Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Kiểm sát viên bác lời khai của cựu đại tá biên phòng bảo kê xăng lậu

27/12/2022 (17:37:27)

“Tâm thư là viết từ đáy lòng, có nội xin phép Đảng, xin phép thủ trưởng Bộ Quốc phòng, không ai có thể viết thay. Bị cáo đừng nói bị cơ quan tố tụng ép”, kiểm sát viên nói.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Đức/TTXVN.

Chiều 27/12, Tòa án Quân sự Trung ương tiếp tục phiên xử xem xét kháng cáo của ông Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) và 7 bị cáo khác liên quan vụ bảo kê cho trùm buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu. Chủ tọa và đại diện Viện kiểm sát Quân sự Trung ương đã dành nhiều thời gian để xét hỏi Nguyễn Thế Anh, cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, về cáo buộc nhận hối lộ.

Ông Thế Anh (sơ thẩm lĩnh án chung thân) và em họ là Nguyễn Văn An (sơ thẩm lĩnh 15 năm tù về tội Nhận hối hộ) đưa ra nhiều lý do để phản cung, không thừa nhận có mối quan hệ thân thiết với Phan Thanh Hữu.

Thừa nhận cầm tiền của trùm buôn lậu

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Thế Anh, năm 2019, bị cáo giữ chức Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020, ông Thế Anh là Phó cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm của Bộ tư lệnh Biên phòng. Từ tháng 7/2020 đến khi bị bắt, bị cáo là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang.

Ông Thế Anh nói quen Phan Thanh Hữu cuối tháng 2/2020, nhưng trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu (người được triệu tập đến tòa với tư cách người làm chứng) khai 2 người quen biết nhau từ năm 2011.

Bị HĐXX truy vấn, bị cáo Nguyễn Thế Anh vẫn khẳng định tháng 2/2020 mới gặp ông Hữu. “Anh Hữu khai như vậy là việc của anh Hữu. Từ lúc bị bắt, anh Hữu có nhiều lời khai về bị cáo và không có lời nào thống nhất. Nếu thân thiết thì không có chuyện nhận diện sai”, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang khai.

Ông Thế Anh thừa nhận đã nhận tiền của Phan Thanh Hữu thông qua em họ là An. “Việc nhận tiền là có tội rồi nhưng quy kết nhận hối lộ thì theo nhận thức của bị cáo là chưa phù hợp”, bị cáo Nguyễn Thế Anh nói và cho biết không nhớ rõ đã bao nhiều lần nhận tiền, còn An khai đưa cho anh họ 120.000 USD.

Bao ke xang lau anh 1

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Trung Đức/TTXVN.

Về việc quá trình giải quyết vụ án đã khai nhận tiền với số lượng khác (có lúc khai đã nhận 240.000 USD), ông Thế Anh cho rằng “thời gian đó, bị cáo có nhiều lý do tác động. Bị cáo xin khai thật là số liệu đó không chính xác”.

Khi kiểm sát viên nói bị cáo từng chỉ huy cơ quan phòng chống tội phạm, cần khai báo để thể hiện sự thành khẩn, ông Nguyễn Thế Anh nói việc nhận tiền của Hữu là sai. “Bị cáo thấy tội bị cáo không phải nhận hối lộ. Bị cáo và anh Hữu không có thỏa thuận nào, không gặp, không đòi phải đưa tiền. Việc bị cáo Hữu đưa tiền là tự nguyện”.

Trước lời khai này, đại diện Viện kiểm sát Quân sự Trung ương công bố tâm thư của ông Thế Anh, trong đó có đoạn: “Tôi bị Phan Thanh Hữu mua chuộc, lôi kéo. Tội lỗi tôi đã rõ, xin thủ trưởng Bộ Quốc Phòng giơ cao đánh khẽ để tôi được hưởng khoan hồng”.

Cựu đại tá biên phòng phân trần rằng do bị ép buộc và nhiều lý do tác động, nên bị cáo đã viết tâm thư. Bị cáo thừa nhận đã nhận tiền của Phan Thanh Hữu, nhưng không phải 420.000 USD như đã tường trình. Ông Thế Anh khai việc đưa tiền không phải tháng nào cũng diễn ra. Thấy hoàn cảnh gia đình An khó khăn, có lần bị cáo không nhận quà, mà đưa lại cho An.

Tuy nhiên, nhân chứng Phan Thanh Hữu khai đã đều đặn chi tiền cho ông Thế Anh từ 9/2019 đến hết tháng 1/2021. Bị cáo không nhớ số lượng cụ thể nhưng chi đầy đủ vào ngày 15 hàng tháng. Trước đó, vào ngày 13 mỗi tháng, An gọi điện cho ông Hữu. Sau đó một ngày, trùm buôn lậu giao tiền cho An để đưa cho Nguyễn Thế Anh.

“Bị cáo đừng nói bị cơ quan tố tụng ép”

Trước khi tiếp tục xét hỏi cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, với tư cách từng là đồng chí, đồng đội, kiểm sát viên cho biết bị cáo từng làm việc tại cơ quan phòng chống tội phạm nên về mặt pháp luật không cần giải thích, nếu hối cải sẽ nhận được khoan hồng. “Bị cáo khai quen Phan Thanh Hữu năm 2020, còn Hữu nói quen từ năm 2011. Nhưng trong danh sách điện thoại có rất nhiều cuộc gọi từ tháng 10/2019. Bị cáo có cần xem?”, kiểm sát viên hỏi.

Bị cáo Thế Anh phân trần rằng trong lúc làm việc, bị cáo không nhớ Hữu có gọi hay không. Cựu đại tá biên phòng nói nhiều người không phải bạn bè vẫn gọi cho nhau, sau đó dành nhiều thời gian để giải thích không quen biết Phan Thanh Hữu từ năm 2019.

Với chứng cứ thu thập, kiểm sát viên cho rằng lẽ ra bị cáo phải khai là “không nhớ quen Hữu từ khi nào”. Đại diện Viện kiểm sát Quân sự Trung ương khẳng định có chứng cứ cho thấy 2 bên nhiều lần liên lạc với nhau từ 2019. Cho rằng bị cáo còn quanh co, chủ tọa và kiểm sát viên nhiều lần nhắc nhở các ông Thế Anh phải dám làm, dám chịu, cần thành khẩn để được khoan hồng.

“Bị cáo khẳng định bị ép buộc viết tâm thư. Vậy ai ép bị cáo? Trả lời kiểm sát viên, bị cáo Thế Anh không nói ai là người ép buộc. Cựu đại tá trình bày rằng tại tòa sơ thẩm, ông từng khai về việc bị ép buộc, nhưng không có căn cứ chứng minh nên sau đó đã nhận là người viết và ký trong tâm thư.

“Tâm thư là viết từ đáy lòng, có nội xin phép Đảng, xin phép thủ trưởng Bộ Quốc phòng, không ai có thể viết thay. Bị cáo đừng nói bị cơ quan tố tụng ép”, kiểm sát viên nói.

Bao ke xang lau anh 2

Chiều 27/12, HĐXX dành nhiều thời gian xét hỏi cựu đại tá Nguyễn Thế Anh. Ảnh: Trung Đức/TTXVN.

Chiều nay, em họ của cựu đại tá Thế Anh là bị cáo An cũng nhiều lần được mời lên bục khai báo để xác nhận các thông tin liên quan việc nhận tiền từ Phan Thanh Hữu. An khai không biết Phan Thanh Hữu dù đã nhiều lần nhận tiền từ trùm buôn lậu xăng. Theo lời khai, không phải tháng nào ông Hữu cũng gọi cho An để đưa quà cho ông Thế Anh. An không biết số lượng cụ thể, chỉ mang về nhà để bàn giao khi bị cáo Thế Anh vào TP.HCM.

An khai tất cả lời khai cụ thể trước đây về việc nhận tiền của Phan Thanh Hữu đều không chính xác. An nhiều lần cho rằng đã bị điều tra viên của Công an tỉnh Đồng Nai ép cung nhưng không đưa ra được chứng cứ.

Khi VKS công bố các bản tự khai, lời khai của bị cáo có sự chứng kiến của luật sư, An lý giải: “Bị cáo cứ nghĩ khai đổ tội cho Thế Anh thì được hưởng tình tiết khai báo thành khẩn”. Tuy nhiên, bản tự khai thể hiện An đã nhận rồi về nhà đếm số tiền mà từ trùm xăng lậu đưa cho.

Kiểm sát viên cũng nhận định việc An khai không quen biết Phan Thanh Hữu là không chính xác. Trước đó, An cùng bị cáo Thế Anh và Phan Thanh Hữu đã gặp nhau ở khách sạn. “Rõ ràng điện thoại của bị cáo và ông Hữu liên lạc thường xuyên nên đừng nói không biết Phan Thanh Hữu”, kiểm sát viên nói.

Ngoài ra, lời khai của bị cáo Cao Quốc Hoài cũng thể hiện đã được An nhờ đến nhà ông Hữu nhận tiền. Ông Phan Thanh Hữu cũng xác nhận đã gặp Hoài sau khi được An giới thiệu.

Sáng mai (28/12), phiên tòa phúc thẩm tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bá Chiêm

Theo: ZINGNEWS.VN


Pháp luật (Tin trước)