10/12/2022 (17:52:35)
Chia sẻ Việt Nam là một nước đang phát triển, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng EIB tính cơ chế cho vay ưu đãi hơn để thực hiện các dự án, trong đó có 2 tuyến metro ở TP.HCM và Hà Nội.
Phó chủ tịch Ngân hàng EIB Kris Peeters đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, làm việc tại ngân hàng. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Thông điệp rõ ràng về hợp tác vay vốn để thúc đẩy các dự án đang và sắp triển khai được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi thăm và làm việc tại Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), sáng 10/12 theo giờ địa phương.
Phó chủ tịch Ngân hàng EIB Kris Peeters cho biết mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và Việt Nam được thiết lập từ năm 1997. Kể từ đó đến nay, ngân hàng đã giúp triển khai 7 dự án ở Việt Nam với tổng vốn 561 triệu Euro.
Trước khi đề cập đến những đề xuất cụ thể với phía Ngân hàng EIB, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ ấn tượng về kiến trúc trụ sở ngân hàng với vẻ ngoài rất hiện đại, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên về ánh sáng, đón gió trời. Ông cho rằng việc này thể hiện tư duy đi trước thời đại, tạo sự gắn bó, gần gũi giữa con người và thiên nhiên -giống như xu thế phát triển xanh mà Luxembourg đang hướng tới.
Trở lại câu chuyện về hợp tác, Thủ tướng cho biết trong 25 năm hợp tác, Ngân hàng EIB chỉ thực hiện 7 dự án ở Việt Nam với 561 triệu Euro. Về mặt tốc độ, ông đánh giá như vậy là chậm. Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận trách nhiệm việc này trước hết của phía Việt Nam và tới đây cần phải sửa đổi, xem xét vì sao việc hợp tác chưa thể nhanh hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng EIB xem xét cho Việt Nam vay với chính sách ưu đãi hơn, điều kiện thuận lợi hơn. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng hạ tầng và nguồn nhân lực, vì thế rất cần nguồn lực tài chính để triển khai.
Nhắc đến định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Thủ tướng nhấn mạnh ngoài nguồn lực bên trong được coi là cơ bản, chiến lược, quyết định và lâu dài, vẫn không thể thiếu nguồn lực bên ngoài mang tính chất quan trọng và đột phá. Đó có thể là nguồn vốn từ các nhà đầu tư, vốn FDI trực tiếp và gián tiếp, nguồn vốn viện trợ, vốn vay…
“Vay vốn phải phù hợp xu thế mới có thể triển khai, ví dụ bây giờ là tập trung phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…”, Thủ tướng nói.
Ông khẳng định Việt Nam muốn tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với quy mô, phạm vi lớn hơn; phát triển các dự án nhiều hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn vào các lĩnh vực đang được quan tâm.
Nhấn mạnh Việt Nam có nhu cầu để phát triển, Thủ tướng cho rằng cần ký lại hợp tác thỏa thuận tài chính đã ký trước đây, nâng khung khổ pháp lý lên cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Song song với đó, cần xử lý những vấn đề còn tồn đọng ở những dự án đang triển khai để số tiền đầu tư 561 triệu Euro thực sự có hiệu quả.
Đi vào cụ thể, Thủ tướng nhắn đến 2 dự án quan trọng nhưng đang tiến triển chậm là dự án Metro 2 ở TP.HCM (tuyến Bến Thành - Tham Lương) và Metro 3 ở Hà Nội (tuyến Nhổn - ga Hà Nội).
Đoàn tàu thử nghiệm trên đoạn ray 300 m tại depot Long Bình thuộc dự án metro 2 vào cuối tháng 8. Ảnh: Xuân Danh. |
“Vừa rồi tôi đã làm việc trực tiếp và khảo sát 2 dự án này. Phía Việt Nam triển khai quy hoạch và thực hiện các dự án đầu tư chậm, tới đây chúng tôi sẽ làm nhanh hơn, khẩn trương hơn để hai bên sớm ký hiệp định vay vốn cho 2 dự án này, vì nhu cầu phát triển của chúng tôi rất lớn và rất cần nguồn vốn”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Để triển khai các dự án hợp tác trong tương lai, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Đầu tư Châu Âu chia sẻ xem xét chính sách cho vay ưu đãi hơn cùng điều kiện thuận lợi hơn với một nước đang phát triển như Việt Nam, không quá cứng nhắc như điều kiện áp dụng cho một số quốc gia phát triển.
“Ví dụ với dự án phát triển xanh hay dự án chuyển đổi năng lượng, một nước đang phát triển như Việt Nam cần vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn. Thu nhập đầu người của Việt Nam mới chỉ có 4.000 USD nên mức ưu đãi không thể như với nước phát triển có thu nhập 50.000-60.000 USD”, Thủ tướng dẫn chứng.
Về thủ tục, ông đề nghị phía ngân hàng nghiên cứu thủ tục đơn giản hơn, dễ thực hiện hơn bởi nếu thủ tục rườm rà sẽ tạo tiêu cực cho cả hai bên.
“Chúng tôi cam kết sau cuộc làm việc này sẽ bắt tay vào công việc ngay lập tức, làm việc với Việt Nam để phát huy quan hệ hợp tác giữa hai bên, xem xét sửa đổi các thủ tục, điều khoản cho vay trong các hiệp định hợp tác với Việt Nam”, Phó chủ tịch Ngân hàng EIB Kris Peeters cam kết.
Phó chủ tịch Ngân hàng EIB Kris Peeters khẳng định sẽ xem xét sửa đổi các thủ tục, điều khoản cho vay trong các hiệp định hợp tác với Việt Nam. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Giám đốc điều hành EIB toàn cầu Markus Berndt cũng chia sẻ ấn tượng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra thông điệp rõ ràng, cụ thể, đề xuất hợp tác với những dự án cụ thể giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng EIB.
Trong khi đó, Vụ trưởng Ủy ban châu Âu Peteris Ustubs nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và EU trong việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt những dự án chuyển đổi năng lượng trong ngành điện.
Ông mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán về tăng cường hợp tác chuyển đổi năng lượng, sau đó Ủy ban sẽ làm việc với Ngân hàng Đầu tư châu Âu để thực hiện hiệu quả những việc này.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Hoài Thu (từ Luxembourg)
Theo: ZINGNEWS.VN |