15/10/2022 (22:49:29)
Cảnh nóng chỉ là một nội dung nhỏ trong phim truyền hình "Hành trình công lý" nhưng lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả.
"Hành trình công lý" có một số cảnh nóng gây tranh cãi. |
Hành trình công lý - tác phẩm được chuyển thể từ kịch bản gốc The Good Wife của Đài truyền hình CBS - mới lên sóng 3 tập, lập tức trở thành chủ đề tranh cãi. Trong phim, nhân vật Hoàng (Việt Anh đóng) có cảnh nóng với cô gái tên Hà.
Bê bối xảy ra khiến nữ chính Phương (Hồng Diễm) sụp đổ, không thể chấp nhận sự thật phũ phàng. Người chồng mà cô đặt trọn niềm tin bỗng chốc trở thành một kẻ hèn, phản bội gia đình.
Cảnh nóng của Hoàng chỉ là một nội dung nhỏ, đóng vai trò là tiền đề để mở ra câu chuyện sau này về cuộc đời Phương - người phụ nữ mạnh mẽ vực dậy sau biến cố, thậm chí còn làm luật sư bào chữa cho chồng trong vụ án mạng sắp diễn ra.
Khi đưa cảnh này lên màn ảnh nhỏ, ê-kíp đã tận dụng góc quay xa, điều chỉnh màu phim sao cho hình ảnh không bị phản cảm. Nguồn cơn khiến phân đoạn này gây tranh luận dữ dội là do bị chèn lại liên tục theo diễn biến phim. Cảnh nóng được chiếu đi chiếu lại trong 3 tập, kèm theo hiệu ứng giọng nói của nhân vật, khiến nhiều ý kiến cho rằng ê-kíp đang lạm dụng.
Việt Anh trong phim Hành trình công lý. Ảnh: VFC. |
Trước luồng phản ứng trái chiều từ dư luận, đạo diễn Mai Hiền lên tiếng cho rằng cảnh nóng ở đây không nhằm mục đích câu khách, mà có tác động quan trọng đến nội dung phim và tâm lý nữ chính. Dụng ý của việc lặp lại cảnh này là xoáy vào nỗi ám ảnh của người vợ.
Diễn viên Việt Anh thừa nhận đây là cảnh táo bạo nhất anh từng thực hiện đến lúc này. Theo anh, cảnh nóng là điều bình thường trên màn ảnh, đôi khi cần phải có tùy từng kịch bản.
"Việc gia giảm thế nào để không trở nên phản cảm và lạm dụng phụ thuộc vào đạo diễn. Đối với tôi, về cơ bản, cảnh nóng không có gì ghê gớm, mà rất đời sống. Quan trọng là chúng ta đưa vào phim với liều lượng ra sao. Với phim này, cảnh đó khiến nhân vật Phương luôn ám ảnh, bế tắc, từ đó mới dẫn đến bi kịch, nên bắt buộc phải có", nam diễn viên nêu quan điểm.
Lâu nay, cảnh nóng hoặc cảnh nhạy cảm trong phim truyền hình vốn là chủ đề nhiều lần khiến dư luận "dậy sóng". Những tác phẩm từng vướng tranh cãi có thể kể đến Quỳnh búp bê, Người phán xử, Mộng phù hoa, Tiếng sét trong mưa, Bán chồng...
Trong Người phán xử, nhân vật Phan Hải của Việt Anh có những cảnh âu yếm, thân mật với nhân tình Vân Điệp (Thanh Bi). Nữ diễn viên này sau đó cũng bị chê mặc trang phục quá táo bạo, sexy, không phù hợp với sóng truyền hình quốc gia.
Năm 2018, Mộng phù hoa - bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời của đại mỹ nhân Sài Gòn xưa Trần Ngọc Trà - gây phản ứng vì có quá nhiều cảnh nóng. Trong vai kỹ nữ Ba Trang, Kim Tuyến phải diễn cảnh ôm hôn, chăn gối với nhiều bạn diễn như Nhan Phúc Vinh, Hoàng Anh, Quốc Trường. Không ít tình huống trong phim bị nhận xét thô, thiếu tính nghệ thuật. Dù lên sóng vào khung giờ muộn 21h40 trên sóng VTV3, tác phẩm vẫn hứng khen chê.
Khi được nhận giải Cánh diều vào năm 2019 cho vai diễn Ba Trang, Kim Tuyến từng đưa ra phản hồi: "Ở góc nhìn của tôi, những cảnh nhạy cảm trên phim đã được tiết chế nhiều so với những phim ngắn nghệ thuật mà tôi từng tham gia. Chúng tôi không được hở da thịt, không được làm gì quá đáng. Cứ quay xong 5 tập là ê-kíp phải sơ dựng và gửi lên cho đài duyệt, nếu quá mức thì làm sao có thể lên sóng truyền hình quốc gia".
Nhiều phim truyền hình Việt từng gây tranh cãi vì cảnh nhạy cảm. |
Tiếng sét trong mưa (phát sóng năm 2019) là một tác phẩm thành công với hiệu ứng tốt nhưng có giai đoạn bị chỉ trích dữ dội vì chiếu vào khung giờ vàng - 20h trên kênh Vĩnh Long. Khi ấy, rất nhiều ý kiến cho rằng phim nên được dán nhãn bởi nhiều cảnh giường chiếu, phản ánh mối quan hệ trái luân thường đạo lý. Vẫn biết phim bám sát tác phẩm gốc nổi tiếng Lôi vũ, khán giả nhận định khi Việt hóa, ê-kíp nên điều chỉnh sao cho phù hợp văn hóa.
Về vấn đề này, trong bài phỏng vấn trên Zing, đạo diễn Phương Điền lý giải bản thân luôn xác định làm phim truyền hình là phục vụ gia đình, nhiều đối tượng khán giả, có thể bao gồm cả trẻ em. Đạo diễn nhìn nhận không có phân đoạn nào trong Tiếng sét trong mưa quá phản cảm.
"Ngay từ khi dựng phim, tôi đã đặt điều luật 16 (Thông tư quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em) trên bàn. Cái gì đúng quy định mới dám làm. Phim của gia đình mọi thứ phải làm chừng mực, không thể bạo dạn như phim chiếu rạp", đạo diễn Phương Điền nói.
Quả thật, phim truyền hình Việt vẫn được gắn mác là phim dành cho gia đình, do đó cảnh nóng hoặc nội dung bạo lực luôn là vấn đề nhạy cảm và có nguy cơ “bùng” lên bất cứ lúc nào. Ví dụ, năm 2018, dự án Quỳnh búp bê vấp tranh cãi sau vài tập đầu lên sóng. Phim sau đó được chuyển từ kênh VTV1 sang khung giờ muộn hơn trên VTV3, kèm theo khuyến cáo: “Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem".
Một mặt, đây là cái khó đối với đơn vị sản xuất cũng như nhà đài. Mặt khác, thực tế này đòi hỏi ê-kíp phim luôn phải chỉn chu trong mọi khâu và có những điều chỉnh kịp thời khi cần, tránh sa đà, đi quá giới hạn.
Ly Nguyễn
Theo: ZINGNEWS.VN |