13/02/2023 (12:43:55)
Một tuần kể từ sau khi Mỹ bắn rơi khí cầu Trung Quốc, bầu trời Bắc Mỹ luôn được cảnh báo về sự xuất hiện của các vật thể bay không xác định (UFO).
Tiêm kích F-22 phóng tên lửa AIM-9 Sidewinder trong buổi tập vào năm 2002. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Việc Mỹ bắn hạ một vật thể bay ở hồ Huron ngày 12/2 biến đây thành lần thứ 4 trong một tuần, các vật thể bay bị bắn hạ trên bầu trời Bắc Mỹ.
Trước đó, tâm điểm đổ dồn vào vật thể đã được xác định là khí cầu từ Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ ngày 4/2. Vụ việc đã tạo thêm những căng thẳng ngoại giao cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Chuỗi sự kiện kéo dài về khinh khí cầu bắt đầu khi một khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận Mỹ ở bang Montana. Nó đã ở trên bầu trời Mỹ trong vài ngày, trước khi bị tên lửa từ tiêm kích F-22 bắn hạ vào ngày 4/2, Reuters đưa tin.
Đến ngày 11/2, các tiêm kích Mỹ đã bắn rơi một vật thể bay khác ngoài khơi Alaska. Lầu Năm Góc cho biết vật thể này đã bay qua không phận trên lãnh hải của Mỹ, và không được trang bị bất kỳ hệ thống đẩy hay hệ thống điều khiển nào.
Một ngày sau đó, tiêm kích F-22 của Mỹ bắn hạ một "vật thể bay tầm cao" qua không phận Canada, theo yêu cầu phối hợp từ hai nước. Phía Canada cho biết vật thể trên nước họ có hình trụ và nhỏ hơn khí cầu ban đầu phát hiện tại Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Canada không nói vật thể có nguồn gốc từ đâu.
Khí cầu Trung Quốc bị tiêm kích F-22 bắn hạ ngày 4/2. Ảnh: AP. |
Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh bắn hạ một vật thể bay qua hồ Huron. Vật thể được mô tả có cấu trúc hình bát giác với nhiều dây treo.
Lầu Năm Góc cho biết vật thể không gây mối đe dọa quân sự, nhưng có thể nguy hiểm với các chuyến bay dân dụng, khi nó ở độ cao 6 km tại không phận bang Michigan.
Các quan chức Mỹ mô tả vật thể thứ hai và thứ ba có kích thước ngang một chiếc Volkswagen Beetle, so với khí cầu đầu tiên, có cấu trúc được cho là ngang chiều dài 3 xe buýt, theo AFP.
Đến nay, chỉ vật thể đầu tiên là được xác định là khinh khí cầu từ Trung Quốc.
Nhiều lực lượng quân đội đã được triển khai để tìm kiếm những vật thể từ khí cầu Trung Quốc bắn rơi ngày 4/2.
Theo thông tin ban đầu, Lầu Năm Góc cho hay đã thu được một số ăng-ten và các tấm pin Mặt Trời nhằm cấp điện cho các bộ cảm biến để thu thập thông tin.
Ở vụ bắn rơi thứ hai, nhóm tìm kiếm tiếp tục hoạt động ở biển băng gần Deadhorse, bang Alaska. Quân đội cho biết điều kiện thời tiết ở Bắc Cực, với gió lạnh, tuyết và thiếu ánh sáng là nhân tố ảnh hưởng hoạt động tìm kiếm.
FBI thu giữ mảnh vỡ của khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ngày 4/2. Ảnh: FBI/Reuters. |
Đội tìm kiếm, được hỗ trợ bởi máy bay tuần tra CP-140 của không quân Canada, đang tìm các mảnh vỡ từ vật thể thứ ba, bị bắn hạ ở Yukon, Canada, với sự phối hợp giữa Lầu Năm Góc, FBI và cảnh sát Canada. Trong khi đó, chưa có thêm thông tin về hoạt động tìm kiếm mảnh vỡ từ vật thể bị bắn rơi ở hồ Huron.
Các quan chức Mỹ nói hình ảnh từ khí cầu đầu tiên cho biết nó có thiết bị có thể can thiệp vào thông tin liên lạc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói khí cầu từ Trung Quốc được dùng để “giám sát các địa điểm chiến lược tại lục địa Mỹ”.
Ngoài ra, Mỹ cũng cho rằng khí cầu trên là một phần của kế hoạch do thám của Trung Quốc, triển khai các “hạm đội khí cầu” trải dài trên 5 châu lục.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần khẳng định khí cầu trôi vào không phận Mỹ là sự cố bất khả kháng, và là khí cầu dân sự nghiên cứu thời tiết.
“Trung Quốc không biết về ‘hạm đội’ khí cầu nào’. Câu chuyện đó có lẽ là một phần của chiến tranh thông tin và Mỹ nhắm vào Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói vào ngày 9/2.
Các nhà phân tích cho biết tình báo Mỹ và Canada thông thường sẽ liên tục nhận được lượng lớn dữ liệu thô, và từ đó sàng lọc dữ liệu để tập trung vào những mối đe dọa lớn, như từ tên lửa. Do đó, họ thường bỏ qua các vật thể bay chậm như khinh khí cầu.
“Bây giờ, rõ ràng chúng tôi sẽ tập trung vào nó. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tìm ra nhiều điều”, Jim Himes, nghị sĩ Dân chủ thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, nói với NBC.
Sau sự cố khí cầu tại Mỹ đầu tháng, Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) đã điều chỉnh hệ thống radar để khiến nó nhạy hơn. Kết quả là phát hiện thêm nhiều vật thể bay xâm nhập vào không phận.
Lúc này, NORAD đã chủ động hơn và tìm kiếm các sự cố xâm nhập, thể hiện sự cảnh giác cao với nguy cơ xuất hiện các khí cầu do thám, theo New York Times.
Giới chức Mỹ cho biết có 3 quả khí cầu từng được phát hiện bay qua lãnh thổ Mỹ dưới nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng không bị phát hiện khi đó, và một khí cầu ở đầu nhiệm kỳ ông Biden.
Vị trí hồ Huron, nơi Mỹ bắn hạ vật thể bay thứ 4 trong một tuần. Đây là hồ có biên giới giữa Mỹ và Canada. Đồ họa: NBC. |
Tác động trực tiếp tới quan hệ Mỹ - Trung là việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm đến Trung Quốc, dự kiến diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Mỹ thông báo về sự cố khí cầu.
Ngoài ra, Mỹ cũng liệt 6 thực thể Trung Quốc được cho là có liên quan đến khinh khí cầu Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu.
Ngược lại, Trung Quốc nói quyết định bắn rơi khí cầu là "hành động thái quá" của Mỹ và vi phạm các công ước quốc tế. Do đó, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị liên lạc quân sự từ Lầu Năm Góc.
Sau một tuần, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melissa Dalton ngày 12/2 cho biết hai nước đã liên lạc quân sự về sự cố khí cầu.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.
Trần Hoàng
Theo: ZINGNEWS.VN |