31/01/2023 (06:01:39)
Chuyên gia cho biết nạn nhân của bắt nạt qua mạng có thể phải vật lộn với sự cô đơn và các mối quan hệ xã hội kém, khó tập trung trong lớp, hạ thấp lòng tự trọng và trầm cảm.
Dù đã 6 năm trôi qua, Seah vẫn ám ảnh về việc bị bắt nạt qua mạng. Ảnh minh hoạ: Parent. |
Khi Erin Seah 15 tuổi, cô là nạn nhân của bắt nạt qua mạng. Điều đáng nói, kẻ bắt nạt lại chính là người bạn nữ từng thân thiết.
Erin Seah kinh hoàng khi biết bài đăng của người bạn cũ chứa những lời lẽ thô tục và đe dọa nhằm vào cô. Người này thậm chí viết: “Tôi thề sẽ dành cho bạn một cú đấm ngay cả khi bị cấm túc".
Tên của Seah không được đề cập trong bài, nhưng một bình luận đã xác nhận nghi ngờ của cô - “Bạn đang nói về E**n phải không?”.
“Người bạn đó nghĩ tôi đang lợi dụng vì không đáp lại tình cảm của một cậu bạn khác và cho rằng tôi đang tìm kiếm sự chú ý", Seah nhớ lại
Dù đã 6 năm kể từ khi vụ việc xảy ra, Seah - hiện 21 tuổi - vẫn chưa hoàn toàn quên đi giai đoạn khó khăn sau đó.
“Tôi gặp khó khăn trong việc kết bạn vì tôi e dè và không ngừng tự hỏi họ nghĩ gì về mình. Trước đây, tôi rất tự tin và cởi mở, nhưng sau đó, tôi thường xuyên nghi ngờ bản thân. Tôi vẫn đang đấu tranh để tìm ra mình là ai ngoài việc làm hài lòng mọi người và tránh bị bắt nạt lần nữa”, Seah chia sẻ với Today.
Trải nghiệm tồi tệ của Seah không phải là điều bất thường đối với trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu.
Theo nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Pew (tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ) thực hiện và công bố tháng 12/2022, 46% thanh thiếu niên Mỹ trong độ tuổi 13-17 từng bị bắt nạt trên mạng.
Hình thức bạo lực mạng phổ biến nhất mà họ phải đối mặt là xúc phạm (32%), tin đồn thất thiệt (22%) và nhận hình ảnh tục tĩu (17%).
Một nghiên cứu tại Singapore do Sunlight Alliance for Action (AfA) thực hiện năm ngoái cũng cho thấy kết quả tương tự: Trong số 1000 người Singapore (trên 15 tuổi) được hỏi, gần một nửa từng bị bắt nạt trên mạng. Tuy nhiên, khoảng 43% trong số họ nói rằng họ sẽ không lên tiếng vì tin rằng điều đó sẽ không có kết quả.
Đối với Seah, cô cũng không làm bất cứ điều gì cho đến khi mẹ cô phát hiện ra điều đó. Seah biết người bạn cũ là kẻ bắt nạt trên mạng, nhưng cô không thể xác định những bình luận khác trong bài đăng.
Cùng với việc bị bắt nạt ở trường học, những lời đe dọa trực tuyến khiến Seah bắt đầu tự tẩy chay bản thân vì sự an toàn của mình.
“Tôi thường đi vệ sinh trong giờ học và ngay lập tức chạy về nhà khi hết giờ để không bị tấn công. Việc bắt nạt khiến tôi sợ hãi, vì vậy, tôi nghỉ học một tuần với lý do không khỏe. Mẹ nhận ra điều gì đó không ổn và bắt đầu tìm hiểu", Seah chia sẻ.
Mẹ của Seah đến trường để khiếu nại nhưng bị Seah và các giáo viên ngăn không cho báo cảnh sát. Tuy nhiên, tình trạng bắt nạt - cả trên mạng và ngoài đời - vẫn tiếp diễn và chỉ kết thúc khi Seah học xong cấp 2 khoảng một năm sau đó, cô phải vật lộn với những tác động của nó.
Khi ngày càng có nhiều trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử và trẻ hóa độ tuổi, nguy cơ bắt nạt qua mạng sẽ chỉ tăng trong những năm tới. Ảnh minh hoạ: Today. |
Hậu quả kéo dài là điều mà các chuyên gia cho rằng cần phải kiểm tra kỹ hơn ở Singapore bởi bắt nạt qua mạng có thể nguy hiểm hơn các hình thức truyền thống (nó được lưu trữ trên Internet và hiện diện 24/7 trong cuộc sống của nạn nhân).
GS Lim Sun Sun, giáo sư về Truyền thông và Công nghệ tại Đại học Quản lý Singapore, lưu ý đối với những thanh niên tò mò về cách mọi người nhìn nhận về họ, bắt nạt qua mạng có thể tác động lâu dài vì kho lưu trữ các bình luận bắt nạt có thể được truy cập bất cứ lúc nào.
“Những kẻ bắt nạt cũng có xu hướng mở rộng hành vi bắt nạt từ truyền thống sang trực tuyến”, GS Lim nói.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh khi ngày càng có nhiều trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử và trẻ hóa độ tuổi, nguy cơ bắt nạt qua mạng sẽ chỉ tăng trong những năm tới.
Bà Ann Hui Peng, trưởng nhóm phát triển trẻ em tại Hiệp hội Trẻ em Singapore, cho biết nạn nhân có thể phải vật lộn với sự cô đơn và các mối quan hệ xã hội kém, khó tập trung trong lớp, hạ thấp lòng tự trọng và trầm cảm. Một số trẻ em bắt đầu tự làm hại bản thân, tránh đến trường và kết quả học tập sa sút.
Ryan Ong (24 tuổi) cũng là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến khi còn học cấp 2. Tháng 10/2022, Ong thuyết trình tại một trường đại học ở Malaysia về cách anh vượt qua việc bắt nạt.
Trong khi chuẩn bị bài thuyết trình, Ong đăng nhập vào tài khoản Facebook của mình để tìm kiếm những lời nhận xét gây tổn thương do những người bạn học cấp 2 khi đó để lại.
Hơn 10 năm sau, khi đọc lại những bình luận đó, Ryan vẫn cảm thấy nao núng, cho biết chứng trầm cảm và lo lắng tồi tệ hơn trong giai đoạn đó.
“Tôi được cho là đang tìm kiếm sự chú ý khi các bạn cùng lớp biết tôi có ý định tử tử. Họ bình luận yêu cầu tôi kết liễu cuộc đời mình cùng những điều khác. Điểm số của tôi ngày càng tệ do bị bắt nạt và cô lập", Ryan nói.
Không có ai hỗ trợ, Ryan tìm đến trò chơi điện tử như một lối thoát. Ở đây, anh tìm thấy một nhóm bạn hỗ trợ mình.
“Tôi trốn học vì giáo viên không hành động và sức khỏe tinh thần của tôi ngày càng tệ. Nhà trường đề nghị bố mẹ kiểm soát các thiết bị của tôi nhằm cải thiện điểm số. Bố mẹ tôi nghĩ đó là điều đúng đắn. Tuy nhiên, điều đó chỉ khiến tôi khép kín hơn", Ryan Ong nói và cho biết cha mẹ anh không thừa nhận việc bắt nạt đã diễn ra.
Hơn 10 năm sau, khi đọc lại những bình luận bắt nạt, Ryan Ong vẫn cảm thấy tổn thương. Ảnh: Today. |
Chia sẻ với Today, các nạn nhân cho biết họ sợ nói với cha mẹ vì không muốn bị tịch thu thiết bị di động. Một số người cũng cho biết cha mẹ của họ nói chỉ cần tắt thiết bị, hành động bạo lực mạng sẽ chấm dứt.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định phản ứng của cha mẹ có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, phụ huynh cần giữ bình tĩnh và hỏi ý kiến con cái về cách giải quyết.
“Ngày nay, việc cha mẹ phản ứng thái quá với nhiều thứ, thậm chí là bắt nạt dưới hình thức nhỏ là điều phổ biến. Đôi khi, trẻ em cần được tin tưởng để tự xử lý”, TS Anuradha Rao, người sáng lập CyberCognizanz (tổ chức nâng cao nhận thức về sức khỏe trên không gian mạng), nói và khuyên chỉ đến khi trẻ không thể tự mình giải quyết vấn đề, cha mẹ mới nên can thiệp.
Điều này có thể xác định qua dấu hiệu như sức khỏe cảm xúc của trẻ bị ảnh hưởng, trẻ thể hiện một số hành vi tiêu cực như miễn cưỡng mở các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội, hoặc trốn học.
TS Anuradha Rao cũng nhấn mạnh việc lấy thiết bị di động của nạn nhân có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên đan xen trong cả thực tế và trực tuyến. Việc tước quyền truy cập vào thế giới trực tuyến có thể khiến họ cảm thấy bị cô lập hơn.
Đối với những đứa trẻ bị bắt nạt trên mạng, bà Ann Hui Peng cho biết cha mẹ nên dạy chúng làm theo 4 bước:
Ngoài việc hành động khi trẻ em bị bắt nạt trên mạng, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng cha mẹ cần giáo dục con cái tốt hơn về an toàn trực tuyến như một biện pháp phòng ngừa.
Tháng 9/2022, một cuộc khảo sát của Google với 500 phụ huynh Singapore có con 5-17 tuổi cho thấy cứ 10 phụ huynh thì có 3 người không cảm thấy con mình được cung cấp đầy đủ thông tin về các vấn đề an toàn trực tuyến.
Cuộc khảo sát cũng phát hiện ra rằng độ tuổi trung bình để một đứa trẻ sở hữu điện thoại di động là 10 tuổi, nhưng độ tuổi trung bình mà chúng được nói chuyện về an toàn trực tuyến là khoảng 13 tuổi.
Tiến sĩ Anuradha Rao khuyên cha mẹ không nên cho con cái truy cập internet cho đến khi chúng lớn hơn và có thể phân biệt đúng sai tốt hơn, giúp giảm nguy cơ chúng tiếp xúc với những tác hại trực tuyến.
Ngược lại, nếu phát hiện con là kẻ bắt nạt trên mạng, điều quan trọng, phụ huynh phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ của hành vi. Cha mẹ cũng nên giải thích cho con cái về tác động của việc bắt nạt đối với bản thân và nạn nhân của chúng.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.
Ngọc Bích
Theo: ZINGNEWS.VN |