24/12/2022 (13:59:51)
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các cơ quan báo chí đóng góp nhiều hơn nữa cho việc tìm ra và tôn vinh những tấm gương có sáng kiến, giải pháp có ích cho xã hội.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nguyễn. |
Tại hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 1256 ngày 9/12 của Thủ tướng.
Theo ông Lâm, đây là việc báo chí kể những câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng, thổi bùng những giá trị tốt đẹp, đồng cảm, hướng thiện, giúp hoá giải bế tắc để tiếp tục sống tốt hơn. Tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và nhân dân.
Khi đất nước vượt qua đại dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ TT&TT điểm lại những cơ quan báo chí có nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc trên báo chí cách mạng. Trong đó có nhiều tuyến bài ghi dấu ấn với lượt truy cập cao, thu hút bạn đọc.
Tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm
Đồng thời, những cơ quan báo chí khác cũng được biểu dương với những chuyên mục, câu chuyện khắc họa những con người bình dị “không ai biết mặt biết tên”, nhưng có niềm tin vào chính nghĩa, tình yêu cuộc sống thuần khiết. Có những chuyên mục duy trì nhiều năm, đạt hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt truy cập.
Tạp chí điện tử Tri Thức Trực Tuyến - Zing News cũng được nêu lên là một trong những cơ quan báo chí tích cực truyền cảm hứng về tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng, đất nước; cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm giàu, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp; tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,… với rất nhiều ví dụ tiêu biểu, nhiều cách làm hay.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng chung, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng mỗi ngày mở điện thoại, máy tính ra đọc báo chí điện tử, đập vào mắt vẫn là những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của một bộ phận phóng viên, và thậm chí của cả một số tòa soạn báo và tạp chí.
Nhiều bản tin, bài báo còn thiếu tính nhân văn, sa đà chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí. Trong khi đó, một số cơ quan lấy danh nghĩa phản biện, chống tiêu cực đã có không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách tùy tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền.
“Thông tin sai lệch, không kiểm chứng có thể khiến một doanh nghiệp lụn bại, hàng trăm, hàng nghìn người lao động mất việc hoặc làm mất danh dự, đảo lộn cuộc sống một con người. Nhiều người trong cuộc và độc giả khi đọc một số bài báo đã phải thốt lên: ‘Tại sao, vì cái gì mà người viết bài lại có thể ác đến như vậy”, ông Lâm nói và cho rằng khi báo chí phản ánh cuộc sống với một lăng kính méo mó và với năng lượng tiêu cực, thông tin tiêu cực sẽ trở thành dòng chủ lưu và che lấp đi những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội.
Thông tin sai lệch, không kiểm chứng có thể khiến một doanh nghiệp lụn bại, hàng nghìn người lao động mất việc hoặc mất danh dự.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm
Nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ông Lâm cho hay ngày 9/12, Thủ tướng đã có Quyết định 1526 ban hành đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025”. Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.
Thay mặt ban tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí nghiên cứu kỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, phát huy vai trò, tạo niềm tin và ổn định xã hội. Trong đó, các cơ quan cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp; kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt.
“Đất nước cần một nền báo chí hướng xã hội vào việc suy nghĩ và tìm kiếm lời giải cho những vấn đề lớn, trọng đại. Tìm kiếm giải pháp bao giờ cũng khó hơn là bình phẩm, chỉ trích. Các cơ quan báo chí hãy đóng góp nhiều hơn nữa cho việc tìm ra và tôn vinh những tấm gương có sáng kiến, giải pháp có ích cho xã hội, giúp ích cho công tác chỉ đạo, điều hành đất nước”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đề nghị.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.
How to Avoid a Climate Disaster - Bill Gates. Tỷ phú công nghệ đưa ra góc nhìn của mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cả hướng đi rõ ràng, thiết thực để giải quyết chúng trong tương lai.
Hồng Quang
Theo: ZINGNEWS.VN |