Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Chuyện gì đang xảy ra ở New Zealand?

14/02/2023 (11:03:31)

Bão Gabrielle quét qua đảo Bắc ở New Zealand đã khiến hạ tầng hư hại nghiêm trọng và hàng nghìn người phải sơ tán. Công tác khắc phục thiên tai cũng gặp khó khăn do thời tiết xấu.

Con thuyền mắc kẹt trên đá ở đảo Great Barrier. Ảnh: Ninette Birck/RNZ.

New Zealand ngày 14/2 ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để kịp thời ứng phó trước hậu quả từ bão Brielle.

Trước tình hình thiên tai, Quốc hội New Zealand đã hoãn phiên họp đầu tiên trong năm nay, nhằm tập trung khắc phục cơn bão và hỗ trợ người dân. Lãnh đạo Hạ viện New Zealand đã dời phiên họp quốc hội sang ngày 21/2.

Cơ quan khí tượng New Zealand dự báo mưa lớn và gió giật mạnh sẽ tiếp tục xuất hiện ở miền Bắc và miền Trung New Zealand. Tại nhiều khu vực vùng biển, sức gió mạnh nhất được ghi nhận là hơn 140 km/h.

Trong khi đó, nhiều khu vực đô thị cũng ghi nhận sức gió 128 km/h. Ngoài ra, sóng lớn, triều cường và lụt ven biển cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bờ biển phía đông của đảo Bắc.

Guardian cho biết hơn 150.000 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh đã mất điện tại đảo Bắc. Con số thực tế có thể cao hơn vì số liệu này chưa tính thành phố Gisborne và vịnh Plenty, những nơi bị mất điện và hỏng đường dây liên lạc.

Ý nghĩa việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia chỉ được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, khi hệ thống cấp cứu quá tải hoặc sự kiện có thể đe dọa đến con người. Khi đó, chính phủ cần được trao nhiều quyền hạn để có thể nhanh chóng hỗ trợ mà không gặp nhiều rào cản pháp lý, đài RNZ (New Zealand) cho hay.

Hai lần gần nhất New Zealand ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là đại dịch Covid-19 vào năm 2020, và động đất ở Canterbury vào năm 2011.

bao gabrielle new zealand anh 1

Ngôi nhà đổ sập do sạt lở ở New Zealand sau bão Brielle. Ảnh: RNZ.

Bộ trưởng Ứng phó Khẩn cấp New Zealand McAnulty đã ký tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào sáng 14/2 (giờ New Zealand),

Ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trao cho chính phủ quyền hạn để phân bổ nguồn lực tài chính và quân đội đến các vùng bị thiệt hại nghiêm trọng, cũng như thiết lập ưu tiên trên toàn quốc để ứng phó thiên tai, ông McAnulty nói.

Không phải áp dụng toàn quốc

Dù là tuyên bố tình trạng khẩn cấp "quốc gia", phạm vi áp dụng của nó không bao trùm toàn bộ New Zealand.

Các khu vực được ban bố khẩn cấp toàn quốc là những nơi trước đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp cấp địa phương.

Vì thế, trách nhiệm ứng phó thiên tai hiện sẽ được chuyển cho chính phủ. Cục Quản lý Khẩn cấp Quốc gia New Zealand (NEMA) sẽ quản lý hoạt động ứng phó thiên tai, do quyền Giám đốc Phòng vệ dân sự Roger Ball chỉ đạo.

Tình trạng khẩn cấp toàn quốc có thời hạn 7 ngày, nhưng có thể được gia hạn nếu cần thiết.

Tính đến ngày 14/2, tình trạng khẩn cấp quốc gia được áp dụng cho các khu vực Northland, Auckland, Gisborne, vịnh Plenty, Waikato, vịnh Hawke và quận Tararua.

“Lời nhắn của chúng tôi đến những người bị ảnh hưởng là hãy đặt an toàn lên hàng đầu, chăm sóc lẫn nhau, giữa gia đình và hàng xóm. Vui lòng tuân thủ quy định của lực lượng phòng thủ dân sự, và hạn chế đi đến các khu vực bị ảnh hưởng”, ông Ball nói.

bao gabrielle new zealand anh 2

Sạt lở trên vách gần một ngôi nhà ở Auckland sau bão Gabrielle. Ảnh: Reuters.

Người dân vịnh Hawke phải bơi qua dòng lũ

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nằm ở bờ biển phía Đông của đảo Bắc. Một số khu vực bờ biển như Tairawhiti Gisborne gần như bị cô lập, khi thiếu điện, mạng di động, nhiều tuyến đường bị chặn.

Lũ lớn, nhiều tuyến đường bị chặn ở vịnh Hawke khiến việc sơ tán gặp khó khăn. Quan chức địa phương yêu cầu người dân sơ tán đến các ngọn đồi gần nhất, theo Guardian.

Adrianne Mason, cư dân ở vịnh Hawke, cho biết tình trạng ngập lụt là "thảm họa". Bà cho biết cô con gái 22 tuổi đã phải trèo qua cửa sổ và bơi đến nơi an toàn.

"Ngôi nhà mới của chúng tôi bị ngập, nhà con trai tôi cũng bị ngập. Nhưng nhiều ngôi nhà của người dân ở sông Esk bị phá hủy hoàn toàn. Chúng tôi thật may mắn khi gia đình vẫn ổn", bà Mason nói.

Lực lượng cứu hộ New Zealand cho biết đã hoàn toàn mất liên lạc với nhân viên tại Gisborne, trong khi thành viên lực lượng phòng vệ dân sự liên lạc thông qua điện thoại vệ tinh.

Nước lũ dâng cao bao trùm các tòa nhà ở nhiều khu vực. Người dân phải tạm lánh lên các mái nhà tại Hastings. Trong khi đó, lở đất quanh bờ biển Auckland đã cuốn trôi nhiều ngôi nhà và cắt đứt các tuyến giao thông.

Lực lượng cứu hỏa New Zealand nói rằng đã bận rộn với 1.800 sự cố do bão trên cả nước trong 24 giờ.

bao gabrielle new zealand anh 3

Các khu vực ở đảo Bắc chịu thiệt hại nghiêm trọng do bão Gabrielle. Đồ họa: Guardian.

Cơ quan cứu hộ cho biết một lính cứu hỏa đã mất tích và một người khác bị thương nghiêm trọng sau khi một tòa nhà đổ sập do sạt lở đất ở Muriwai, phía tây thành phố Auckland

Theo NZ Herald, cơ quan cứu hộ phải ra quyết định khó khăn là dừng tìm kiếm người đồng nghiệp mất tích, khi mưa lớn và gió giật mạnh dự báo xuất hiện tại khu vực.

"Tình hình mặt đất không ổn định, nước lũ dâng, nhiều tuyến đường bị đóng đã khiến công việc của họ rất khó khăn", ông McAnulty nói, cho biết các phương án như sử dụng trực thăng cứu hộ có thể không khả thi do tình hình thời tiết hiện nay.

Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins cho rằng cơn bão lần này, cùng những hiện tượng thời tiết cực đoan trước đó, sẽ buộc New Zealand phải thay đổi phương pháp và địa điểm xây dựng cộng đồng.

"Chúng ta phải nhìn vào tính bền vững của một số khu vực được xây dựng trước đây", ông Chris Hipkins nói.


Ôtô ngập trong biển nước giữa lúc New Zealand áp tình trạng khẩn cấp Giới chức New Zealand cho biết bão Gabrielle chỉ là khởi đầu, và dự báo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn có thể xuất hiện và gây thiệt hại lớn.

Trần Hoàng

Theo: ZINGNEWS.VN


Thế giới (Tin trước)