21/04/2023 (16:07:16)
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng đánh thuế sẽ giúp giảm giá nhà đất. Việc kết thúc các cuộc thanh tra doanh nghiệp địa ốc cũng giúp “phá băng” cho thị trường.
Thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2022. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo GS TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế Quốc dân (NEU), giá nhà đất đã tăng 50% trong khoảng thời gian 2020-2022. Nhiều người coi đây là kênh đầu tư để bảo toàn vốn và coi giá trị của bất động sản tương đương với vàng ròng.
Tuy nhiên, tình hình ngành địa ốc Việt Nam đã ngày càng xấu đi từ nửa cuối năm ngoái. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ trong năm 2022 chỉ tương đương hơn 20% so với năm 2018.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong năm ngoái cũng chỉ khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch. Con số này bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018.
Đứng trước tình trạng này, ông Hoàng Văn Cường đã kiến nghị một số giải pháp ngắn hạn và dài hạn đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023.
Trong ngắn hạn, vị này cho rằng việc thanh tra cần được kết thúc sớm và các cơ quan chức năng phải xử lý kịp thời đối với các dự án bị tạm dừng. Điều này sẽ giúp các chủ đầu tư có thể tiếp tục triển khai dự án và sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
“Quốc hội cần đưa ra các nghị quyết mang tính tức thời. Trong đó có việc lựa chọn, vận dụng luật pháp khi có mâu thuẫn. Đồng thời, các bất cập cần được xử lý ngay, không cần chờ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…”, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Bên cạnh việc chuyển đổi trái phiếu thành sản phẩm, vị đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần mua lại trái phiếu đối với các dự án quan trọng, tránh để rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu lại dự án đầu tư để tập trung vốn. Ngoài ra, các chủ đầu tư có thể giảm giá bán và tăng huy động vốn góp cá nhân.
Về các giải pháp mang tính dài hạn, Phó hiệu trưởng NEU cho biết hiện nhiều khu vực được đầu tư quá mức so với triển vọng phát triển, từ đó tạo các thành phố “ma” và làm chôn vùi nguồn lực đầu tư của xã hội. Vì vậy, Chính phủ cần phải kiểm soát tiến độ đầu tư các dự án bất động sản theo lịch trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển du lịch.
Không chỉ vậy, ông Cường cho rằng việc giao dịch đất và nhà ở cần bắt buộc phải được đăng ký. Điều này sẽ tránh tình trạng thất thu thuế, giảm hiện tượng “thổi” giá và giúp cơ quan chức năng dễ dàng tịch thu bất động sản vi phạm.
Ngoài ra, vị chuyên gia này mong muốn các giao dịch sẽ phải thực hiện thông qua sàn bất động sản. Việc này sẽ giúp người dùng nhận được đầy đủ thông tin sản phẩm. Trong khi đó, các sàn giao dịch cũng sẽ chịu trách nhiệm về các thông tin xác nhận, bao gồm việc cung cấp cho cơ quan nhà Nước để tính thuế, đăng ký biến động, dự báo thị trường…
Hơn nữa, ông cũng cho rằng Nhà nước không nên chấp thuận việc các tài sản hình thành trong tương lai đăng ký giao dịch trái phiếu chuyển đổi. Việc này có thể khiến các hoạt động mua bán trao tay “đẩy giá” tăng lên.
Đồng thời, ông Cường cho rằng để “hạ nhiệt” giá nhà đất, Nhà nước cần đánh thuế sở hữu và thuế thừa kế bất động sản. Quy định về thời hạn sở hữu căn hộ cũng là một mấu chốt giúp giảm bớt gánh nặng chi phí của người mua nhà.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Thanh Vũ
Theo: ZINGNEWS.VN |