05/12/2022 (08:34:41)
Thông tin Michelin Guide tới Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, đa số nhà hàng vẫn dè dặt khi nói chuyện có thể giành được ngôi sao quý giá.
Thông tin Michelin Guide tới Việt Nam được nhóm nhà hàng từ trung đến cao cấp quan tâm. Ảnh: Yatts. |
Theo ghi nhận của Zing, các chủ nhà hàng vẫn chưa quá "căng thẳng" để bắt đầu cuộc đua giành ngôi sao Michelin. Họ đơn giản là tiếp tục công việc thường ngày bởi chẳng ai đoán trước được bao giờ các "thẩm định viên" mới xuất hiện.
Khi được hỏi về "áp lực" giành sao Michelin, đại diện nhiều nhà hàng nhấn mạnh họ không cảm thấy điều này. Mỗi ngày, họ đã đủ "áp lực" với lượng khách đến nhà hàng và đảm bảo chất lượng món ăn ổn định. Do đó, việc thấp thỏm lo lắng một thẩm định viên ẩn danh của Michelin là không cần thiết.
Federico Pinzi, chủ nhà hàng Pasta Fresca tại Thảo Điền (TP.HCM), cũng đồng tình quan điểm này. Anh không quan tâm trong số khách tới nhà hàng của mình có ai là "thanh tra Michelin" đang ẩn danh không. Với Federico, việc nhà hàng cần làm đảm bảo mọi thực khách có thể hưởng dịch vụ như nhau.
Federico (trái) không tin nhà hàng mình đủ sức giành sao Michelin. Ảnh: Phương Lâm. |
Anh cũng rất háo hức khi Michelin Guide có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, Federico không đặt kỳ vọng vào việc sẽ được một thẩm định viên ghé thăm và trao sao. Lý do là nhà hàng của Federico chỉ thuộc phân khúc bình dân, có phong cách phục vụ đơn giản nhằm tạo trải nghiệm thoải mái cho khác hàng.
"Tôi nghĩ nhà hàng của mình sẽ không có tên trong danh sách ghé thăm hay đạt được sao đâu. Tuy nhiên, bạn chẳng bao giờ biết trước điều gì", Federico nói.
Tại Hà Nội, Yatts (Ngô Văn Sở, Hoàn Kiếm) cũng được nhiều người yêu thích với những món Thái fusion.
Đại diện nhà hàng tự nhận xét họ cũng có thể đáp ứng một số trong bộ 5 tiêu chí do Michelin Guide đưa ra như chất lượng nguyên liệu, sự hài hòa trong hương vị, chất lượng ổn định. Tuy nhiên, yếu tố kỹ thuật nấu điêu luyện, thể hiện cá tính độc nhất của đầu bếp vẫn là điều họ chưa làm tốt. Ngoài ra, đại diện Yatts cũng tự đánh giá khâu phục vụ khách của họ mới dừng ở mức khá.
Do đó, để đạt được một ngôi sao Michelin, nhà hàng vẫn còn nhiều thứ phải cải thiện.
Các món ăn của Yatts được chủ nhà hàng tự nhận xét đủ chất lượng về nguyên liệu nhưng chưa hội tủ đủ 5 yếu tố. Ảnh: Yatts. |
Theo khảo sát của Zing, không nhiều nhà hàng chắc nịch mình đủ khả năng giành ngôi sao Michelin. Đa số tỏ ra thận trọng khi nói về vấn đề này. Dù vậy, thông tin về Michelin Guide tới Việt Nam mới chỉ phổ biến đến phân khúc nhà hàng tầm trung đến cao cấp. Các nhà hàng, quán ăn bình dân ở Việt Nam chưa thực sự để ý điều này.
Ngay sau buổi ra mắt Michelin Guide, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Việt - chủ quán phở Khôi (Hàng Vải, Hoàn Kiếm) khá có tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên, người này thậm chí còn không biết Michelin Guide là gì. Khi hỏi về Michelin Guide với một số quán ăn đường phố có tiếng khác ở khu vực trung tâm, câu trả lời cũng tương tự.
Dù không dám khẳng định về khả năng trở thành một phần của Michelin Guide, những người biết về "cẩm nang" này đều háo hức trước viễn cảnh Việt Nam sẽ sớm có nhà hàng đạt sao. Theo họ, điều này sẽ mang tới nhiều điều tích cực cho cả ngành du lịch lẫn ẩm thực của Việt Nam.
Ông Hoàng Tùng, Đồng sáng lập và là bếp trưởng của T.U.N.G Dining - nhà hàng từng nhận nhiều giải thưởng lớn về ẩm thực khu vực châu Á - cho biết không thể nói trước việc có đạt được ngôi sao không? Đó là câu chuyện khá mơ hồ. Tuy nhiên, một ngôi sao Michelin cũng có thể đem đến lợi ích lớn về cả doanh thu, hình ảnh.
"Nó sẽ khiến ngành ẩm thực của cả Việt Nam lớn mạnh và chất lượng hơn. Michelin Guide sẽ thu hút ngày một nhiều những đầu bếp tài năng tới Việt Nam làm việc, góp phần tạo ra một môi trường ẩm thực đa dạng, phong phú và tạo ra cú hích lớn cho du lịch", ông Tùng nhận xét.
Đại diện nhà hàng này nhấn mạnh Michelin Guide cũng là một động lực to lớn với thế hệ đầu bếp trẻ nhằm nâng cao chất lượng đồ ăn và dịch vụ để trở thành một phần của "cuốn thánh kinh ẩm thực". Điều này giúp thế hệ trẻ có một cái nhìn tích cực và tự hào về công việc đầy tính chất nghệ thuật như nấu ăn nói chung và nấu ăn ở đẳng cấp cao nói riêng.
Trước khi Michelin Guide đến Việt Nam, cẩm nang này đã được công bố ở Thái Lan, Singapore. Do đó, một số quan điểm nhận xét việc Michelin Guide tới Việt Nam lúc này là tương đối muộn và phần nào chưa đánh giá đúng ẩm thực của chúng ta.
Đầu bếp Hoàng Tùng không nghĩ sự nổi tiếng của nhà hàng sẽ là lợi thế để thu hút các thẩm định viên. Ảnh: Chí Hùng. |
Dựa trên kinh nghiệm trong nghề, đại diện T.U.N.G Dining nói: "Việc họ tới các nước như Thái Lan, Singapore trước cũng dễ hiểu khi Michelin Guide hướng tới những thị trường phát triển hơn về ẩm thực cao cấp để khởi đầu cho Đông Nam Á.
Việt Nam có một nền ẩm thực đáng tự hào và nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng chủ yếu được biết đến phân khúc ẩm thực đường phố. Tuy nhiên, phân khúc đánh giá chính của Michelin là nhà hàng cao cấp. Loại hình này ở Việt Nam chỉ vừa phát triển mạnh mẽ 5-6 năm trở lại đây".
Gần đây, chủ nhà hàng Yatts cũng có dịp ghé thăm nhà hàng một sao Michelin ở Thái Lan - SRA BUA by Kin Kin. Anh nhận xét cách phục vụ tại nhà hàng này chuyên nghiệp hơn. Các nhân viên cũng có nền tảng kiến thức về những món ăn đem ra.
"Không gian nhà hàng đó cũng khá ấn tượng. Đồ ăn ngon và có nhiều yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ các nhà hàng ở Việt Nam thua kém họ nhiều. Chúng ta cũng có những nhà hàng đảm bảo về chất lượng, độ tinh tế cũng như sự sáng tạo của đầu bếp", người này chia sẻ.
Trong thời gian tới, giới nhà hàng Việt Nam sẽ nhận ra dần tầm bao phủ của ngôi sao Michelin. Đó sẽ là lý do thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng để có thể khẳng định tên tuổi trong một môi trường gắt gao.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.
Anh Tú
Theo: ZINGNEWS.VN |