29/10/2022 (15:03:56)
Hơn 30 năm qua, khỉ đột Bua Noi đã phải sinh sống sau song sắt trên tầng cao nhất tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Bua Noi tại sở thú Pata ở Bangkok. Ảnh: Daily Mirror. |
Nắm trong tay một nắm đậu xanh, Bua Noi nhìn chằm chằm qua song sắt và cửa kính ngôi nhà của mình, nơi những du khách đang bận rộn chụp ảnh.
Trước sự thất vọng của họ, con vật được yêu thích, còn được gọi là King Kong, nhanh chóng trốn khỏi cửa sổ quan sát, nhảy qua những chiếc lốp treo để quay lại phía sau khu chuồng trại.
“Nó đang ngồi đó, chết vì buồn chán”, Guardian dẫn lời Edwin Wiek, người sáng lập Wildlife Friends Foundation Thái Lan.
Sở thú Pata, nằm trên nóc trung tâm thương mại Pata tại Bangkok, đã bị tổ chức bảo vệ quyền động vật PETA Asia gắn nhãn “một trong những nơi buồn thảm nhất thế giới”.
Những nhân viên của DODO, một tổ chức bảo vệ động vật khác, cũng từng miêu tả sở thú này bằng các từ như "kinh tởm", "tệ hại", "không phải để sống"...
Khách tham quan đến đây có thể nhận thức ăn và ném cho các con vật. Tuy nhiên, an ninh không được đảm bảo chặt chẽ. Nguồn tin của DODO cho biết có vị khách còn thò tay vào nghịch mồm một con đười ươi.
Những con vật tại sở thú này được cho là sống mòn mỏi trong các lồng sắt mà không được chăm sóc chu đáo cả về thể chất và tinh thần, theo Washington Post.
Sau nhiều năm kêu gọi trả tự do cho Bua Noi, con khỉ đột vẫn bị nhốt trên tầng cao nhất của trung tâm thương mại. Ảnh: IB Times UK. |
Theo PETA Asia, Bua Noi bị bắt khi còn nhỏ và được đưa đến sở thú Pata, nơi đã "giam cầm các con vật trong điều kiện khắc nghiệt" từ những năm 1980. Nhiều bài đánh giá về cơ sở này trên ứng dụng TripAdvisor gọi đây là “địa ngục dành cho động vật”.
Khỉ đột, có nguồn gốc từ châu Phi, là động vật có tập tính xã hội, thường sống theo nhóm gia đình. Thế nhưng, Bua Noi đã sống một mình trong hơn 30 năm qua tại sở thú Pata, nằm trên tầng 7 của khu phức hợp mua sắm hoang vắng thuộc sở hữu gia đình.
Người bạn đời của Bua Noi đã qua đời cách đây hơn một thập kỷ, theo Bangkok Post.
Trong một thời gian dài, con linh trưởng này là tâm điểm tranh cãi giữa sở thú tư nhân nằm trên nóc trung tâm thương mại ở Bangkok và các nhà hoạt động vì quyền động vật.
Năm 2014, 36.000 chữ ký yêu cầu giải thoát cho Bua Noi đã được gửi tới Cục Công viên Quốc gia, Bảo tồn Động thực vật hoang dã Thái Lan (DNP). Tuy nhiên, yêu cầu này nhanh chóng bị gạt bỏ do sở thú Pata không làm gì trái pháp luật. Tổng giám đốc DNP khi ấy lập luận không có luật nào cấm nhốt động vật trong những tòa nhà cao tầng.
Năm 2020, nữ ca sĩ Cher đã tham gia cùng những người khác tiếp tục kêu gọi thả khỉ đột. Trong một bức thư viết tay gửi tới Bộ trưởng Môi trường Varawut Silpa-archa, Cher đã yêu cầu các nhà chức trách Thái Lan giúp bà thực hiện sứ mệnh giải phóng Bua Noi.
Cụ thể, bà bày tỏ "mối quan tâm sâu sắc" về điều kiện sống mà Bua Noi và các loài linh trưởng khác đang phải chịu đựng, đồng thời cho biết Free the Wild - tổ chức từ thiện động vật do bà đồng sáng lập - đã hợp tác với Quỹ Aspinall để thành lập khu bảo tồn động vật miễn phí.
Diễn viên nổi tiếng Gillian Anderson cũng tham gia phản đối kịch liệt, kêu gọi đóng cửa sở thú.
Các nhà vận động cho biết những con vật thường bị nhốt trong không gian quá nhỏ so với môi trường sống tự nhiên, và hầu như không có các hoạt động thuận lợi cho sự phát triển.
Nhiều năm trở lại đây, cái tên Bua Noi vẫn thường được nhắc đến như một "nạn nhân khốn khổ" của sở thú Pata. Ảnh: Werapan Chaikere. |
Hàng năm, câu chuyện quyền lợi của Bua Noi vẫn được đưa ra nhưng chẳng có gì thay đổi. Trả lời báo giới, Kanit Sermsirimongkol, chủ sở hữu sở thú Pata, phủ nhận hoàn toàn cáo buộc ngược đãi động vật. Người này còn khuyên dân mạng đừng nên tin những bức ảnh trôi nổi, sai sự thật trên Internet.
"Chúng tôi đã nuôi Bua Noi 30 năm. Con khỉ giống như con gái của tôi vậy", Kanit cho biết.
Hy vọng đã lóe lên vào tuần trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cho biết họ có kế hoạch mua và đưa Bua Noi đến nơi khác.
Thế nhưng, nó đã nhanh chóng tiêu tan khi chủ sở hữu tuyên bố rằng không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra, cũng như không có bất cứ thỏa thuận giá cả nào, mặc dù trước đó, con số 30 triệu baht (khoảng 795.000 USD) được lan truyền trên mạng.
“Mọi động vật ở sở thú Pata đều phải chịu án chung thân - hình phạt mà một số tên tội phạm phạm tội nặng nhất của Thái Lan cũng không phải đối mặt", Jason Baker, phó chủ tịch cấp cao của Peta Asia, cho biết.
"Chúng có thể có một cuộc sống ý nghĩa nếu chúng được chuyển đến cơ sở cung cấp sự chăm sóc chu đáo về tinh thần và sự thoải mái về thể chất trong môi trường tự nhiên mà chúng cần", ông nói thêm.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố, sở thú Pata cho biết họ luôn chăm sóc cho Bua Noi cẩn thận và chi khoảng 264 USD mỗi tháng để nuôi nấng nó. Họ tranh luận rằng con khỉ đột quá già để thích nghi với cuộc sống hoang dã hoặc môi trường sống khác vì mối đe dọa từ những mầm bệnh mới.
Bua Noi đã 33 tuổi và tuổi thọ trung bình của khỉ đột là khoảng 40-50 năm, theo Bangkok Post.
Dù vậy, ông Amos Courage tại Quỹ Aspinall đã bác bỏ những lo ngại đó và tin rằng con khỉ đột có thể được chăm sóc chu đáo trong một khu bảo tồn.
Trước đây, quỹ đã đề nghị chi trả các khoản phí trong quá trình đưa khỉ đột đến nơi khác.
Ở một nơi gần hơn, Wiek cho biết trung tâm cứu hộ của anh, cách Bangkok khoảng hai giờ, cũng có thể đưa Bua Noi đi.
“(Chúng tôi có thể đưa) nó đến bất cứ nơi nào, miễn là nó thoát ra khỏi cái lồng như bể cá bằng kính đó”, anh nói.
Kung Chan, một cư dân Bangkok 50 tuổi, và là hướng dẫn viên thành phố đã đến thăm sở thú Pata vào tháng 5 để tìm lại những ký ức thời thơ ấu.
Tuy nhiên, sau đó, anh ấy nói rằng anh có khả năng sẽ không trở lại nơi này sau những gì đã thấy.
"Tôi không cảm thấy hạnh phúc. Chúng tôi chỉ ở lại trong 15 phút… Tôi không muốn nhìn thấy (Bua Noi) trong một căn phòng như thế”, Kung Chan cho biết.
Minh An
Theo: ZINGNEWS.VN |