13/03/2023 (14:13:45)
Thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran vừa cho thấy tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc, vừa tạo tiền đề cho những thay đổi trong bức tranh chính trị Trung Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đại diện Iran, Saudi Arabia trong lễ công bố thỏa thuận tại Bắc Kinh hôm 10/3. Ảnh: Thông tấn xã Saudi Arabia/dpa/Reuters. |
Hôm 10/3, Iran và Saudi Arabia - hai đối thủ tưởng như “không đội trời chung” tại Trung Đông - bất ngờ đạt được thỏa thuận khôi phục quan hệ. Bất ngờ hơn, thỏa thuận này được đưa ra trong một tuyên bố chung ba bên với Trung Quốc, sau một cuộc gặp tại Bắc Kinh.
Truyền thông Trung Quốc công bố bức ảnh Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Vương Nghị đứng ở giữa, trong lúc hai quan chức từ Iran và Saudi Arabia bắt tay nhau.
Trong hàng thập kỷ qua, vị trí trung tâm trong các bức ảnh như vậy phải thuộc về quan chức Mỹ, quốc gia thường đóng vai trò trung gian đàm phán giữa các lực lực lượng đối địch tại Trung Đông.
Washington giờ đây sẽ phải chú ý hơn tới đối thủ cạnh tranh mới. Từ một quốc gia thường chỉ đứng bên lề, Trung Quốc đang dần khẳng định vị thế của một người chơi có ảnh hưởng tại khu vực, theo New York Times.
“Đây là một thỏa thuận lớn”, bà Amy Hawthorne, phó lãnh đạo bộ phận nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Dự án Dân chủ Trung Đông (Mỹ), nói. “Những gì Trung Quốc đã đạt được về mặt uy tín đã đưa nước này lên một vị thế mới về ngoại giao, vượt trội hơn bất cứ điều gì mà Mỹ đạt được ở khu vực kể từ khi ông Biden nắm quyền”.
Nhà Trắng đã công khai hoan nghênh động thái nối lại quan hệ giữa Tehran và Riyadh, trong khi không tỏ ra quan ngại về vai trò của Bắc Kinh trong việc đưa hai quốc gia Trung Đông xích lại gần nhau.
Trong các cuộc trao đổi riêng, các phụ tá của ông Biden bác bỏ nhận định thỏa thuận sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Giới chức Mỹ cũng cho biết phía Riyadh đã thông báo với Washington về các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh.
Giới phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động lâu dài của thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran. Sau hàng thập kỷ cạnh tranh và xung đột, thỏa thuận này có thể chỉ là bước khởi đầu.
Giữa Tehran và Riyadh vẫn còn rất nhiều khác biệt cần được giải quyết. Thậm chí New York Times cho rằng vẫn có khả năng thỏa thuận mở lại đại sứ quán giữa hai nước có thể không thực hiện được do trong tuyên bố chung cho phép hai nước có tới hai tháng để thảo luận chi tiết.
Trung Quốc đang dần chiếm vị thế "người trung gian" ở Trung Đông của Mỹ. Ảnh: Reuters, China Daily. |
Trong nhiều năm qua, Saudi Arabia và Iran đã tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đầu tiên tại thủ đô Baghdad của Iraq không mang lại nhiều kết quả.
Trao đổi với phía Mỹ, giới chức Saudi Arabia tiết lộ trọng tâm của thỏa thuận là việc Iran cam kết không tấn công nước này trong tương lai, cũng như hạn chế hỗ trợ các nhóm phiến quân nhắm vào Riyadh.
Thỏa thuận mới đạt được không chỉ giúp Bắc Kinh nâng cao vị thế mà còn đánh bóng uy tín của một nhân vật khác: Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia.
Giữa lúc mối quan hệ của Nhà Trắng với Thái tử bin Salman xấu đi do các quyết định giảm sản lượng dầu mà Saudi Arabia đưa ra hồi năm ngoái - động thái khiến giá dầu tăng, đi ngược lại lợi ích của Mỹ - nhà lãnh đạo Saudi Arabia chuyển hướng sang Bắc Kinh.
“Nhiều nhân vật ở Vùng Vịnh coi đây là ‘thế kỷ Trung Quốc’”, ông Steven A. Cook, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nói. “Saudi Arabia đã bày tỏ mong muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Một lượng đáng kể dầu của họ cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông Cook chỉ ra chính sách nước đôi của Thái tử bin Salman có thể sẽ không thành công, giống như bài học của cố Tổng thống Ai Cập Abdel Nasser, người cố gắng cân bằng giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Ai Cập và Israel Daniel Kurtzer nhận định vai trò của Trung Quốc sẽ gây ra thách thức với chính quyền của Tổng thống Joe Biden, giữa lúc Mỹ đang muốn chú tâm vào các khu vực khác.
“Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nhanh chóng hưởng lợi từ sự tức giận của Mỹ với Saudi Arabia, gây ra khoảng trống nhất định”, ông Kurtzer nói. “Điều này cũng phản ánh thực tế rằng Saudi Arabia và Iran đã đàm phán một thời gian. Đây là điều đáng tiếc với chính sách của Mỹ”.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có thể không vui với thỏa thuận. Trung Quốc đưa Saudi Arabia lại gần Iran giữa lúc Israel mong muốn Mỹ làm cầu nối giữa nước này và Riyadh để tiếp nối các động thái bình thường hóa quan hệ gần đây với các nước Arab.
Theo một số chuyên gia Mỹ, thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia mới đây cho thấy quy mô cạnh tranh Mỹ - Trung đã ở cấp độ toàn cầu. Ảnh: AP. |
Nếu có thể thiết lập quan hệ với Saudi Arabia, vị thế của Israel trong khu vực sẽ hoàn toàn thay đổi, chấm dứt hàng thập kỷ bị cô lập. Tuy nhiên, thỏa thuận đã khiến hy vọng lập liên minh chống Iran với Saudi Arabia của Israel càng thêm xa vời.
Saudi Arabia đòi hỏi nhiều hơn những gì Mỹ sẵn sàng chấp nhận. Để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Israel, Riyadh đòi hỏi Mỹ phải đảm bảo an ninh, hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân dân sự, cũng như lược bỏ bớt các hạn chế xuất khẩu vũ khí.
Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ với Iran cũng không được cải thiện nhiều từ khi ông Biden nhậm chức. Mỹ vẫn chưa thể “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân với Tehran - vốn bị cựu Tổng thống Donald Trump bãi bỏ năm 2017.
Giữa cấm vận từ Mỹ, Iran tìm cách cải thiện quan hệ với hai “đối thủ” của Washington: Nga và Trung Quốc. Thỏa thuận với Saudi Arabia mới đây có thể là cách để Tehran tăng cường vị thế của Trung Quốc tại khu vực và thoát khỏi cảnh bị cô lập.
Quan hệ Trung Quốc - Iran thêm bền chặt không hẳn là điều hoàn toàn bất lợi với Mỹ: Washington hy vọng Bắc Kinh có thể giúp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, việc Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng ở khu vực mà Mỹ từng có vị thế lớn như Trung Đông là điều khiến nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ không hài lòng.
“Đây là sự kiện mới nhất nhắc nhở chúng ta rằng cạnh tranh (với Trung Quốc) ở quy mô toàn cầu”, bà Mara Rudman, cựu phó đặc phái viên về Trung Đông dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói. “Cạnh tranh không bị giới hạn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay chỉ trong một lĩnh vực như kinh tế, an ninh hay ngoại giao”.
“Tôi nghĩ (thỏa thuận) phản ánh cách thức các đối tác của Mỹ tăng cường quan hệ với Trung Quốc”, ông Kurtzer nói. “Đây có phải mối đe dọa trực tiếp với Mỹ hay không? Điều này còn cần được thảo luận thêm. Nhưng trật tự khu vực đang thay đổi".
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Việt Hà
Theo: ZINGNEWS.VN |