26/12/2022 (20:06:47)
Người bào chữa cho bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh nói rằng bị cáo này sẽ quay về chấp hành bản án sau khi tòa phán quyết. Bị cáo mong được hưởng chính sách khoan hồng.
Toàn cảnh phòng xử vụ AIC. Ảnh: TTXVN. |
Chiều 26/12, nhóm luật sư bào chữa tiếp tục trình bày quan điểm đối đáp tại phiên xử bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC), cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cùng 33 bị cáo khác.
Diễn biễn đáng chú ý là phần đối đáp của luật sư bào chữa cho bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa), một trong 8 bị cáo được xác định cùng bà Nhàn bỏ trốn theo cáo trạng của VKS. Theo cáo buộc, bà Hạnh đã thông thầu với phía AIC thông qua việc ký khống 13 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho đơn vị thẩm định giá.
Từ việc làm của bà Hạnh, Công ty AIC cùng các công ty "quân đỏ" trúng 13 gói thầu theo mức báo giá mà bà Hạnh đưa ra, gây thiệt hại hơn 128 tỷ đồng. Khi luận tội, VKS đề nghị phạt bà Hạnh 6-7 năm tù về tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bào chữa cho bà Hạnh theo chỉ định của tòa án, luật sư cho biết sau khi liên hệ với bị cáo, bà này bày tỏ mong muốn được pháp luật khoan hồng. Đồng thời, Chủ tịch Công ty Cát Vân Sa nói sẽ quay về chấp hành bản án sau khi tòa phán quyết.
Qua nghiên cứu hồ sơ, luật sư của bà Hạnh cho rằng trong vụ án, bị cáo này thực hiện hành vi gian lận thầu theo nội dung lập trình sẵn thông qua quy trình 70 bước. Người bào chữa đánh giá hành vi của bà Hạnh "chỉ là tiểu tiết" nên mong VKS xem xét lại mức án đã đề nghị đối với bị cáo này để thể hiện sự khoan hồng.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga. Ảnh: TTXVN. |
Cùng được chỉ định bào chữa cho bị cáo đã bỏ trốn, luật sư của ông Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên, bị đề nghị 4-5 năm tù) cho biết bị cáo Vinh hiện mang quốc tịch Mỹ và Việt Nam. Trong các tháng 7 và 8, ông Vinh đã bất chấp bệnh tật, từ Mỹ về Việt Nam để hợp tác khai báo với cơ quan điều tra, cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến vụ AIC.
Theo luật sư, quá trình tố tụng, gia đình bị cáo Vinh đã chủ động nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả. Thông qua người bào chữa, ông Vinh cam kết sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền, mong được gỡ bỏ lệnh truy nã, được hưởng khoan hồng đặc biệt và được miễn hình phạt.
Cũng trong phiên tranh luận chiều nay, luật sư Trịnh Văn Tuyến (bào chữa cho bị cáo Lê Chí Tuân - Trưởng nhóm hồ sơ dự thầu thuộc Công ty AIC) có quan điểm cho rằng trong vụ án này, hành vi của ông Tuân thông thầu cho AIC trúng thầu chỉ mang tính giản đơn về mặt thủ tục, giấy tờ.
Theo luật sư Tuyến, sau khi nhận được thông báo từ bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc AIC) về việc phân các doanh nghiệp dự thầu thành "quân xanh" và "quân đỏ", ông Tuân được giao nhiệm vụ truyền đạt, phân công cho những người trong nhóm hồ sơ dự thầu liên hệ với các công ty được sắp xếp dự thầu từ trước. Mục đích để lấy giấy giới thiệu gửi vào miền Nam cho nhân viên mua hồ sơ dự thầu.
Sau đó, ông Tuân và những người trong nhóm sẽ sao chụp hồ sơ dự thầu hoàn chỉnh thành nhiều bản, rồi đóng gói và niêm phong tạm thời để gửi Văn phòng miền Nam của Công ty AIC. Luật sư cho rằng ông Tuân và nhóm của mình phải chịu rất nhiều áp lực trong quá trình AIC dự thầu và thông thầu tại Bệnh viện Đồng Nai.
"Bị cáo Tuân từng bị nhắc nhở, cảnh báo rằng nếu để trượt thầu có thể bị đuổi việc", luật sư nêu quan điểm và đề nghị HĐXX xem xét vai trò của bị cáo khi lượng hình.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Hoàng Lam
Theo: ZINGNEWS.VN |