06/06/2023 (18:24:54)
30 phút chấn vấn Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chiều 6/6 sôi động với phần tranh luận về xử lý trốn đóng BHXH cũng như chất vấn của đại biểu về hiệu quả đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, trách nhiệm giải ngân thấp gói hỗ trợ tiền nhà, đào tạo nghề chưa xứng tiềm năng...
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn luật sư TP HCM) tranh luận về việc chậm xử lý nợ đóng BHXH mà ông Dung đã trả lời buổi sáng, cho rằng tình trạng ngày càng trầm trọng với số nợ hơn 14.000 tỷ đồng. Ông "hết sức ngạc nhiên về con số này" và đề nghị các bên như Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ quan điều tra, tòa án cùng vào cuộc xử lý dứt điểm.
Lấy kinh nghiệm công tác pháp luật nhiều năm, ông khẳng định không thể nói không có cơ sở pháp lý xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH vì tiền này đã trừ vào lương của người lao động. Ngược lại, theo ông Nghĩa hoàn toàn có cơ sở giải quyết và "phải xem lại trách nhiệm của cơ quan giám sát" khi để tình trạng có doanh nghiệp nợ BHXH hàng chục năm nay mà không làm gì được.
"Hệ thống pháp luật hiện nay không thể nào nói rằng bất lực để không xử lý tình trạng này", ông khẳng định.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận trong phiên chất vấn chiều 6/6. Ảnh: Media Quốc hội
Đồng tình phần tranh luận của đại biểu Nghĩa, bộ trưởng Dung cho hay tháng trước đã tham mưu cho Thủ tướng có văn bản phân công một cơ quan chức năng làm đầu mối chủ trì để xử lý vi phạm căn cơ, bài bản hơn.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Phó Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc) băn khoăn gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến nay đã hết thời hạn thực hiện nhưng chỉ giải ngân được hơn một nửa. Ông Tiến đề nghị Bộ trưởng nói rõ nguyên nhân là gì và trách nhiệm thuộc về ai?
Bộ trưởng Dung lý giải Quốc hội cho phép dùng tối đa 6.800 tỷ đồng hỗ trợ nhằm kéo lao động trở lại thị trường. Sau khi Quốc hội có chủ trương, Chính phủ có quyết định 08 đưa tiêu chí phân bổ về tỉnh thành. Gói hỗ trợ dùng hết hơn 4.500 tỷ. "Tất cả lao động thuộc diện hỗ trợ đều đã nhận được tiền theo quy định", ông Dung nói, cho biết hơn 2.300 tỷ đồng chưa sử dụng hết đã hoàn trả lại ngân sách. Bộ sẽ xin ý kiến dùng khoản này hỗ trợ lao động trong các gói khác và thẩm quyền quyết định thuộc Chính phủ, Quốc hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có gần nửa tiếng trả lời chất vấn chiều 6/6. Ảnh: Media Quốc hội
Đào tạo nghề lẫn chất lượng nhân lực tiếp tục được nhiều đại biểu chất vấn trong phiên chiều nay. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa băn khoăn chỉ thị 21 đặt mục tiêu 50-55% học sinh trung học vào trường nghề. Đây là tỷ lệ cao và theo ông Nghĩa để đạt được sẽ rất khó khăn.
Bộ trưởng Dung cho biết tỷ lệ phấn đấu đến 2025 học sinh phổ thông phân luồng vào học nghề đạt 40-45%; năm 2030 đạt 50-55%. Chỉ tiêu dù khó và cao nhưng vô cùng quan trọng.
Về việc phân luồng, Bộ trưởng Dung cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội. Trong đó, ngành giáo dục có trách nhiệm phân luồng, còn ngành lao động chuẩn bị đầu ra, tiếp nhận học sinh để khi vào học nghề thì đào tạo được ngay. Các cơ sở đào tạo nghề hiện nay có khả năng đảm đương được 3 triệu người. Mục tiêu thời gian tới là học sinh lớp 9 có thể vào ngay trường nghề, sau đó học liên thông.
Tham gia giải trình, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói năng suất lao động của Việt Nam chưa có bứt phá. Thời gian tới cần rà soát lại các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh của đất nước, phát triển nhân lực, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Tất cả những điều này liên quan đến một trong ba đột phá chiến lược là phát triển nhân lực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành chất vấn ngày 6/6. Ảnh: Media Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá 99 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó 35 người trực tiếp đặt câu hỏi và 11 đại biểu tranh luận cho thấy sự quan tâm đối với lĩnh vực này. Ông đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các trưởng ngành liên quan tiếp thu tối đa góp ý của đại biểu, quyết liệt thực hiện 6 giải pháp đề ra.
Đó là triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, nhà nước về giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động; giải quyết dứt điểm quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh đã đóng BHXH bắt buộc trong năm nay; tái cơ cấu lại các ngành thâm dụng lao động; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.
Ông giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tháo gỡ vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến BHXH và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH; rà soát Luật việc làm, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đáp ứng thực tiễn.
Hồng Chiêu - Viết Tuân - Sơn Hà
Xem diễn biến chínhTheo: VNEXPRESS.NET |