24/04/2023 (11:33:06)
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 02/2023 quy định về việc cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Các khách hàng vay vốn ngân hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được giãn nợ tối đa 1 năm. Ảnh: Chí Hùng. |
Cụ thể, theo Thông tư mới ban hành, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ bao gồm toàn bộ khách hàng vay vốn (trừ trường hợp khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách gặp khó khăn trả nợ với các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Theo đó, các ngân hàng sẽ được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khoản vay trên cơ sở đề nghị của khách hàng và khả năng tài chính của ngân hàng. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại nợ phải đáp ứng một số điều kiện như dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư có hiệu lực (24/4) và phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại nợ chỉ áp dụng với các khoản nợ gốc - lãi phát sinh từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024 và số dư nợ được cơ cấu lại phải còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày theo hợp đồng tín dụng, thỏa thuận.
Để được cơ cấu lại nợ, khách hàng cũng phải được ngân hàng đánh giá không còn khả năng trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi theo hợp đồng thỏa thuận, do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ ban đầu.
Đồng thời, khách hàng cũng phải được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ cả gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại.
Cũng theo Thông tư, NHNN yêu cầu các ngân hàng không được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ vi phạm quy định pháp luật; thời gian cơ cấu lại (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá 12 tháng.
Về việc giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, Thông tư mới của NHNN cho biết các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ có dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên.
Khoản nợ sau khi được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, ngân hàng sẽ không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Trường hợp khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ hết thời gian cơ cấu mà không được ngân hàng tiếp tục cơ cấu thì phải thực hiện phân loại nợ theo quy định.
Với số tiền lãi phải thu của khách hàng có khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), ngân hàng sẽ không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu và thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được nợ,
Ngoài các quy định trên, Thông tư 02/2023 của NHNN còn quy định về việc trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ được cơ cấu lại của ngân hàng; mức dự phòng rủi ro với các khoản nợ này cũng như trách nhiệm của các ngân hàng, đơn vị thuộc NHNN trong việc áp dụng Thông tư vào hoạt động cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn.
Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN, cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã và đang triển khai, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023 sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng.
Từ đó tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Quang Thắng
Theo: ZINGNEWS.VN |