25/04/2023 (17:43:45)
Nhiều thi thể trong vụ “giáo phái nhịn đói” ở Kenya được cho là tín đồ của một nhà thờ. Mục sư đứng đầu nhà thờ này đang là tâm điểm trong cuộc điều tra.
Nhà truyền giáo Paul Mackenzie tại tòa án ở Malindi hôm 23/3. Ảnh: Alphonce Gari/Star. |
Ngôi làng Shakahola bụi bặm, lộng gió và nắng cháy, cách thiên đường du lịch Malindi, ở hạt Kilifi (Kenya) khoảng 70 km, là nơi mục sư Paul Mackenzie xem như khu đất thiêng của mình.
Cuộc sống ở đây khá yên bình vì người dân địa phương chủ yếu chăn gia súc và trồng trọt. Ngôi làng xa xôi đến nỗi họ phải vật lộn để bắt được tín hiệu mạng điện thoại di động.
Vào tháng 8/2019, ông Mackenzie chuyển đến Shakahola cùng với một số tín hữu, những người cần bắt đầu cuộc sống mới sau khi đóng cửa nhà thờ Quốc tế Tin Lành (Good News International) ở Malindi.
Hôm 22/3, ngôi làng bị đảo lộn sau khi các thám tử đột kích và bắt giữ ông Mackenzie vì liên quan đến cái chết của hai đứa trẻ. Theo các cuộc điều tra, mục sư này đã khiến các tín đồ tin vào học thuyết nguy hiểm của mình. Trong đó, một số người đang bị điều tra với các cáo buộc khủng khiếp, bao gồm bỏ đói và giết con, theo Nation Africa.
Đến ngày 23/4, cảnh sát Kenya phát hiện thêm hàng chục thi thể tại rừng Shakahola. Số thi thể hiện đã tăng lên 73. Những nạn nhân này được cho là tín đồ “giáo phái nhịn đói” của ông Mackenzie.
Theo tuyên bố của Tổng thanh tra Japhet Koome, các nạn nhân được cho là tín đồ của Nhà thờ Good News International, một "giáo phái tôn giáo đang bị nghi ngờ".
Tổng thống Kenya William Ruto cũng chỉ trích những hành động tôn giáo nguy hiểm này tương tự tội ác “khủng bố”, trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 24/4. “Những kẻ khủng bố sử dụng tôn giáo để thúc đẩy các hành động tàn ác của chúng”, ông nói.
Một tín đồ của Giáo hội Quốc tế Tin Lành ở hạt Kilifi, Kenya được giải cứu sau nhiều ngày nhịn đói, ngày 23/4. Ảnh: Reuters. |
Ông Mackenzie bị cáo buộc thao túng người dân địa phương thông qua các giáo lý tôn giáo cực đoan, sai lệch, cùng nỗi sợ hãi về những điều chưa biết và mong muốn theo đuổi sự cứu rỗi. Ông có 7 người con và đang làm nông ở làng Shakahola.
Mục sư này bị bắt hôm 14/4 sau khi chính quyền giải cứu hơn 15 nạn nhân khỏi khu đất của ông. Bốn người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch và qua đời ngay sau đó, theo các phương tiện truyền thông địa phương. New York Times hiện chưa thể tiếp cận ông Mackenzie hoặc luật sư đại diện.
Vài ngày sau, ông Mackenzie bị buộc tội bởi một thẩm phán tại Tòa án Luật Malindi. Thẩm phán này cho biết mục sư sẽ bị giam giữ trong hai tuần khi cảnh sát tiến hành điều tra.
“Tôi bị sốc về những lời buộc tội. Tôi đã đóng cửa nhà thờ Quốc tế Tin Lành ở Malindi từ tháng 8/2019. Tôi thậm chí đã bán các thiết bị và cả những chiếc ghế. Nếu ai từng cùng tôi thờ phượng trước đây, bây giờ họ nên tự mình làm điều đó chứ không phải nhân danh tôi, không phải mục sư Mackenzie”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi bị bắt giữ.
Một quan chức thuộc Văn phòng Giám đốc Công tố Kenya cho biết “các cuộc khai quật vẫn đang tiếp diễn”. “Vì vậy, cho đến khi cảnh sát tuyên bố kết thúc khai quật và khẳng định không còn thi thể nào, vụ việc sẽ chưa được đưa ra tòa”, quan chức này nói thêm, với điều kiện giấu tên vì không được phép tiết lộ công khai.
Trong khi đó, theo ông Charles Kamau - người đứng đầu cơ quan điều tra tội phạm ở Malindi, các nhà chức trách đã tiếp cận khu đất của ông Mackenzie sau khi nhận được tin báo từ người dân về những người đang chết đói tại đây.
“Chúng tôi nhận được thông tin rằng một số người ở đó đang bị bỏ đói vì bị tín đồ nhà thờ cực đoan hóa. (Tín đồ này) nói rằng sứ mệnh của họ trên thế giới này đã hết, họ nên chết và đi gặp người tạo ra mình”, ông Kamau nói trong một cuộc phỏng vấn với Citizen TV sau khi ông Mackenzie bị bắt.
Chuyên gia pháp y và thám tử điều tra khiêng thi thể của những người bị nghi ngờ là tín đồ của một giáo phái Cơ đốc giáo có tên là Giáo hội Quốc tế Tin lành, ngày 22/4. Ảnh: Reuters. |
Số thi thể dự kiến tiếp tục tăng khi các nhà điều tra khai quật. Một số nạn nhân được tìm thấy vẫn may mắn sống sót nhưng không chịu ăn hoặc uống nước. Theo Hội Chữ thập đỏ, ít nhất 112 người đã được thông báo mất tích.
Các video từ hiện trường vụ án cho thấy cảnh sát đang kéo các túi đựng thi thể và lùng sục khắp khu rừng. Bộ trưởng Nội vụ Kenya Kithure Kindiki đã gọi trường hợp này là một “vụ thảm sát”, phơi bày “sự lạm dụng rõ ràng nhất quyền tự do tôn giáo được hiến định của con người”.
Ông Kindiki cho biết thêm Kenya đã triển khai các đội an ninh nhằm phong tỏa 323 hecta rừng phục vụ cuộc điều tra. Sở Cảnh sát Quốc gia cũng triển khai các nhà điều tra pháp y và thám tử điều tra án mạng.
Trong khi đó, Walid Sketty, 28 tuổi và là thành viên của nhóm nhân quyền Haki, cho biết anh đã cố gắng đến khu đất của ông Mackenzie cùng với một số đồng nghiệp sau khi mục sư này bị bắt vào cuối tháng 3.
“Chúng tôi nghi ngờ có những người khác trong khu đất và muốn xem liệu có ai đó cần sự giúp đỡ hay không”, Sketty kể lại. Tuy nhiên, anh đã bị một nhóm đàn ông mang dao rựa ngăn chặn khi đến địa điểm này.
“Chúng tôi cho rằng chính phủ có lỗi vì thiếu thông tin tình báo. Đây là vấn đề nhân quyền: Nhà nước có nhiệm vụ đảm bảo rằng mạng sống của họ không bị tước đoạt, bất kể tín ngưỡng hay hoàn cảnh”, anh nói thêm.
Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Hải Linh
Theo: ZINGNEWS.VN |