Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Cơn địa chấn của 'Lọ Lem' Morocco

11/12/2022 (00:08:11)

Chiến lược phát triển dài hơi cùng lựa chọn nhân sự đúng đắn mang lại sự đoàn kết trong nội bộ đội tuyển Morocco, giúp đội bóng liên tiếp làm nên bất ngờ ở World Cup.

HLV Walid Regragui ăn mừng cùng các cầu thủ Morocco. Ảnh: Reuters.

Trong phần lớn thời gian 20 năm qua, Morocco tìm mọi cách để biến đội tuyển bóng đá quốc gia - được mệnh danh là "những chú sư tử Atlas” - thành một đội bóng châu Âu.

Morocco vay mượn các phương thức huấn luyện của Tây Ban Nha, xây dựng học viện bóng đá quốc gia theo mô hình của Pháp, nhập khẩu các nhà quản trị thể thao từ Italy. Trong 2 thập kỷ qua, đội tuyển quốc gia nước này thuê huấn luyện viên từ Bồ Đào Nha, Bỉ, Pháp và Bosnia.

Thế rồi, chỉ 4 tháng trước khi vòng chung kết World Cup 2022 khởi tranh, nước này quyết chuyển hướng. Liên đoàn bóng đá Morocco quyết định thuê Walid Regragui, một huấn luyện viên nội địa để dẫn dắt đội tuyển và chấn chỉnh nền bóng đá nước nhà, theo Wall Street Journal. Một bài viết ngày 10/12 của báo này so sánh những điều Morocco làm được đến nay ở World Cup như kỳ tích "Lọ Lem".

Người truyền lửa

Kể từ khi được bổ nhiệm hồi tháng 8, vị huấn luyện viên 47 tuổi đã biến Morocco từ một đội bóng tầm trung thành đội tuyển mà không đối thủ nào muốn đối mặt tại kỳ World Cup ở Qatar.

Đội bóng Bắc Phi vượt qua hai ông lớn của châu Âu để giành ngôi đầu bảng F, trước khi đánh bại nhà vô địch World Cup 2010 Tây Ban Nha ở vòng 16 đội trên chấm phạt đền.

Morocco sẽ bước vào trận tứ kết gặp Bồ Đào Nha với tư cách đại diện duy nhất còn lại của thế giới Arab trong kỳ World Cup đầu tiên tổ chức ở một nước Arab. Và, để đi đến thành tựu hôm nay, Morocco đã phát huy di sản bóng đá của mình thay vì quay lưng với quá khứ.

HLV Regragui là người Morocco đầu tiên dẫn dắt đội bóng tại một kỳ World Cup kể từ 1994. Ông cũng mới là người Morocco thứ hai có được vinh dự này.

morocco anh 1

Thành viên đội tuyển Morocco ăn mừng sau chiến thắng trước Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, trước khi giải đấu khởi tranh, Regragui đã xoay xở gọi lại đội hình hàng loạt ngôi sao trước đó đã tuyên bố từ giã đội tuyển vì không tìm được cảm giác gắn bó. Regragui đã mời mẹ của các cầu thủ cùng tới Qatar để làm nguồn cổ vũ tinh thần.

"Tôi từng nói tại CLB Wydad rằng tất cả người Morocco là một gia đình", ông Regragui nói, nhắc tới đội bóng cũ ở Casablanca mà ông từng huấn luyện.

Dưới thời huấn luyện viên tiền nhiệm Vahid Halilhodzic, các cầu thủ Morocco tại đội tuyển quốc gia không cảm thấy như một thể thống nhất. Lối huấn luyện nghiêm khắc của vị thuyền trưởng người Bosnia khiến một số tài năng Morocco cảm thấy như người ngoài, trong đó có ngôi sao của Chelsea Hakim Ziyech.

Chỉ 4 tháng trước World Cup, Morocco thay thế ông Halilhodzic bằng Regragui, cựu tuyển thủ quốc gia được mệnh danh là Guardiola của Morocco. Trước đó, ông Regragui vừa dẫn dắt CLB Wydad vô địch CAF Champions League.

Với hiểu biết sâu sắc về lịch sử bóng đá Morocco cũng như quan hệ với các tài năng của đất nước, Regragui đã khôi phục lòng tin giữa đội tuyển quốc gia và các cầu thủ giỏi nhất của Morocco.

Hakim Ziyech và Noussair Mazraoui, hậu vệ trong biên chế Bayern Munich, từng từ chối chơi cho đội đội tuyển quốc gia trong vòng loại. Sau khi Regragui nắm quyền, hai ngôi sao đã đồng ý quay trở lại phục vụ đội tuyển quốc gia.

"Tinh thần chiến đấu đã quay trở lại khi cậu ấy xuất hiện. Nhiều người nói Ziyech là một gã khùng, khó quản lý, và không giúp ích gì cho đội bóng. Với tôi, những gì tôi thấy là nếu đủ tin tưởng và yêu thương cậu ấy, Ziyech sẵn sàng chết vì đội bóng. Đó là những gì tôi đã trao đi và được cậu ấy đền đáp", Regragui nói về ngôi sao của Chelsea.

Ngoài chiến thuật bóng đá, Regragui hiểu rõ cách để thổi lửa cho đội tuyển quốc gia bằng cách tạo ra cảm giác thân thuộc. Trong khi các đội bóng khác làm điều này bằng cách cho phép cầu thủ mang theo vợ và bạn gái, Regragui cho rằng cách tốt nhất để các cầu thủ thoải mái là cho phép mẹ của họ cùng có mặt.

Điều này đã khiến các bà mẹ của tuyển thủ Morocco trở thành những ngôi sao ở Qatar. Khi Achraf Hakimi, cầu thủ sinh ở Tây Ban Nha nhưng lựa chọn thi đấu cho đội tuyển Morocco, sút thành công quả luân lưu quyết định trong trận đấu ở vòng 16 đội, anh ăn mừng bằng cách chạy tới ôm mẹ mình đang ngồi trên khán đài.

Chiến lược dài hơi

Thành công tại Qatar đến 18 năm sau khi Morocco thất bại trong cuộc cạnh tranh quyền đăng cai World Cup 2010.

Sau khi để mất cơ hội vào tay Nam Phi, các quan chức Morocco hiểu ra một trong các lý do là hệ thống cơ sở hạ tầng bóng đá của họ không đạt chuẩn. Quốc gia Bắc Phi quyết tâm giải quyết vấn đề bằng cách xây dựng mạng lưới đào tạo trẻ bài bản, có khả năng cạnh tranh với các cường quốc bóng đá của thế giới.

Năm 2009, Morocco khai trương Học viện Bóng đá Mohammed VI gần thành phố Rabat. Cở sở này từ đó trở thành một trong những trung tâm đào tạo tài năng hàng đầu bên ngoài châu Âu, theo Al Jazeera.

4 cầu thủ trong đội hình Morocco hiện tại trưởng thành từ Học viện Mohammed VI, gồm tiền đạo Youssef En-Nesyri, tiền vệ Azzedine Ounahi, hậu vệ Nayef Aguerd và thủ môn Reda Tagnaouiti. FIFA gọi Học viện Mohammed VI là một trong các học viện thể thao lớn và giàu thành tích nhất thế giới.

morocco anh 2

Cổ động viên Morocco ăn mừng sau chiến thắng trước Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters.

Đội hình Morocco không phải hoàn toàn là cây nhà lá vườn. Đội bóng Bắc Phi có các cầu thủ sinh ra ở Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Italy và Canada. Dù vậy, số lượng cầu thủ sinh ra và đào tạo trong nước ngày càng lớn. Tại World Cup 2018, chỉ 6 trong tổng số 23 thành viên đội tuyển sinh ra ở Morocco. Năm nay, con số tăng lên 12.

"Trước kỳ World Cup, chúng tôi từng có nhiều vấn đề giữa các cầu thủ sinh ra ở châu Âu với các cầu thủ trong nước. Nhưng lúc này, chúng tôi đã chứng minh cho thế giới thấy bất kể họ mang hộ chiếu nước nào, tất cả đều là người Morocco", HLV Regragui nói.

Vị thuyền trưởng rõ ràng hiểu vấn đề cũng như cách giải quyết bởi bản thân ông thuộc cộng đồng người Morocco lớn lên ở hải ngoại. Regragui sinh ra ở Pháp, dù vậy, ông khẳng định "không điều gì có thể lấy đi tình yêu của bản thân dành cho đất nước".

Riêng ở Qatar, khoảng 20.000 người Morocco hiện sinh sống và làm việc. Dường như tất cả họ đều đến sân vận động cổ vũ đội bóng quê hương trong trận đấu với Tây Ban Nha vừa qua.

Duy Anh

Theo: ZINGNEWS.VN


Thế giới (Tin trước)