15/10/2022 (07:34:57)
Nhiều người sẵn sàng đăng hình ảnh, chia sẻ câu chuyện cá nhân để tăng lượt tương tác và tuyển người thuận lợi hơn.
Sử dụng LinkedIn từ khi bắt đầu đi làm với mục đích kết nối với lãnh đạo và đồng nghiệp, Linh Chi (21 tuổi, làm việc tại Hà Nội) bắt đầu tập xây dựng trang cá nhân bằng cách viết hồ sơ thật đẹp và mở rộng kết nối với người khác.
Sau một thời gian, vòng tròn kết nối của cô bắt đầu mở rộng và nhận được nhiều lời mời kết nối từ các HR, chuyên viên thu hút nhân tài.
Kết nối nhiều với HR giúp Chi có thêm cơ hội mở rộng mối quan hệ, thậm chí nhận được những lời mời làm việc hấp dẫn. Tuy nhiên, điều khiến Chi cảm thấy khó hiểu là một số HR đăng bài tuyển dụng với format kỳ lạ.
Một lần, khi lướt LinkedIn, Linh Chi nhìn thấy HR của công ty tài chính đăng bài tuyển nhân sự. Nhưng thay vì đi vào nội dung chính là việc tuyển dụng, người này lại viết một đoạn văn rất dài nói về cuộc sống của bản thân. Nội dung tuyển dụng khiêm tốn nằm ở cuối bài, kèm theo một đường link dẫn đến phần mô tả và yêu cầu công việc.
Một lần khác, Chi thấy một người đăng bài tuyển dụng kèm theo ảnh chế tục tĩu. Nội dung bài tuyển dụng không có vấn đề, nhưng Chi nhận thấy bức ảnh chế kèm theo bài đã phá hủy sự chuyên nghiệp của bài đăng đó.
Tuyển dụng trở thành cuộc đua của nhiều HR. Ảnh minh họa: Great Place to Work. |
Người rơi vào tình cảnh tương tự khi dùng LinkedIn là Bảo Trân (25 tuổi, Đà Nẵng). Làm việc trong lĩnh vực đối ngoại, Trân thường xuyên kết nối với các HR trên LinkedIn để tìm kiếm đối tác phù hợp. Dùng LinkedIn với mục đích tìm kiếm nền tảng chia sẻ chuyên nghiệp, nhưng không ít lần, Trân bắt gặp những bài đăng phản cảm.
Để thu hút ứng viên, nhiều người đăng bài tuyển dụng không ngại đăng ảnh mặc trang phục sexy, khoe đường cong quyến rũ, kèm theo caption “mời anh về team em, công ty em không thiếu các mỹ nữ quyến rũ”.
Thậm chí, Trân từng nhìn thấy một bài đăng tuyển dụng, đính kèm clip sexy dance. Người đăng bài nhấn mạnh công ty có phúc lợi cho nhân viên nữ xinh xắn là các lớp học sexy dance, mời mọi người mau mau ứng tuyển.
Cũng đề cập phong cách đăng bài tuyển dụng, 10 tháng trước, một HR đăng bài viết đề cập đến một bài viết trên Facebook với nội dung HR đăng bài tuyển người trên Facebook dùng ảnh Canva, trong khi hình ảnh đăng trên LinkedIn lại là ảnh chụp cá nhân.
Người đăng bài viết này cũng xác nhận cô thấy khá nhiều HR nữ đăng ảnh cá nhân trong các bài viết tuyển dụng. Với cô, LinkedIn là một xã hội chuyên nghiệp nên cô không mấy thiện cảm với những bài viết như vậy.
Có kinh nghiệm sử dụng LinkedIn nhiều năm, Bảo Trân hiểu rõ HR luôn phải cạnh tranh để tìm được những ứng viên phù hợp với công ty. Do đó, họ tìm cách đa dạng hóa và cá nhân hóa các bài viết, thậm chí bắt trend để bài tuyển dụng tiếp cận với nhiều ứng viên hơn.
Việc cá nhân hóa các bài đăng về công việc trên mạng xã hội là một kiểu hội nhập theo xu hướng vì thương hiệu cá nhân sẽ gắn liền với thương hiệu công ty. Nếu muốn người khác nghe về công ty, nghe về vị trí bạn đang tuyển, bạn phải nêu được một điều gì đó để người ta quan tâm (ví dụ câu chuyện bản thân làm việc ở công ty hoặc hình ảnh bản thân làm việc…).
Cá nhân Bảo Trân cũng hay đăng những bài viết có câu chuyện, đính kèm hình ảnh của bản thân để giới thiệu về công ty mình đang làm việc. Cô nhận thấy những bài viết mang tính cá nhân hóa sẽ hút tương tác mạnh hơn những bài chỉ mang tính thông tin đơn điệu, nhàm chán.
Tuy nhiên, Trân nhấn mạnh việc gì cũng cần có chừng mừng, nhất là khi đăng bài trên những nền tảng chuyên nghiệp như LinkedIn. LinkedIn cũng là mạng xã hội, nhưng nó khác những nền tảng khác ở chỗ người dùng tập trung chia sẻ về công việc, sự nghiệp của bản thân hoặc chia sẻ những bí quyết khi học tập, làm việc.
“HR muốn bắt trend hay làm nội dung hài hước để câu kéo ứng viên cũng nên biết giới hạn, phải biết chọn lọc chứ không thể đăng ‘cả thế giới’ lên LinkedIn được”, Trân nêu ý kiến.
Anh Tuấn Anh cho rằng việc đăng ảnh, chuyện cá nhân trên LinkedIn rất khó kiểm soát. Ảnh: NVCC. |
Nói về hiện tượng nhiều người cố tình đăng ảnh cá nhân, drama hoặc chia sẻ những chuyện quá riêng tư trên LinkedIn để hút tương tác, anh Tuấn Anh, chuyên gia và giáo viên lĩnh vực Nhân sự - Tuyển dụng, nhận định đây là điều khó kiểm soát.
Theo anh, mỗi người có mục đích khác nhau khi dùng mạng xã hội. Nếu không thể kiểm soát được việc người khác làm gì, người dùng có thể đóng góp cho xã hội tốt hơn bằng cách không lặp lại những điều tương tự hoặc đăng những thông tin ý nghĩa hơn.
Anh Tuấn Anh nhấn mạnh LinkedIn cũng là một loại mạng xã hội. Vì thế, thay vì cố gắng thay đổi những người dùng thiếu chuyên nghiệp, tự mỗi người dùng nên trang bị kiến thức cho bản thân và làm tốt việc của riêng mình.
"Mạng xã hội cũng như một xã hội thu nhỏ, chuyên nghiệp hay không ở góc nhìn của chính mỗi người. Xã hội vẫn còn những cá nhân chưa chuyên nghiệp, việc của chúng ta không phải là cố gắng thay đổi họ mà hãy làm tốt việc của mình", anh nói.
Giống như những trang mạng xã hội khác, LinkedIn áp dụng thuật toán để đo lường chất lượng bài đăng, từ đó phân loại thành 3 nhóm là spam, chất lượng thấp, chất lượng cao.
Những bài viết chất lượng cao sẽ được “đẩy” để tiếp cận với nhiều người hơn. Tại đây, khả năng tăng tương tác của bài viết đó sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố là lịch sử tương tác và lượng tương tác thực. Nếu bài đăng đề cập những chủ đề nóng, được nhiều người quan tâm, khả năng hút tương tác bài viết đó sẽ cao hơn.
Để bài đăng LinkedIn đạt hiệu quả tốt, người dùng cần lưu ý một số mẹo sau:
1. Câu mở đầu thú vị, nên đặt ở đầu bài đăng, tách biệt với nội dung bài đăng: Người dùng chỉ có thể nhìn thấy 3 dòng đầu tiên của bài đăng. Nếu muốn đọc tiếp phần còn lại của bài đó, họ phải nhấp vào “xem thêm”. Do đó, câu mở đầu của bài phải cuốn vì nó là thứ thu hút và sau đó khiến người đọc muốn xem thêm.
2. Trình bày trôi chảy, đoạn văn không nên dài quá 3 câu: Bài đăng LinkedIn không thể in đậm, in nghiêng chữ. Vì vậy, bạn nên ngắt dòng hợp lý để bài đăng trông gọn gàng. Ngoài ra, ngắt dòng giúp bạn đánh dấu những đoạn quan trọng trong bài đăng trên LinkedIn. Một bài đăng có thể dày đặc chữ, nhưng nếu trình bày gọn gàng vẫn có thể khiến người khác muốn đọc.
3. Tập trung vào thông điệp: Khi viết, bạn hãy tập trung vào duy nhất một ý tưởng và mục đích của bài viết đối với người đọc. Một bài viết quá nhiều ý tưởng sẽ không hiệu quả. Thay vào đó, mỗi nội dung được đăng lên phải tập trung vào một thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến độc giả của mình.
4. Đừng quên hình minh họa: Bạn không nên đăng ảnh kèm bài chỉ vì nó đẹp. Bức ảnh hoặc hình ảnh được chọn phải có ý nghĩa và hoàn toàn phù hợp với thông điệp của bài viết. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ảnh tự thiết kế thay vì những hình ảnh miễn phí kiếm được trên mạng.
5. Sử dụng biểu tượng cảm xúc: Mọi người nghĩ LinkedIn là mạng xã hội dành cho công việc và việc sử dụng biểu tượng cảm xúc ở nền tảng này là thiếu nghiêm túc. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng vài biểu tượng cảm xúc để truyền tải cảm xúc. Mỗi bài đăng chỉ nên giới hạn vài biểu tượng cảm xúc thân thiện.
6. Sử dụng hashtag: Bạn nên gắn từ khóa liên quan dưới mỗi bài đăng để tăng tương tác. Theo đó, bài viết của bạn dễ xuất hiện trên công cụ tìm kiếm và được nhiều người tiếp cận hơn.
7. Chọn thời điểm phù hợp để đăng bài: Nếu các mạng xã hội giải trí có nhiều lượt truy cập vào cuối tuần, LinkedIn lại có nhiều lượt truy cập vào những ngày trong tuần, cụ thể là từ thứ 3 đến thứ 5, trong các khung giờ 7h30-8h, giữa trưa và 17-18h.
8. Lên lịch đăng bài: Nếu không có thời gian để đăng bài vào các khung giờ nói trên, bạn hãy sử dụng một ứng dụng của bên thứ ba để lên lịch đăng bài. Tuy nhiên, nhược điểm của việc này là bài viết sẽ bị hạn chế hiển thị do không bị điều khiển bởi thuật toán LinkedIn, bạn cũng không thể trả lời bình luận ngay được.
Thái An - Linh Thùy
Theo: ZINGNEWS.VN |