khoẻ tinh thần không được họ bộc lộ quá rõ.
Hiện nay, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam được cải thiện và nâng cao, kiếm tiền không còn là mối quan tâm duy nhất, người Việt Nam (đặc biệt là thế hệ trẻ) bắt đầu nghĩ cho bản thân nhiều hơn, kéo theo những nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng được nâng cao. Giang luôn tự hỏi đâu là gốc rễ của những vấn đề của mọi người, và liệu phương pháp nào có thể cải thiện đời sống tinh thần của họ.
"Ngành Tâm lý học xuất hiện trong đầu em, từ đó trở thành nguyện vọng nghề nghiệp mà em mong muốn theo đuổi", Hương Giang nói với Zing.
Thanh Lam (22 tuổi) nhớ lại vào thời điểm đăng ký thi đại học, cô chưa từng được tiếp cận nhiều các vấn đề liên quan đến ngành này. Lam lớn lên ở vùng núi, nên khái niệm về Tâm lý học là điều gì đó xa vời. Khi ấy, cô đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Hàn Quốc học và đặt Tâm lý học là nguyện vọng dự phòng.
Sau khi biết kết quả trượt nguyện vọng 1, Thanh Lam từng có ý định thôi học để thi lại nhưng cuối cùng đã quyết định học tiếp.
Thanh Lam có thể tự gỡ được nút thắt của chính mình khi theo học ngành Tâm lý học. Ảnh: NVCC. |
Lam chia sẻ trong đời sống xã hội hiện nay, số lượng người mắc các bệnh như rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm... ngày càng tăng, đặc biệt ở người trẻ. Việc học tâm lý giúp cô có nhận biết cơ bản về hành vi và tâm trí, cũng như hiểu rõ hơn về bản thân và những người xung quanh.
Theo học Thạc sĩ Tâm lý tại ĐH Tây Nam, Trung Quốc, Ngô Thùy (25 tuổi), cho rằng cô tìm thấy được sự hứng thú khi tiếp xúc và đọc các tài liệu liên quan đến ngành học này.
"Trong Tâm lý học có một khái niệm gọi là 'động lực bên trong'. Mình đã tìm thấy sự hứng thú, động lực này khi khi đọc các cuốn sách về tâm lý. Có lẽ đây là lý do mà mình quyết tâm theo đuổi ngành học này", Ngô Thùy nói.
Tại Mỹ, Tâm lý học đóng vai trò cốt lõi trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh, xã hội, thể thao, kinh tế. Vì vậy, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), tỷ lệ việc làm cho các nhà tâm lý học sẽ tăng trưởng 19% từ năm 2014 đến 2024, hơn hẳn tỷ lệ cho các ngành khác (trung bình chỉ tăng 7%).
Theo xu thế phát triển, ngành Tâm lý học ở Việt Nam đang được quan tâm, đặc biệt là nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Mới đây, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (năm học 2022-2023),Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường học chú trọng tới sức khỏe tinh thần của học sinh, đặc biệt khi ngày càng nhiều em gặp vấn đề tâm lý trong quá trình học hoặc bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo đó, trường học phải thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ học sinh, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan tâm lý học sinh, sinh viên. Sở cũng khuyến khích các trường ký hợp đồng với cán bộ, giáo viên hoặc chuyên gia có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp trong việc tư vấn tâm lý.
Việc quyết định học ngành Tâm lý học giúp Thanh Lam tự gỡ được những nút thắt của chính mình, thiết lập một lối sống mới lành mạnh hơn.
Theo một cách nhìn nhận khác, Ngô Thùy cho rằng Tâm lý học còn giúp bản thân có góc nhìn rộng hơn về con người, cuộc sống. Cô được học từng đặc điểm, giai đoạn của đời người và những chuyển đổi tâm lý trong từng giai đoạn nhất định.
Cô lấy ví dụ, các lý thuyết đưa ra khoảng 25-30 là độ tuổi có thể gặp khủng hoảng về nỗi sợ nghề nghiệp, khẳng định bản thân. Khi học tâm lý, ta biết trong giai đoạn đó, nhiệm vụ của họ là có thể tìm cho mình một người thầy, người bạn, hay một người đồng hành giúp đỡ. Điều này đồng nghĩa việc học tâm lý sẽ giúp bản thân có sự nhận biết, chuẩn bị và sẵn sàng đối mặt với những khủng hoảng ở mỗi giai đoạn. Các kỹ năng đã học cũng giúp cô giao tiếp hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Thùy cho rằng đầu ra công việc tại Việt Nam cũng là một thách thức lớn. Thùy kể trước khi học lên Thạc sĩ, cô tốt nghiệp cử nhân loại giỏi với điểm GPA thuộc loại top. Cô cũng tự tin với điểm số và kinh nghiệm của bản thân đã được tích luỹ trước đó. Tuy nhiên, Thùy không tìm được công việc tương tự hoặc đúng với chuyên ngành.
"Ngay cả khi là du học sinh, mình cũng chưa hề biết sẽ làm gì sau khi trở về nước, và không thể ứng tuyển vào đâu đó vì hầu như các tin tuyển dụng đều rất ít", Ngô Thùy chia sẻ.
Thanh Lam dự kiến tập trung vào chuyên ngành Tâm lý học quản trị - kinh doanh, chủ yếu sẽ học về tham vấn nguồn nhân lực, tham vấn tại nơi làm việc, cách thức tổ chức, quản lý… Cô nhận thấy mình phù hợp và mong muốn được làm việc tại các doanh nghiệp.
Mục Giáo dục gửi tới độc giả gợi ý những tác phẩm hay về tuổi trẻ, học đường. Đó có thể là lựa chọn phù hợp cho người yêu sách, thích khám phá cuộc sống học sinh, sinh viên xưa và nay.
Lan Anh
Theo: ZINGNEWS.VN |