27/04/2023 (15:25:25)
Lãnh đạo Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á nhận định loài rùa Hoàn Kiếm quý hiếm tiếp tục bị đe dọa bởi nhiều yếu tố, trong đó có nạn săn bắt và suy thoái môi trường sống.
Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô năm 2008. Ảnh: ATP. |
Theo chia sẻ của ông Tim McCormack, Giám đốc Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), tin tức về cái chết của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô đã khiến ông và đội ngũ bảo tồn loài rùa này rất đau buồn.
“Con rùa mai mềm (rafetus swinhoei) được phát hiện chết vào ngày 23/4 (ở hồ Đồng Mô) là một cá thể rất quan trọng. Nó là một con cái trưởng thành nặng 93 kg và có thể đẻ hơn 100 quả trứng. Nếu có khả năng sinh sản, nó sẽ là động lực lớn cho sự phục hồi của loài rùa này", ông McCormack chia sẻ với Zing.
Tuy nhiên, ông cho rằng quá trình bảo tồn rùa Hoàn Kiếm đang gặp phải nhiều thách thức.
Trong nhiều năm qua, ATP thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) đã thực hiện nhiều đợt khảo sát loài rùa Hoàn Kiếm trên phạm vi 20 tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Tại một số khu vực trọng điểm, việc quan sát được thực hiện trong nhiều tháng. Năm 2007, tại hồ Đồng Mô ngoại thành Hà Nội, hình ảnh cá thể rùa Hoàn Kiếm hoang dã đầu tiên được ghi nhận, cũng là cá thể thứ 4 được phát hiện trên thế giới (tại thời điểm đó), theo thông tin trên website chính thức của ATP.
Ông Tim McCormack hiện là Giám đốc Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP). Ảnh: ATP. |
Một bãi đẻ trứng được thiết lập trong hồ Đồng Mô và duy trì trong vài năm nhưng không có dấu hiệu cho thấy nó được sử dụng, ông Tim McCormack chia sẻ.
Đặc biệt, theo vị chuyên gia, “thách thức lớn nhất mà loài này phải đối mặt là có quá ít cá thể của loài được biết đến là còn tồn tại”.
“Trong phạm vi phân bố của loài này ở Việt Nam, Trung Quốc và có thể cả Lào, những cá thể khác có khả năng còn sống sót trong các đoạn sông hoặc hồ bị cô lập. Tuy nhiên, việc xây dựng đê và đập đồng nghĩa với việc chúng có thể đã bị chia tách khỏi nhau hoặc các khu vực làm tổ đã bị ngập lụt”, ông cho hay.
Liên quan đến vai trò của nhiều loài rùa trong hệ sinh thái, ông McCormack khẳng định vấn đề này vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ.
“Một số loài rùa cạn và rùa nước ngọt có thể là loài phát tán hạt giống và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn. Chẳng hạn, một số loài rùa nước ngọt chưa trưởng thành có thể ăn ấu trùng muỗi hoặc côn trùng khác, đồng thời là nguồn thức ăn cho nhiều loài săn mồi”, ông nhận định.
Đối với loài rùa Hoàn Kiếm, khi trưởng thành, một cá thể như ở hồ Đồng Mô sẽ không đối diện với bất kỳ kẻ săn mồi tự nhiên nào ngoài con người, mà chính bản thân nó có thể là kẻ săn mồi trong hệ sinh thái, ông cho biết thêm.
Dẫu vậy, ông khẳng định rùa mai mềm Swinhoe (hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm) là một loài đặc biệt, mang tính biểu tượng, vì có kích thước lớn và có mối liên hệ với rùa Hồ Gươm huyền thoại.
Cá thể rùa Hoàn Kiếm được bẫy bắt thành công ở hồ Đồng Mô năm 2020. Ảnh: WCS. |
Hồ Đồng Mô từng là “vương quốc” của loài rùa Hoàn Kiếm, nơi hoạt động săn bắt rùa từng diễn ra khá phổ biến vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, khi ATP tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô năm 2003, loài này gần như tuyệt chủng, theo Tiền Phong.
ATP lần đầu phát đi thông điệp có hơn một cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô vào năm 2018. Cơ sở của thông tin này là vào ngày 6/8/2018, khi tiến hành quan sát tại khu vực cấm đánh bắt, gần một bãi đẻ trứng nhân tạo do ATP thiết lập trên hồ Đồng Mô, nhóm quan sát gồm 2 cán bộ giàu kinh nghiệm của ATP đã quan sát được 2 cá thể rùa mai mềm cỡ lớn ở cùng một thời điểm.
Tuy nhiên, chưa có phân tích gene để khẳng định cá thể này là rùa Hoàn Kiếm. Nỗ lực bẫy bắt cá thể này ở hồ Đồng Mô cũng chưa có kết quả.
Tính đến hiện tại, thế giới chỉ còn ghi nhận 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm chính thức, một cá thể ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc và một cá thể ở hồ Xuân Khanh, Việt Nam.
Đối với cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh, ông McCormack cho biết ATP đã chụp được ảnh của cá thể này, nhưng hình ảnh không được rõ nét.
“ATP đã tiến hành xét nghiệm DNA môi trường (eDNA) với một số mẫu nước trong hồ để xác nhận rùa Hoàn Kiếm có xuất hiện tại đây. Trong thời gian tới, cần xác định loài và giới tính của cá thể này”, ông McCormack chia sẻ.
Ngoài ra, ông McCormack tiết lộ ATP đã hoàn thành các cuộc khảo sát trên khắp miền Bắc Việt Nam và một số khu vực ở Lào để tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm.
Theo chia sẻ của ông, tại một số tỉnh thành, ATP nhận được báo cáo về những cá thể rùa lớn ở một vài khúc sông hoặc hồ lớn. “Tuy nhiên, ATP cần thêm nhân lực và nguồn lực để có thể tập trung nghiên cứu và đầu tư vào các thiết bị chuyên dụng hơn, nhằm xác định những cá thể này có phải là rùa Hoàn Kiếm hay không”, ông nói thêm.
Bất chấp những tin tức không mấy lạc quan về tương lai của loài rùa này, ông McCormack tin rằng vẫn còn những cá thể rùa Hoàn Kiếm khác sống sót trong tự nhiên, nhưng chúng đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, sự chia cắt với nhau và suy thoái môi trường sống.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông cũng chia sẻ một tin vui là ATP đã thu được ảnh về một con rùa lớn sống trong hồ tự nhiên ở một tỉnh miền Bắc Việt Nam.
“Trong thời gian tới, đội ngũ ATP dự định dành nhiều thời gian hơn để khảo sát hồ này. Chúng tôi thực sự hy vọng đây là một cá thể rùa Hoàn Kiếm”, vị giám đốc chương trình ATP nói.
Vân Đinh - Lê Ngọc
Theo: ZINGNEWS.VN |