26/12/2022 (18:27:00)
Kế hoạch áp giá trần và lệnh cấm từ phía phương Tây đối với dầu Nga đã bắt đầu tác động tới giá dầu. Mỗi thùng dầu Brent tăng 3 USD trong vỏn vẹn 12 tiếng.
Lo ngại về nguồn cung dầu từ Nga đã đẩy giá dầu tăng vọt. Ảnh: Reuters. |
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 26/12 (giờ Việt Nam), trong vòng 24 giờ qua, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã vọt từ dưới 81 USD/thùng lên hơn 84 USD/thùng.
Còn giá dầu WTI có thời điểm xuyên thủng ngưỡng 80 USD/thùng rồi giảm nhẹ về 79,65 USD/thùng, đánh dấu mức tăng gần 3% so với 24 giờ trước đó.
Mối lo ngại về việc nguồn cung dầu toàn cầu bị siết chặt đã đẩy giá của loại hàng hóa này tăng vọt.
Theo các thương nhân và tính toán của Reuters, xuất khẩu dầu Urals của Nga sẽ giảm tới 20% trong tháng 12. Kế hoạch áp giá trần dầu Nga của phương Tây và lệnh cấm đối với dầu vận chuyển qua đường biển của Nga từ phía Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực vào tháng này.
Theo các thương lái, Moscow không thể chuyển hướng hoàn toàn sang những thị trường khác, nhất là 2 nước tiêu thụ lớn ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Nga vẫn đang gặp khó trong việc tìm đủ tàu phù hợp.
Theo tính toán của Reuters dựa trên dự liệu của các thương lái, xuất khẩu dầu Urals từ những cảng Biển Baltic có thể giảm từ 6 triệu tấn hồi tháng 11 xuống 5 triệu tấn vào tháng này. Một số ước tính thậm chí thấp tới 4,7 triệu tấn.
Xuất khẩu dầu Urals của Nga sẽ giảm tới 20% trong tháng 12. Ảnh: Reuters. |
EU, các quốc gia G7 và Australia đã nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu nhập khẩu từ Nga, có hiệu lực kể từ ngày 5/12. Cùng với đó là lệnh cấm từ phía EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh đối với những lô hàng năng lượng của Nga.
Với kế hoạch áp giá trần, các quốc gia ngoài EU có thể nhập khẩu dầu thô của Nga. Nhưng nếu giá trong hợp đồng vượt ngưỡng 60 USD/thùng, những công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm sẽ phải ngừng cung cấp dịch vụ.
Tính đến tháng 12, giá dầu thô Urals của Nga đã giảm sâu. Những bên mua như Ấn Độ có thể mua các lô hàng nhiên liệu từ Nga với mức giá thấp hơn nhiều ngưỡng 60 USD/thùng.
Các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây đã tác động mạnh tới những lô hàng Urals tại các cảng Biển Baltic. Một phần nguyên nhân là tình trạng thiếu hụt tàu chở dầu bên ngoài phương Tây.
Thêm với đó, nhu cầu toàn cầu yếu đi vì những lo ngại về tăng trưởng kinh tế. Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc cũng đè nặng lên nhu cầu của đất nước 1,4 tỷ dân.
Transneft - công ty vận tải qua đường ống quốc doanh của Nga - không thể hoạt động hết công suất vì thiếu hụt đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất dầu. Một số hợp đồng bị hủy bỏ hoặc lùi lịch.
Transneft đang vận hành hơn 70.000 km đường ống, vận chuyển khoảng 80% lượng dầu và 30% sản phẩm từ dầu được sản xuất tại Nga.
Ý tưởng về việc áp giá trần dầu Nga được giới chức Mỹ đưa ra nhằm siết doanh thu từ năng lượng của Điện Kremlin, vốn vẫn đang ở mức cao.
Giá dầu Brent vọt tăng trong ngày 26/12. Ảnh: Trading Economics. |
Reuters nhận định không dễ để đạt được mục tiêu này. Bởi giá dầu Nga đã giảm đáng kể do các lệnh trừng phạt, nhưng thị trường dầu toàn cầu cũng biến động mạnh vì những lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Phía Moscow khẳng định sẽ không chấp nhận kế hoạch áp giá trần ngay cả khi phải cắt giảm sản lượng.
Thêm vào đó, trong vài tuần trở lại đây, chính quyền Trung Quốc đã nới lỏng một số biện pháp chống dịch. Theo dự báo mới nhất của S&P, nhu cầu dầu tại nước này có thể đạt 15,7 triệu thùng/ngày vào năm sau, cao hơn khoảng 700.000 thùng so với năm 2022.
Những căng thẳng về nguồn cung do thiếu hụt đầu tư vào dầu khí khiến giá dễ dàng tăng cao khi cầu đẩy.
Mới đây, ông Dan Yergin - Phó chủ tịch S&P Global - tin rằng giá dầu có thể chạm mốc 121 USD/thùng sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...
Thảo My
Theo: ZINGNEWS.VN |