27/10/2022 (18:17:27)
Châu Âu đang gấp rút suy tính giải pháp năng lượng khi mùa đông tới gần. Chuyên gia cho rằng dù có thể vượt qua năm nay, lục địa này sẽ hứng chịu một số nỗi đau kinh tế và xã hội.
Châu Âu đang gấp rút suy tính giải pháp năng lượng khi mùa đông tới gần. Ảnh: New York Times. |
Aurelie Ribay - người điều hành tiệm bánh tại một góc phố ở phía bắc Paris (Pháp) - cảm nhận rõ tác động khi chi phí sinh hoạt tăng cao những tháng gần đây.
Cô đã phải chi trả nhiều hơn 10% cho giá điện từ mùa hè. Cô lo sợ khi hóa đơn năng lượng tăng lên, giá mặt hàng thiết yếu tại Pháp, như bánh mì baguette, cũng sẽ đắt đỏ hơn.
“Viễn cảnh này có thể xảy tới. Nếu giá lúa mì và bơ vẫn lên, tôi buộc phải tăng giá”, chủ tiệm bánh nói. "Tôi không thể làm việc mà không có lãi”.
Theo Channel NewsAsia, nỗi bất an tại các quốc gia châu Âu đang ngày càng lớn, khi họ chuẩn bị bước vào mùa đông. Giá các nguồn cung năng lượng, như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, tăng lên ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Họ vừa phải đối mặt với lạm phát lẫn chi phí năng lượng đắt đỏ.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 25/10 nhận định châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng do phụ thuộc nhiều vào dầu khí từ Nga.
“Châu Âu đã mắc sai lầm, mặc dù IEA đã nhấn mạnh và cảnh báo không nên dựa vào nhà cung cấp chính duy nhất trong mọi lĩnh vực”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết. “Phần lớn khí đốt và một phần dầu mà châu Âu nhập khẩu đến từ một quốc gia duy nhất: Đó là Nga”.
Do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine, các nước châu Âu đang phải vật lộn để tìm giải pháp thay thế.
Trước khi bước vào thời kỳ lạnh nhất trong năm, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng. Việc tiêu thụ năng lượng để sưởi ấm và chiếu sáng thường tăng vào tháng 12 và tháng 1 hàng năm.
Trong gói biện pháp mở rộng ngày 29/9, EU nhất trí đặt mục tiêu tiết kiệm điện, cùng với áp thuế vào lợi nhuận thu được từ các công ty năng lượng. Ủy ban ước tính các thành viên có thể thu tổng cộng 140 tỷ euro từ lợi nhuận của các công ty năng lượng, và từ đó phân phối hỗ trợ người dân, Guardian đưa tin.
Kể từ mùa xuân, EU đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Ảnh: Atlantic Coucil. |
Ông Birol nhận định mặc dù có khó khăn, châu Âu có thể vượt qua mùa đông năm nay, nếu thời tiết “ủng hộ”.
“Trừ khi có một mùa đông cực kỳ lạnh giá và kéo dài, hoặc chứng kiến sự kiện bất ngờ, ví dụ như nổ đường ống Nord Stream, châu Âu sẽ trải qua mùa đông này với một số nỗi đau về kinh tế và xã hội”, ông nhận định.
Giới phân tích cảnh báo châu Âu khó tránh được suy thoái sâu, với Deutsche Bank dự đoán tổng GDP thực tế trong khu vực đồng euro sẽ giảm tổng cộng gần 3% từ quý II năm nay đến cùng kỳ năm 2023, Financial Times đưa tin hồi cuối tháng 9.
Tại Pháp, trong những tuần gần đây, hàng nghìn người biểu tình trên đường phố kêu gọi giới chức hỗ trợ tài chính nhiều hơn.
Lucile Buisson - người đứng đầu bộ phận năng lượng của tổ chức quyền lợi người tiêu dùng Pháp UFC-Que Choisir - cho biết vì toàn cầu chứng kiến khủng hoảng năng lượng, chi phí gia tăng ở nước này có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở quốc gia khác.
“Ở Pháp, chúng tôi được bảo vệ bằng năng lượng hạt nhân hay sự độc lập về năng lượng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra năng lượng của chúng tôi, giống như của các nước châu Âu khác, cũng có mặt trên thị trường”, bà nói. “Vì vậy, giá cả (tại Pháp) cũng sẽ tăng bởi chúng liên kết với thị trường năng lượng ở các nước khác, như châu Âu”.
Trước mùa đông, Pháp đã hoàn thành kế hoạch lấp đầy các kho chứa khí đốt. Tuy nhiên, nước này buộc phải mở lại nhà máy điện than để tăng công suất.
Chính phủ Pháp công bố kế hoạch an toàn về năng lượng nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 10% trong hai năm. Trong khi đó, Đức ký thỏa thuận với Pháp, trong đó Berlin cung cấp điện cho Paris, nếu Pháp giúp đỡ về nguồn cung khí đốt.
Trong nước, các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho mùa đông cũng được đưa ra, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng hệ thống chiếu sáng và sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng.
Theo nhà phân tích an ninh năng lượng Annabelle Livet của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược, gói tiết kiệm mùa đông được Berlin công bố có quy mô lớn chưa từng có.
“Gói này có quy mô khá khổng lồ, nhưng nó đáp ứng cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng đến Đức”, bà nói. “Không giống như Pháp, Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt, đặc biệt là khí đốt của Nga. Những gì sắp xảy ra có thể là cú sốc kép, từ cú sốc năng lượng sang cú sốc công nghiệp".
Cột Chiến thắng ở Berlin, Đức tắt bớt đèn để tiết kiệm năng lượng hồi đầu tháng 8. Ảnh: Reuters. |
Trong lúc các chính phủ tìm cách giải quyết vấn đề năng lượng, nhiều người dân châu Âu đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất về một mùa đông khắc nghiệt.
Đối với cô Ribay, chủ tiệm bánh lo ngại áp lực về giá sẽ đè nặng lên công việc kinh doanh bánh mì của mình.
“Tôi có thể cảm nhận được điều đó từ khách hàng khi họ mua ít hơn. Và cả từ nhân viên của tôi nữa, họ cần tiền để có cuộc sống đủ đầy”, cô nói. “Đây là mối bận tâm, nỗi lo lắng cho tất cả. Tôi có thể cảm nhận được điều đó mỗi ngày”.
Nói với Financial Times, Saliha Sadelli, y tá làm việc tại khu phố nghèo phía bắc Marseille, nói cô bị ảnh hưởng nặng nề khi chi phí xăng dầu tăng cao. Những hóa đơn khác cũng đắt đỏ, bất chấp việc chính phủ hạn chế tăng giá điện.
“Họ nói các hộ gia đình được bảo vệ, nhưng tất nhiên tôi lo lắng khi thấy trong thời gian ngắn, hóa đơn tăng từ 200 euro/tháng lên tận 350 euro", cô nói. "Tôi tự hỏi mình phải làm gì bây giờ. Tôi có thể không dùng điều hòa vào mùa hè, bởi đó là thứ khá xa xỉ. Nhưng sưởi ấm thì không hề là nhu cầu xa xỉ".
Phương Linh
Theo: ZINGNEWS.VN |