14/03/2023 (16:40:20)
Sau hai vụ phá sản lịch sử của ngân hàng Mỹ trong những ngày qua, nhà chức trách đang nhanh chóng hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng.
SVB là ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ đóng cửa. Ảnh: Reuters. |
Hai ngân hàng lớn, quen thuộc với giới công nghệ đã sụp đổ sau khi khách hàng đồng loạt rút tiền.
Giới chức Mỹ đang đưa ra hàng loạt biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sụp đổ lớn hơn của hệ thống tài chính, trong khi Tổng thống Joe Biden trấn an người dân rằng số tiền họ có trong ngân hàng vẫn an toàn.
Tình cảnh này gợi nhớ một cách kỳ lạ về cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu với sự bùng nổ của bong bóng nhà đất 15 năm trước ở Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ ban đầu của “cơn địa chấn" ngân hàng lần này này dường như còn nhanh hơn.
Chỉ trong 3 ngày, hai tổ chức tài chính lớn đã bị chính phủ liên bang tiếp quản sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) có trụ sở tại Santa Clara, California. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ khi Washington Mutual phá sản vào năm 2008.
SVB bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình khó khăn của các công ty công nghệ trong những tháng gần đây, cùng kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để chống lạm phát.
"Hạt giống" cho sự sụp đổ của SVB bắt đầu khi ngân hàng này mua một lượng lớn trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ, bao gồm trái phiếu được bảo đảm bằng các khoản thế chấp. Đây là điều thường thấy với hầu hết ngân hàng vì chúng được coi là khoản đầu tư an toàn.
Tuy nhiên, giá trị của lượng trái phiếu đã phát hành trước đó bắt đầu giảm vì chúng trả lãi suất thấp hơn so với trái phiếu tương đương được phát hành trong môi trường lãi suất cao hơn hiện nay.
Đó thường không phải là vấn đề vì trái phiếu được coi là khoản đầu tư dài hạn. Những trái phiếu như vậy không được bán trừ khi có trường hợp khẩn cấp và ngân hàng cần tiền mặt.
Thế nhưng, SVB lại rơi đúng vào trường hợp đó. Khi tình hình kinh tế trở nên "ảm đạm", đặc biệt là với ngành công nghệ, nhiều khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền gửi khỏi ngân hàng này.
Sau SVB, ngân hàng Signature trụ sở New York cũng đóng cửa. Ảnh: Reuters. |
Do không có đủ lượng tiền mặt dự trữ, SVB phải bán một lượng trái phiếu dự trữ với mức thua lỗ nặng nề. Khi thông tin này được lan truyền, khách hàng đổ xô đi rút tiền khiến SVB mất khả năng thanh toán.
Tâm lý hỗn loạn đã lan rất nhanh trong giới tài chính, bằng chứng là ngân hàng Signature trụ sở New York bị đóng cửa hôm 12/3 với lý do tương tự SVB.
Trong nỗ lực củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng, Fed, Bộ Tài chính Mỹ và Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang (FDIC) đã quyết định bảo đảm tất cả khoản tiền gửi tại ngân hàng SVB và Signature.
Theo kế hoạch được nhà chức trách Mỹ soạn thảo, các khách hàng gửi tiền tại SVB và Signature có thể tiếp cận tiền gửi của họ trong ngày 13/3, bao gồm cả những khoản tiền vượt quá mức tối đa được bảo hiểm là 250.000 USD.
Nhiều khách hàng của SVB là công ty công nghệ khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm có hơn 250.000 USD tại ngân hàng. Kết quả là có tới 90% số tiền gửi ở SVB không nằm trong mức giới hạn bảo hiểm.
Nếu chính phủ không đưa ra quyết định ngăn chặn, nhiều công ty sẽ không còn tiền để trả lương, thanh toán hóa đơn và tiếp tục hoạt động.
Mục tiêu của các khoản bảo đảm mở rộng là ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt ở ngân hàng, bằng cách thiết lập cam kết của Fed trong việc bảo vệ tiền gửi của doanh nghiệp và cá nhân, xoa dịu căng thẳng sau một vài ngày khó khăn.
Cũng vào cuối ngày 12/3, Fed đã khởi xướng chương trình cho vay khẩn cấp nhằm củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính quốc gia.
Các ngân hàng sẽ được phép vay tiền trực tiếp từ Fed để trang trải cho những đợt rút tiền có khả năng xảy ra, mà không bị buộc phải bán trái phiếu với mức thua lỗ có thể đe dọa đến sự ổn định tài chính của họ.
Những đợt bán tháo như vậy là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của SVB.
Một ngân hàng khác đang gặp khó khăn là First Republic hôm 12/3 cho biết đã tiếp cận được nguồn tiền từ Fed và JPMorgan Chase, qua đó bảo đảm nền tảng tài chính của ngân hàng trước các rủi ro.
Nếu tất cả hoạt động theo kế hoạch, chương trình cho vay khẩn cấp này có thể không thực sự phải cho vay nhiều tiền.
Thay vào đó, nó có tác dụng trấn an công chúng rằng Fed sẽ chi trả để đảm bảo các khoản tiền gửi của họ và sẵn sàng cho vay một khoản lớn để làm như vậy. Không có giới hạn về số tiền mà các ngân hàng có thể vay, ngoài khả năng cung cấp tài sản thế chấp của họ.
Không giống như những nỗ lực phức tạp hơn để giải cứu hệ thống ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, cách tiếp cận của Fed lần này tương đối đơn giản.
Cơ quan này bơm thêm thanh khoản cho thị trường tài chính thông qua một cơ chế cho vay mới với tên gọi “Chương trình cấp vốn có kỳ hạn của ngân hàng”.
Fed đã khởi xướng chương trình cho vay khẩn cấp nhằm củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính quốc gia. Ảnh: AP. |
Chương trình này sẽ cung cấp khoản vay cho các ngân hàng, hiệp hội tín dụng cùng tổ chức tài chính khác trong tối đa một năm. Những khoản vay đó sẽ được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là trái phiếu kho bạc Mỹ cùng các tài sản có độ tin cậy cao khác của định chế tài chính.
Fed rất hào phóng trong các điều khoản của mình. Cơ quan này sẽ tính lãi suất tương đối thấp - chỉ cao hơn 0,1 điểm % so với lãi suất thị trường - và cho vay theo mệnh giá của trái phiếu, thay vì giá trị thị trường.
Cho vay theo mệnh giá của trái phiếu là một điều khoản quan trọng, cho phép các ngân hàng vay thêm tiền vì giá trị của những trái phiếu đó, ít nhất là trên giấy tờ, đã giảm khi lãi suất tăng cao hơn.
Giới chức Mỹ tuyên bố động thái bảo đảm các khoản tiền gửi trong SVB và Signature sẽ không yêu cầu bất cứ khoản tiền đóng thuế nào, nói cách khác, nó không gây ảnh hưởng đến tiền thuế của dân.
Thay vào đó, bất kỳ tổn thất nào từ quỹ bảo hiểm của FDIC sẽ được bổ sung bằng cách thu một khoản phí bổ sung đối với các ngân hàng.
Dù vậy, Krishna Guha, nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Evercore ISI, nói rằng các đối thủ chính trị có thể lập luận phí FDIC cao hơn “cuối cùng sẽ đè lên vai các ngân hàng nhỏ và doanh nghiệp địa phương, độc lập”.
Xét trên khía cạnh lý thuyết, điều đó có thể khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả giá về lâu dài.
Ông Guha và các nhà phân tích khác nhận định phản ứng của chính phủ có tính bao quát và sẽ ổn định hệ thống ngân hàng, mặc dù giá cổ phiếu của các ngân hàng cỡ trung bình, tương tự SVB và Signature, đã giảm vào hôm 13/3.
“Chúng tôi nghĩ rằng súng bazooka hai nòng sẽ đủ để dập tắt các vụ rút tiền ồ ạt tiềm năng tại ngân hàng khu vực khác và khôi phục sự ổn định tương đối trong những ngày tới”, ông Guha viết trong một lưu ý cho khách hàng.
Trong khi đó, Paul Ashworth, nhà kinh tế tại Capital Economics, cho biết chương trình cho vay của Fed có nghĩa là các ngân hàng sẽ có thể “vượt qua cơn bão”.
“Đây là những động thái mạnh mẽ”, ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng thận trọng lưu ý: “Về mặt lý trí, điều này là đủ để ngăn chặn bất kỳ tác động lan rộng nào có thể đánh sập nhiều ngân hàng hơn... Nhưng sự lan truyền luôn liên quan nhiều hơn đến nỗi sợ hãi phi lý. Vì vậy chúng tôi nhấn mạnh rằng không có gì đảm bảo điều này sẽ hiệu quả".
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế
Minh An
Theo: ZINGNEWS.VN |