Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Mất bạn thân chỉ vì ở cùng trọ

26/10/2022 (14:47:16)

Ngỡ thân thiết nhưng sống cùng nhau mới lộ ra hết thói hư tật xấu, thậm chí nhiều cặp bạn thân sẵn sàng “từ mặt” nhau vì những rắc rối khi sống cùng.

Không ít bạn thân có ý định rủ nhau “về chung một nhà” khi lên thành phố học. Ảnh: Pexels.

Bạn cùng phòng ở quá lười biếng, sự khác biệt trong phong cách sống, kỹ tính... là những nguyên nhân khiến hai người bạn thân có thể "trở mặt" sau một thời gian sống chung.

Không ít viễn tưởng vui vẻ, hạnh phúc, cùng nhau đi học, đi chơi, ăn uống chung được nhiều người mường tượng đến. Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản. Sự khác nhau về phong cách sống, những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày khiến không ít người mất bạn sau khi ở chung phòng trọ.

Ngao ngán vì ý thức kém

"Mỗi lần đi làm về, mình lại phát điên khi nhìn cảnh tượng quần áo bừa bộn trên giường, bát đũa ăn xong không rửa, phòng không dọn. Bạn chỉ biết sạch sẽ bản thân còn mọi thứ khác như vô hình”, Thanh Vân (25 tuổi, Hà Nam) phàn nàn khi được hỏi về bạn ở chung phòng.

Vì giờ giấc sinh hoạt khác nhau, người đi học, đi làm thêm đến tận khuya. Dù về muộn, bạn cùng phòng liên tục mở nhạc, nói chuyện điện thoại to, mở đèn sáng khiến Vân khó chịu.

Các vấn đề vệ sinh chung cũng khiến hai thành viên đau đầu, khi thì quên lịch trực, quét dọn qua loa, làm cho có, khi thì tị nạnh ai làm nhiều hơn hay ít hơn, rồi xảy ra xích mích. Dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng bạn vẫn không chịu thay đổi.

Thanh Vân chấp nhận rằng khi ở chung, các vấn đề xảy ra trong sinh hoạt là điều khó tránh khỏi. Nhiều khi cô góp ý nhưng bạn đều phớt lờ và nói điều đó không đáng để nhắc tới, hoặc nếu thực hiện, bạn chỉ nề nếp được 3-4 ngày, sau đó lặp lại thói quen cũ.

song cung ban than anh 1

Đau đầu vì các thành viên cùng phòng quá lười biếng. Ảnh: Pexels.

Vân ở chung với bạn thân được khoảng 3 tháng. Sau đó, nữ sinh phải dọn đi vì bạn cùng nhà ở quá bẩn, không thể chịu đựng thêm. Mỗi lần đi học, đi làm về, Vân lại phải lao vào dọn dẹp, trong khi chỉ muốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi.

“Trước mọi người hay trêu muốn níu giữ tình bạn đẹp thì không ở chung, mình cũng gật đầu cho qua, nhưng khi sống rồi mới nhận thấy rõ. Mình đã phải chuyển phòng gấp vì không chịu nổi”, cô gái này than.

Người quen cũng hoá người dưng

Câu chuyện của Thanh Vân không hề hiếm gặp. Thậm chí, nhiều người chơi với nhau rất lâu cũng “quay lưng” chỉ vì gặp những vấn đề khó giải quyết khi chung sống.

Nguyễn Hương (sinh viên năm hai, Đại học Ngoại ngữ) chia sẻ câu chuyện cô và bạn thân từ thời cấp 3 đã không nói chuyện trong 6 tháng vì xích mích khi ở chung phòng, tình cảm hai người vì thế cũng không còn được như trước.

Theo nữ sinh, cô và bạn cùng tuổi khá hợp nhau về tính cách. Thế nhưng khi ở chung, nhiều vấn đề bắt đầu nảy sinh, nhất là "bệnh" sạch quá mức, hay khó chịu của bạn.

“Khi nấu ăn dầu bắn lên chưa kịp lau bạn đã liên tục nhắc. Thỉnh thoảng đi học về mệt chưa kịp gấp quần áo bạn cũng cho rằng bừa bộn, không ngăn nắp, sau đó tỏ vẻ hậm hực, quăng đồ trong nhà. Thậm chí, đồ đạc mình đã sắp xếp để tiện sử dụng, bạn cũng tự ý xếp lại và cho rằng để vậy khiến phòng chật chội thêm", cô bức xúc.

Hương nói vấn đề vệ sinh chung khi ở cùng nhau rất quan trọng. Mỗi người có thói quen riêng, nhưng khi đã chấp nhận sống chung với người khác thì nên có sự nhường nhịn, thay đổi và tôn trọng để phù hợp cách sống của nhau.

Nhiều lần to tiếng, hai người không tìm được tiếng nói chung, Hương tìm cách nói chuyện để giải quyết mâu thuẫn, trực tiếp góp ý để bạn thay đổi dần. Tuy nhiên, người bạn đó lại đem những câu chuyện nội bộ kể ra bên ngoài. Điều này khiến cô thất vọng.

Hương kể trước đây ít gặp nhau, cô và bạn thường đi chơi, tán gẫu. Giờ ở cùng, hai người chẳng còn háo hức gặp nhau để "xả" mọi ấm ức ở công ty hay kể chuyện tình yêu. Mọi thứ trở nên bão hòa, nhạt dần, rồi cuối cùng không còn thân thiết như trước.

Cuối cùng, sau vài lần xích mích, nữ sinh quyết định không nói chuyện với bạn một thời gian.

Mất lòng trước, được lòng sau

Cứ tưởng rằng chơi chung với nhau, mọi thứ đều thuận lợi đến khi gặp chuyện hay mâu thuẫn thực tế thì mới lộ ra khuyết điểm.

Thu Hằng (25 tuổi, Sơn La) nói con gái thường xảy ra nhiều vấn đề, đôi khi chỉ là những vấn đề nhỏ nhưng dồn nén lâu ngày cũng khiến cả hai khó chịu.

song cung ban than anh 2

Thu Hằng (bên phải) cho rằng việc duy trì mối quan hệ lâu dài với người bạn cùng phòng đòi hỏi nhiều cố gắng trong thời gian đầu. Ảnh: NVCC.

Trước khi sống chung, Hằng và bạn thân đã xác định những điều cần làm để tránh "sứt mẻ" tình cảm của cả hai.

"Ngay từ đầu, mình đã xác định rõ ràng với bạn về thói quen, sở thích sinh hoạt. Cả hai cũng đưa ra những quy tắc chung để tránh mất lòng nhau về sau", Hằng chia sẻ.

Hằng cho biết mặc dù đã thân từ trước, khi sống với nhau, cô luôn tôn trọng quyền riêng tư của bạn, đặc biệt những vật dụng cá nhân.

"Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó có thể là một trong những lý do lớn nhất khiến hai đứa dễ xảy ra xung đột. Bạn đừng mượn, sử dụng, hoặc có bất cứ hành động nào đụng đến vật dụng cá nhân của họ nếu không được sự cho phép", Thu Hằng nói.

Ngoài ra, Hằng lấy ví dụ nếu bạn cùng hay sử dụng đồ vệ sinh cá nhân, hoặc mặc đồ của bạn và điều đó làm bạn khó chịu thì hãy bình tĩnh, kiên nhẫn giúp họ nhận thức những điều không biết rõ.

Cô cho rằng việc có một người bạn cùng phòng đòi hỏi nhiều cố gắng trong thời gian đầu, đây cũng là cơ hội giúp bản thân có kinh nghiệm sống về sau.

Tương tự, Quốc Huy (sinh viên năm 3, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) cho rằng khi sống với nhau, sòng phẳng trong những khoản chi phí chung là điều mà cả hai chắc chắn phải lưu tâm.

song cung ban than anh 3

Quốc Huy (bên phải) cho biết sòng phẳng trong những khoản chi phí chung là điều đáng lưu tâm. Ảnh: NVCC.

Cả hai cũng thỏa thuận rõ ràng về cách chia tiền nhà trước khi ký kết hợp đồng thuê, hay quyết định ai sẽ chi khoản nào hoặc chia sẻ ra sao đối với các vật dụng, thực phẩm dùng chung.

"Nhiều người nói bạn bè với nhau không quan trọng chuyện tiền bạc nên khi chi tiêu mọi thứ trở nên không rõ ràng. Nhưng mình nghĩ, có thể sòng phẳng tiền bạc với nhau mới khiến cả hai cảm thấy thoải mái", Huy nói.

Nam sinh nói bạn bè thân thiết không tới mức sòng phẳng từng đồng, nhưng về lâu dài nên chia sẻ với nhau để tạo sự thoải mái, tránh ngại ngùng những lần về sau.

Cả hai cũng áp dụng biện pháp khi mâu thuẫn sẽ ngồi lại nói rõ chuyện, thỏa hiệp những quy tắc chung. Nếu không dung hòa được thì mỗi người nên tìm cho mình một người bạn trọ phù hợp hơn.

Nguyễn Hương cũng cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn tình bạn rạn nứt là quá trình sống có những va chạm làm nảy sinh mâu thuẫn và không biết cách giải quyết mâu thuẫn đó.

Rút kinh nghiệm khi chọn bạn ở cùng, cô cũng áp dụng nguyên tắc mất lòng trước, được lòng sau và giải quyết các vấn đề khi còn là chuyện nhỏ.

Lan Anh

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Giáo dục (Tin mới)
Giáo dục (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05