28/11/2022 (17:19:34)
Dù gây nhiều tai tiếng với những clip review đồ ăn có nội dung bẩn, TikToker Nờ Ô Nô vẫn khá "đắt khách".
Nờ Ô Nô trong đoạn video gây bức xúc trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình. |
Cái tên Nờ Ô Nô khiến nhiều người dùng mạng bức xúc trong thời gian gần đây với clip từ thiện nhưng xúc phạm người già. Sau sự việc này, đại diện nhiều nhà hàng đã lên tiếng tẩy chay những TikToker chuyên nội dung bẩn.
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Tùng, chuyên gia trong ngành F&B, nói một bộ phận TikToker đang đi lên từ nội dung bẩn. Họ cố tình chê bai, bóc phốt, tạo "drama" vì đây là những điều tạo nên sức hút, gây tranh cãi.
Chuyên gia này nhấn mạnh hướng làm việc này ảnh hưởng rất xấu tới việc kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm của các nhân viên và chính những người xem.
"Tôi nghĩ những TikToker này nên bị tẩy chay để đỡ bẩn các nền tảng mạng xã hội", ông Tùng chia sẻ.
Chuyên gia F&B Hoàng Tùng ủng hộ tẩy chay các TikToker làm nội dung "rác". Ảnh: NVCC. |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Marketing chuỗi nhà hàng Bếp Quán, cũng không ủng hộ những TikToker cố tình tạo "phốt" để quảng cáo trá hình như Nờ Ô Nô.
Theo ông Long, khi làm việc với những TikToker, phía nhà hàng chỉ mong muốn được mang sản phẩm, dịch vụ đến gần hơn với khách hàng. Những câu chuyện xấu xí như Nờ Ô Nô gây ra vừa qua không phải điều họ mong muốn khi bắt tay hợp tác.
Đại diện nhiều nhà hàng khác cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tại sao tới giờ mới có trường hợp bị tẩy chay mạnh mẽ như Nờ Ô Nô.
Trao đổi với Zing, ông Hiếu Huỳnh, chủ quán bar Manfolk, người từng có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành truyền thông, văn hóa tẩy chay của người Việt chưa thực sự mạnh mẽ. Chúng ta dễ chú ý đến một sự việc nhưng cũng nhanh chóng lãng quên.
Nờ Ô Nô bị tẩy chay mạnh mẽ khi đụng chạm đến nhóm người yếu thế trong xã hội. |
Tuy nhiên, Nờ Ô Nô lại vô tình đụng đến nhóm đối tượng là người già nghèo khổ, neo đơn. Đây là nhóm dễ nhận được sự đồng cảm. Do đó, cộng đồng mạng mới phản ứng mạnh mẽ như thế.
"Rất ít khi tôi thấy cộng đồng mạng sử dụng sức mạnh lớn như thế. Trước kia, một số TikToker cũng lùm xùm với nhãn hàng nhưng rồi mọi người cũng quên nhanh.
Câu chuyện của Nờ Ô Nô làm tôi nhớ đến trường hợp nhà hàng steak ở quận 1 đánh bả 20 con mèo hoang trong đêm. Điểm chung ở đây là nạn nhân đều trong nhóm yếu thế, không có tiếng nói. Vì thế, cộng đồng mạng đã lên tiếng thay họ", ông Hiếu chia sẻ quan điểm.
Trong những năm gần đây, những người review đồ ăn trên mạng xã hội đang được cộng đồng mạng chú ý. "Quyền lực" trong tay nhóm này cũng lớn dần theo lượng người theo dõi. Khi một người sở hữu lượng người theo dõi cao, tiếng nói của họ cũng có trọng lượng hơn.
Trao đổi với Zing, đại diện Bếp Quán cũng nhận định sự phát triển của mạng xã hội đã giúp nhiều kênh review, chia sẻ trải nghiệm, giới thiệu quán ăn, nhà hàng được chú ý. Do đó, các TikToker ngày càng sở hữu nhiều quyền lực trong việc chuyển dịch nhu cầu và hành vi của khách hàng.
"Nói là “quyền lực” cũng khá đúng bởi chỉ cần một video được đề xuất trên xu hướng TikTok, các bạn TikToker đã mang về lượng lớn traffic (lưu lượng truy cập) dù kênh mới lập hay ít người theo dõi. Các bạn có số lượng người theo dõi lớn sẽ nắm nhiều quyền lực hơn", ông Long cho biết.
Quyền lực của TikToker đi đôi với những hợp đồng quảng cáo từ các nhà hàng, quán ăn. Nhiều bên coi họ như nguồn hút khách trong các chiến dịch quảng bá. Các TikToker có hai xu hướng review chính là làm khách quan hoặc nhận tiền quảng cáo. Khi có tác động của tiền bạc, nội dung sẽ ít khách quan hơn.
Trước khi gây ra vụ lùm xùm xúc phạm người già, Nờ Ô Nô từng khiến cộng đồng mạng ngán ngẩm với nội dung bẩn. |
Nhà hàng coi trọng các TikToker và đôi khi cũng sợ họ. Khi được phóng viên hỏi về quan điểm với các TikToker làm nội dung bẩn như Nờ Ô Nô, quản lý truyền thông một chuỗi buffet tại Hà Nội lập tức né tránh. Người này cho biết mình sợ bị những TikToker này "trả thù" nếu nêu lên quan điểm.
Sự sợ hãi đó đôi khi tạo nên tâm lý "lụy" TikToker của các nhà hàng, quán ăn. Tuy nhiên, chuyên gia F&B Hoàng Tùng khẳng định các nhà hàng, quán ăn cần tỉnh táo khi lựa chọn TikToker hợp tác.
"Quan hệ giữa hai bên thực chất là win-win (cùng có lợi). Tuy nhiên, nó cũng có thể để lại hệ quả xấu. Ví dụ, bạn thuê reviewer sai tệp khách hàng tiềm năng, sản phẩm dịch vụ của mình sẽ được phân phối đến sai đối tượng. Từ đó, chiến dịch không hiệu quả. Nếu nhận tiền để khen thái quá đồ ăn dù chất lượng không tương xứng, khách tới nhà hàng cũng dễ thất vọng", ông Tùng nói.
Chuyên gia này nhận xét mọi lời khen, chê hay bóc phốt của TikToker với nhà hàng đều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực. Có thể, người review đang nói quan điểm khách quan nhưng chuyên môn của họ chưa đủ tốt, dễ dẫn tới nhận định sai. Cũng có trường hợp, TikToker cố tình làm nội dung bẩn để "dìm" nhà hàng, qua đó tăng tương tác cho kênh của mình.
Lời khuyên của các chuyên gia dành cho những nhà hàng, quán ăn đang có ý định hợp tác với TikToker là hãy đề cao sự phù hợp. Mỗi bên đều có tệp khách hàng, tính cách thương hiệu riêng. Trước khi hợp tác, họ cần xem xét kỹ những TikToker có tệp người theo dõi phù hợp với quán mình. Sự phù hợp thực tế đáng giá hơn nhiều lượng theo dõi chỉ mang tính chất số lượng.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.
Anh Tú
Theo: ZINGNEWS.VN |