12/11/2022 (18:02:11)
Hiểu rõ tầm quan trọng của ASEAN, tổng thống Timor-Leste đã dành nhiều thập kỷ để vận động giúp nước này có thể gia nhập khối. Đối với ông, đó được coi là giấc mộng cả đời.
Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos Horta. Ảnh: Reuters. |
Vào những năm 1970, ông Jose Ramos-Horta, một nhà ngoại giao đang lên, lần đầu nêu ra ý tưởng về việc Timor-Leste gia nhập khối kinh tế và chính trị của Đông Nam Á, theo Reuters.
Ông Ramos-Horta sau đó đã trở thành tổng thống của Timor-Leste và nhận được giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp của ông trong việc giúp nước này giành độc lập.
Gần nửa thế kỷ sau, tầm nhìn của ông dường như đã thành hiện thực, khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khẳng định hôm 11/11 rằng họ đã thống nhất về nguyên tắc công nhận Timor-Leste làm thành viên thứ 11 của khối. Trước đó, Timor-Leste là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á vẫn nằm ngoài khối.
"Chúng tôi đã thống nhất về nguyên tắc để công nhận Timor-Leste là thành viên thứ 11 của ASEAN", các lãnh đạo ASEAN ra tuyên bố, cho biết các bước tiếp theo sẽ bao gồm lộ trình để trở thành thành viên, dự kiến được đệ trình trong hội nghị năm tới.
Tổng thống Timor-Leste Jose Ramos-Horta phát biểu sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử ở nước này vào hôm 21/4. Ảnh: Reuters. |
Ông Ramos-Horta, 72 tuổi, khẳng định giấc mơ đó đã được ấp ủ từ lâu. "Vào lần đầu tiên tôi nói về điều này, tôi chỉ mới 24-25 tuổi”, ông nói với Reuters từ thủ đô Dili.
"Tôi đã đến Jakarta và gặp ngoại trưởng Indonesia lúc đó là Adam Malik. Tôi không có kinh nghiệm ngoại giao, nhưng tôi biết rằng hội nhập khu vực, tư cách thành viên ASEAN, cũng như mối quan hệ chặt chẽ với Australia và Indonesia là rất quan trọng đối với tương lai của Timor-Leste”, ông Ramos-Horta nhấn mạnh.
Vào thời điểm đó, Đông Timor vẫn do Bồ Đào Nha cai trị và sau đó, nước này đã bị sáp nhập bởi Indonesia.
Timor-Leste đã giành độc lập vào năm 1999, và được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận vào năm 2002, trở thành quốc gia trẻ nhất châu Á.
Nước này ngay sau đó đã bắt đầu tiến trình gia nhập ASEAN, nhưng đến năm 2011 mới chính thức gửi đơn xin gia nhập.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) trong tuần này, ASEAN cho biết Timor-Leste sẽ được trao quy chế quan sát viên tại các cuộc họp cấp cao của khối khi họ xây dựng "lộ trình trở thành thành viên đầy đủ".
Indonesia - nước sẽ tiếp quản ghế chủ tịch ASEAN từ Campuchia vào năm 2023 - hy vọng Timor-Leste có thể chính thức gia nhập đại gia đình ASEAN vào năm tới, theo Jakarta Post.
Bên cạnh đó, theo CNA, các nhà lãnh đạo ASEAN cho biết những quốc gia thành viên và đối tác bên ngoài sẽ hỗ trợ Timor Leste đạt được cột mốc quan trọng đó, và mang đến những hỗ trợ cần thiết cho Timor Leste đạt tư cách thành viên đầy đủ của ASEAN.
Ông Ramos-Horta hiện là một trong những nhân vật chính trị nổi tiếng nhất Timor-Leste.
Ông từng là ngoại trưởng đầu tiên của đất nước và là thủ tướng năm 2006-2008. Ông cũng là tổng thống nước này giai đoạn 2007-2012. Trong thời gian đó, ông cũng từng bị ám sát hụt bởi lực lượng binh lính nổi dậy.
Ông Ramos-Horta đã tái đắc cử tổng thống nước này trong năm nay. Trước đó, Tổng thống Jose Ramos-Horta đã vận động để nước này trở thành thành viên ASEAN kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình trong chính phủ.
Bên cạnh đó, ông Ramos-Horta khẳng định việc trở thành một thành viên chính thức của ASEAN sẽ "không xảy ra vào ngày mai" và vẫn có thể mất vài năm.
Tuy nhiên, điều đó cuối cùng cũng sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia non trẻ của ông.
Timor-Leste đã kỷ niệm 20 năm độc lập trong năm nay. Đất nước 1,3 triệu dân này phụ thuộc nhiều vào trữ lượng dầu và khí đốt vốn đang suy giảm. Bên cạnh đó, họ cũng phải vật lộn trong nhiều năm với một số bất ổn, cũng như thách thức đa dạng hóa nền kinh tế của mình.
GDP bình quân đầu người của nước này vào khoảng 1.400 USD vào năm 2021.
Các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh cùng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 11/11. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Ramos-Horta, việc trở thành thành viên ASEAN sẽ mở ra cho đất nước của ông các mối quan hệ ngoại giao rộng rãi hơn với những đối tác đối thoại ASEAN, có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn.
Không những vậy, điều đó cũng mang đến cho người dân nước này cơ hội giáo dục và việc làm tốt hơn, ông Ramos-Horta nói thêm.
Vị tổng thống khẳng định người dân sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để đi khắp ASEAN học tập và làm việc.
“Bên cạnh đó, sẽ có rất nhiều áp lực đối với giới tinh hoa của Timor-Leste và chính phủ của chúng ta, vì điều đó không chỉ đi kèm với các quyền và đặc quyền, mà còn mang đến gánh nặng trách nhiệm”, ông cho biết thêm.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Vân Đinh
Theo: ZINGNEWS.VN |