27/01/2023 (09:04:23)
Theo Daum, việc công ty tự sản xuất show thực tế sẽ giúp các nghệ sĩ tạo dựng mối quan hệ gắn kết với người hâm mộ. Đó cũng là cách để đưa làn sóng Hallyu trải rộng khắp thế giới.
Khoảng 10 năm về trước, hầu hết thần tượng Kpop chỉ được tham gia show thực tế thông qua các chương trình trên truyền hình. Khi đó, show thực tế tự sản xuất còn khá xa lạ với fan Kpop. Trang Naver cho biết các idol thế hệ đầu thường mất thời gian dài chăm chỉ hoạt động mới có show thực tế đầu tay.
Những chương trình này sẽ do công ty chủ quản tự sản xuất nhằm giới thiệu về cuộc sống, tính cách ngoài đời thật của các thần tượng, qua đó thể hiện những khía cạnh mới mẻ, khác biệt ở trước và sau sân khấu.
Bởi vậy, để làm ra một chương trình thực tế cho nghệ sĩ không chỉ đòi hỏi yếu tố kinh tế mà buộc phải có một đội ngũ sáng tạo và dày dặn kinh nghiệm. Họ sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình sản xuất bắt đầu từ việc lên ý tưởng nội dung, lựa chọn hình ảnh đến khâu thiết kế bối cảnh và quay dựng cho từng tập.
Show thực tế tự sản xuất ngày càng phổ biến ở Kpop. Ảnh: Naver. |
Với sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng Kpop những năm gần đây, các công ty giải trí bắt đầu tự sản xuất show thực tế từ rất sớm nhằm quảng bá tên tuổi cho nghệ sĩ một cách hiệu quả. Dù không phát sóng trên các đài truyền hình chính thống, những chương trình thực tế của sao Hàn vẫn được đông đảo khán giả yêu thích. Hàng loạt show thực tế nổi tiếng như Run BTS, NCT Life, WANNA ONE GO… dần trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu với người hâm mộ Kpop.
Theo Daum, show thực tế tự sản xuất bắt đầu trở nên phổ biến từ sau cú lộn ngược dòng của BTS. Xuất phát điểm từ con số 0, không có nhiều mối quan hệ trong ngành cũng không có nguồn lực kinh tế dồi dào, việc tham gia các chương trình truyền hình để quảng bá tên tuổi là điều không dễ dàng với BTS. Khi đó, Big Hit Entertainment phải tận dụng sự phát triển của MXH để phủ sóng hình ảnh cho nghệ sĩ.
Theo đó, BTS là nhóm nhạc Kpop đầu tiên tạo lập tài khoản trên Twitter - mạng xã hội phổ biến với giới trẻ phương Tây. Với mục đích tạo ra sự kết nối với người hâm mộ, BTS thường đăng tải các video dưới dạng vlog chia sẻ cuộc sống đời thường lên YouTube và các nền tảng trực tuyến phổ biến khác ở Hàn Quốc.
Thần tượng có thể bộc lộ những nét tính cách đời thường, chân thực trong show của riêng họ. Ảnh: Twitter. |
Những khoảnh khắc đời thường như thức dậy, luyện tập, ăn uống, sinh hoạt, vui chơi… đều được camera ghi lại một cách tường tận, giống như một cuốn nhật ký bằng hình ảnh mô tả cuộc sống chân thực của nhóm sau ánh đèn sân khấu.
Fan của BlackPink không thể không biết đến chương trình thực tế đầu tay BlackPink House của nhóm lên sóng vào năm 2018. Dù chủ yếu công chiếu trên Youtube, chương trình vẫn thu hút sự chú ý mạnh mẽ của khán giả - những người muốn tìm hiểu thêm về tính cách, lối sống riêng của nhóm.
Thông qua BlackPink House, 4 cô gái đã cho thấy nhiều điều thú vị bên cạnh hình ảnh trên sân khấu như tự nấu ăn, mua sắm hay thoải mái dạo phố và còn ghé thăm quê nhà của nàng út Lisa. Quả thật suốt nhiều tập phát sóng, BlackPink để lại rất nhiều ấn tượng đẹp cho khán giả. Nhờ sức hút mạnh mẽ, đài truyền hình JTBC đã mua bản quyền để phát sóng chương trình thực tế riêng của nhóm.
Giáo sư chuyên khoa Á Đông trường Đại học Toronto (Canada) - bà Michelle từng nhận xét: “Trong khi hầu hết nhóm nhạc Kpop thường giữ kín cuộc sống đời thường hoặc chỉ xuất hiện với kịch bản có sẵn, BTS lại không ngần ngại bộc lộ tính cách, con người thật của họ với fan. Chính điều này đã tạo nên sự gần gũi, gắn bó bền chặt giữa thần tượng và người hâm mộ.
Hơn nữa, định hướng ban đầu của Big Hit cho BTS là lấy âm nhạc làm trọng tâm để chinh phục người hâm mộ. Thời điểm đó, các chương trình truyền hình là cơ hội để quảng bá tên tuổi hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc BTS bị chèn ép, đối xử bất công ở những lần tham gia show giải trí đã khiến Big Hit đưa ra quyết định sản xuất show thực tế riêng cho nhóm. Ở đó, BTS có thể tự do thể hiện sự sáng tạo theo sở thích cũng như khả năng của từng người. Qua đó, các thành viên có cơ hội khám phá thêm những khía cạnh mới mẻ của bản thân.
Đặc biệt, show thực tế thường mang tính giải trí cao nhằm tạo ra những phút giây thư giãn cho người xem cũng như chính các thần tượng. Theo đó, khiếu hài hước của họ cũng được bộc lộ rỡ rệt qua những khoảnh khắc đời thường. Đó cũng là cách để họ rút ngắn khoảng cách với người hâm mộ.
Tính đến nay, Run BTS! đã tồn tại được 6 năm với hơn 140 tập. Thông qua chương trình, người hâm mộ được chứng kiến các thành viên BTS trải nghiệm những hoạt động thú vị, bổ ích. Là chương trình tự sản xuất song Run BTS lại đạt thành công rực rỡ, thậm chí thường lọt top xu hướng ngay khi lên sóng.
BTS không phải nhóm Kpop đầu tiên có tham vọng vươn ra thế giới, song họ lại là những người tiên phong trong việc thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với fan thông qua các chương trình thực tế tự sản xuất. Chính nhờ hướng đi đúng đắn, BTS vẫn đang không ngừng mở rộng cộng đồng fan trên toàn thế giới.
Ngoài các chương trình thực tế mang tính giải trí, một số công ty còn lên kế hoạch ghi hình cho nghệ sĩ ngay từ trước khi debut. Show thực tế này được sản xuất nhằm tái hiện cuộc chiến giành suất debut đầy khắc nghiệt của các thực tập sinh. Qua đó, khán giả có cái nhìn bao quát, thấu hiểu hơn về cuộc sống của các thần tượng. Tính thực tế, chân thật được các nhà sản xuất đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, những show thực tế tự sản xuất luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ.
Tuy vậy, để tiếp tục duy trì và tạo nên sức hút cho chương trình, các nhà sản xuất cũng như thần tượng phải tìm ra những nội dung, cách thức mới mẻ để tránh gây nhàm chán cho khán giả.
Theo Daum, show thực tế cá nhân thường được lên kế hoạch phát hành trong thời gian quảng bá sản phẩm của các thần tượng nhằm gia tăng mức độ phủ sóng trên các phương tiện truyền thông. Đây cũng là cách để truyền tải âm nhạc của họ đến gần hơn với khán giả. Các ca khúc chủ đạo thường được sử dụng làm nhạc nền hay mở đầu chương trình. Việc lồng ghép âm nhạc vào show thực tế giúp bài hát đi vào lòng khán giả một cách tự nhiên và hiệu quả.
Show thực tế tự sản xuất được thực hiện dưới dạng chuyến đi du lịch, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ khám phá nhiều danh lam thắng cảnh, qua đó quảng bá thêm về văn hóa xứ Hàn. Ảnh: Naver. |
Bên cạnh đó, nhiều show thực tế được thực hiện dưới dạng chuyến đi du lịch, khám phá những địa danh nổi tiếng xứ kim chi cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhờ vậy, thần tượng có cơ hội tìm hiểu về văn hóa các nước cũng như quảng bá hình ảnh của Hàn Quốc với bạn bè thế giới, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, kinh tế nước nhà.
Là nhóm nhạc "đông dân" nhất Kpop hiện tại, NCT Life là show thực tế được sản xuất cho nhóm nhằm tạo điều kiện cho các thành viên thể hiện những dấu ấn riêng. NCT Life theo chân các thành viên ngoại quốc về thăm quê hương của họ như Bangkok, Chiangmai và Osaka. Thông qua show thực tế này, nhóm nam nhà SM kết nạp thêm lượng fan đông đảo ở Thái và Nhật.
Nhờ sự tiếp cận rộng rãi của các chương trình thực tế tự sản xuất trên các nền tảng MXH, tên tuổi của các thần tượng Kpop cũng bắt đầu được phủ sóng rộng rãi. Khi BTS, BlackPink, EXO… được biết đến nhiều hơn, Hàn Quốc cũng trở nên nổi tiếng, đặc biệt trong ngành du lịch.
Sách hay về Kpop:
Các cuốn sách Shine, I'll Be The One, Kpop Revolution... khai thác nhiều khía cạnh trong Kpop như quá trình trở thành thần tượng, khó khăn, áp lực từ công chúng. Trong đó, tiểu thuyết Shine của Jessica Jung (cựu thành viên SNSD) kể về Rachel Kim - thực tập sinh tại một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Để thực hiện ước mơ, Rachel phải đối mặt với nhiều thử thách khác nhau trong giới giải trí.
Linh Phương
Theo: ZINGNEWS.VN |