EVN cho biết việc tiết giảm được tính toán dựa trên nguyên tắc ưu tiên khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND tỉnh phê duyệt và ưu tiên hoạt động chính trị, xã hội.
|
Tình hình cung ứng điện tại miền Bắc vẫn căng thẳng. Ảnh: Việt Linh. |
Tại buổi họp chiều 7/6 của Bộ Công Thương cung cấp thông tin về cung ứng điện trong thời gian qua, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết từ giữa tháng 4 đến nay, EVN gặp phải khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng. Tập đoàn đã báo cáo và được Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo sát sao, kịp thời.
"Dưới sự chỉ đạo đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đảm bảo cung cấp than cho vận hành nhà máy nhiệt điện than và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tăng sản lượng cung cấp cho các nhà máy khí ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ", ông nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN cho biết đã phối hợp với các tỉnh, thành và đến nay hầu hết 63 tỉnh, thành đã triển khai chỉ đạo tiết kiệm điện. Tập đoàn đã phối hợp các công ty điện lực thành viên trong vấn đề tiết giảm trong tình huống thiếu nguồn sao cho phù hợp nhất với từng địa phương.
Công suất tiết giảm điện tới 30%
"Ở khu vực miền Nam, miền Trung hoàn toàn đảm bảo cung ứng điện, còn với miền Bắc, từ nay đến khi nước về EVN sẽ cố gắng đảm bảo duy trì vận hành an toàn hệ thống điện. Trong lúc nhu cầu phụ tải tiếp tục tăng cao, không đáp đủ một số thời điểm nên đã phải tiết giảm điện. EVN mong doanh nghiệp, người dân thông cảm, chia sẻ", ông Nhân nói.
Về quy mô cắt giảm điện ở khu vực miền Bắc và số giờ cắt giảm điện, ông Ngô Xuân Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho biết hiện nay công suất khả dụng nguồn chỉ khoảng 17.000 MW, những ngày nắng nóng thì phụ tải có thể lên 20.000 MW.
"Theo đó, công suất tiết giảm ở thời điểm cao nhất khoảng 30% công suất sử dụng. Còn về sản lượng điện trung bình cả ngày xấp xỉ 6-10%, những ngày trời mát sản lượng tiết giảm 6% sản lượng", ông nói.
Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc Gia (A0) đã căn cứ Thông tư 34 của Bộ Công Thương để phân bổ công suất sử dụng cho EVN miền Bắc và EVN Hà Nội. Theo đó, EVN Hà Nội và EVN miền Bắc sẽ phân bổ cho các cơ quan điện lực từng tỉnh, điện lực địa phương sẽ xây dựng kế hoạch theo thứ tự ưu tiên từng loại khách hàng. Trên nguyên tắc đó, các công ty điện lực sẽ báo cáo, thông qua UBND tỉnh về các phương án và thực hiện tiết giảm.
|
EVN thực hiện mức tiết giảm khoảng 30% công suất, tương đương 6-10% sản lượng tiêu thụ ở miền Bắc. Ảnh: EVN. |
Về cách thức tiết giảm điện trong thời gian qua, Ban Kinh doanh của EVN cho biết ngay từ đầu tháng 6, EVN đã triển khai theo đúng Thông tư 34 và thực hiện mức tiết giảm khoảng 30% công suất, tương đương 6-10% sản lượng tiêu thụ ở miền Bắc.
Việc tiết giảm được tính toán lập kế hoạch dựa trên nguyên tắc ưu tiên khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND tỉnh phê duyệt và ưu tiên hoạt động phục vụ chính trị, xã hội quan trọng.
"Bên cạnh đó, ưu tiên khách hàng tùy theo từng địa phương, căn cứ thực tế xã hội, địa phương như sinh hoạt dân cư, thương mại dịch vụ, các phụ tải sản xuất mặt hàng thiết yếu như nước sạch, chế biến thực phẩm, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động...", đại diện EVN cho biết
Đồng thời, lãnh đạo EVN đã trao đổi, báo cáo UBND TP Hà Nội và các tỉnh để báo cáo đề nghị hỗ trợ và tăng cường chỉ đạo tiết kiệm điện.
Hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW
Về việc thực hiện công điện của Thủ tướng, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết Bộ Công Thương đã tổ chức họp phân công triển khai 8 nhóm nội dung mà Thủ tướng đã chỉ đạo. Trong vài ngày tới, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng.
Tính đến ngày 6/6, hầu hết hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6.
Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000 MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Về nguồn nhiệt điện, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị (chủ yếu là xì ống sinh hơi, xì bộ hâm, bộ quá nhiệt, máy nghiền than, bơm cấp...).
Ngoài ra, nhiều tổ máy nhiệt điện than bị sự cố dài ngày. Điển hình như ngày như 1/6, tổng công suất không huy động được từ các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc bị sự cố và suy giảm công suất lên đến 1.030 MW.
Như vậy, mặc dù nguồn nhiên liệu than cho phát điện đã được cấp tương đối đảm bảo nhưng cập nhật đến ngày 6/6, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934 MW chiếm 76,6% công suất lắp.
"Bên cạnh đó, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố", ông Hòa nói.
Theo đó, tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 đến 2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc.
"Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày", ông Hòa nói.
Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trong những ngày vừa qua EVN đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc, ngày 5/6 tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609 MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423 MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264 MW.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.