25/01/2023 (07:12:06)
Nhiều người vẫn làm việc trong dịp nghỉ Tết vì là nhân sự của công ty nước ngoài hoặc có công việc đặc thù. Một số khác tranh thủ giải quyết nốt các việc tồn đọng từ năm cũ.
Nhiều nhân sự trẻ vẫn phải làm việc tại nhà trong Tết do có công việc đặc thù. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
22h ngày 23/1 (mùng 2 Tết), sau bữa ăn gặp mặt năm mới cùng bạn bè, Đức Thịnh (26 tuổi, quận 3, TP.HCM) lại mở laptop và trả lời một loạt email đang "xếp hàng" chờ đợi.
Anh hiện là chuyên viên lập trình cho một công ty công nghệ tại Việt Nam với vốn đầu tư nước ngoài. Đối tác của Thịnh chủ yếu là các doanh nghiệp tại Mỹ và Ấn Độ. Những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán tại các quốc gia châu Á, một số đối tác, đồng nghiệp ở nước ngoài của anh vẫn làm việc như thường lệ.
"Chúng tôi có thông báo nghỉ lễ, tuy nhiên vẫn sẽ hỗ trợ khi đối tác cần trao đổi gấp về tiến độ dự án. Ngày nghỉ kéo dài, không ai muốn công việc bị đình trệ", anh chia sẻ với Zing.
Trước đó, kể cả đêm giao thừa và ngày mùng 1, Đức Thịnh đều dành ít nhất 3 tiếng/ngày để "ôm" máy tính, bên cạnh là mâm cơm Tết cùng gia đình.
Tết Nguyên đán là dịp nghỉ lễ lớn, được nhiều người chờ đợi nhất trong năm. Không ít "công dân laptop" mong muốn đón cái Tết trọn vẹn, hoàn toàn thoát khỏi deadline, máy tính...
Tuy vậy, do tính chất công việc, họ buộc phải dành thời gian trong ngày nghỉ để tiếp tục hoàn thành các đầu việc cần.
Do công việc đặc thù, Phương Vy phải ôm laptop vào những ngày lễ, Tết. |
Tương tự Đức Thịnh, Phương Vy (25 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng cặm cụi làm việc mỗi ngày trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Cô hiện là nhân viên sáng tạo nội dung cho một công ty truyền thông. Trước Tết, cấp trên cho phép cô về quê sớm để tránh cảnh kẹt xe, ùn tắc. Tuy nhiên, lời nhắn nhủ "nhớ online mỗi ngày, đừng để lỡ tin nhắn" lại khiến Vy thêm áp lực.
Theo Vy, công việc ngày Tết của cô còn bận rộn gấp 2-3 lần bình thường. Cô luôn phải theo kịp tin tức, sự kiện để sáng tạo ra những nội dung thu hút người xem, đăng lên hệ thống bất kể giờ giấc.
"Mùa lễ, Tết, tôi bận mờ mắt với cả việc nhà lẫn việc công ty", Vy thở dài.
Trò chuyện với Zing, cô cho biết các cộng tác viên của mình đều xin nghỉ vào dịp Tết. Chỉ còn cô và đồng nghiệp, những nhân sự chính thức, vẫn phải làm việc theo quy định.
Thay vì có 5 người cùng làm như trước đây, nhóm của Vy hiện tại chỉ có 3 nhân sự chia nhau trực xuyên suốt 8 ngày nghỉ Tết.
Sáng mùng 1, Vy tranh thủ đi chúc Tết cùng gia đình, nhưng trong túi không thể nào thiếu đi chiếc laptop và pin, sạc dự phòng.
"Tôi đã ăn 2 cái Tết như vậy. Ban đầu gia đình rất khó hiểu, hỏi tại sao Tết mà vẫn phải làm. Đến năm nay, bố mẹ đành chấp nhận và mặc kệ tôi", cô chia sẻ.
Thanh Tùng mang laptop ra quán cà phê để hoàn thành công việc trong dịp Tết. |
Trong khi đó, Thanh Tùng (27 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) thừa nhận hơi mệt mỏi khi nhận được tin nhắn nhắc nhở công việc của sếp vào đêm 30 Tết. Anh hiện là quản lý cấp trung, điều phối hoạt động nhóm marketing tại một công ty phân phối game tại Việt Nam.
Cuối năm 2022, trước Tết Nguyên đán khoảng 5 tuần, công ty anh ra mắt một sản phẩm mới. Game tung ra thị trường đúng dịp cao điểm, cả nhóm anh không tránh khỏi "núi" công việc khổng lồ. Suốt những ngày Tết, dù không ai muốn, thông báo từ các nhóm chat vẫn liên tục nhảy đến chóng mặt.
"Nào là quảng cáo, sự kiện mừng năm mới cho người chơi, lỗi game, lỗi server… rất nhiều vấn đề xảy ra khi chúng tôi có sản phẩm mới ra mắt ngay đúng dịp này", anh cho biết.
Ngồi quây quần bên mâm cơm gia đình, mắt anh vẫn chăm chú nhìn điện thoại, tay gõ phím liên tục để bàn luận với đồng nghiệp cách giải quyết những vấn đề phát sinh.
Suốt bữa cơm cuối năm, Tùng không thể tập trung toàn bộ vào những câu chuyện mà bố mẹ và em gái chia sẻ. Có lúc, anh phải xin cáo lỗi để nhận những cuộc họp online đột xuất.
"Mọi năm, tôi thường đưa bạn gái ra phố xem pháo hoa đêm giao thừa. Năm nay, tôi đành ở nhà chạy nốt deadline", Tùng kể.
Những cuộc họp online giữa bữa cơm của Thanh Tùng khiến bố mẹ không hài lòng. Phụ huynh hiểu tính chất công việc của anh, song không khỏi ảnh hưởng tâm trạng vào dịp lễ, Tết.
Theo Tùng, Tết mọi năm, anh không quá bận rộn như vậy. Năm nay, do dự án mới vận hành, anh và đồng nghiệp mới phải tất bật, khó kiểm soát thời gian như vậy.
"Tôi chấp nhận sống chung với laptop trong những ngày Tết vì đây là một phần của công việc. Tuy nhiên, tôi vẫn bố trí thời gian ở cạnh bố, mẹ, đưa ông bà đi chúc Tết", anh phân trần.
Để bù đắp khoảng thời gian nghỉ ngơi, sum họp cho gia đình, Tùng dự định sẽ mời bố mẹ đi du lịch vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Năm nay, kỳ nghỉ này trùng với ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Tùng cho đây là dịp phù hợp để đưa phụ huynh tham gia các hoạt động lễ hội.
Đức Thịnh dành ra 3 tiếng mỗi tối để giải quyết các đầu việc đang dang dở. |
Về phía Đức Thịnh, anh hiểu rõ tính chất công việc của mình khi phải làm việc trực tiếp với nhiều đối tác, đồng nghiệp ở nước ngoài. Trước Tết, nhân viên này đã tự lên kế hoạch công việc của mình trong suốt những ngày nghỉ lễ.
"Mỗi ngày, tôi dành 3 tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ để xem toàn bộ email và công việc nhằm nắm được tiến độ dự án. Trong những ngày nghỉ, tôi và những đồng nghiệp tại Việt Nam không cần phải tham gia các cuộc họp, trả lời email, nhưng vẫn nhận được luồng mail chung để nắm tình hình", anh nói.
Nếu còn sức và tranh thủ được thời gian, Thịnh vẫn sẽ giải quyết một số đầu việc đang dang dở từ trước Tết với hy vọng khi quay lại đi làm, anh không quá "ngợp" bởi deadline sát ngày.
Trong khi đó, Phương Vy cố gắng hạn chế dùng laptop trong những buổi sum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè vì sợ ảnh hưởng đến tâm trạng mọi người.
Hiểu được đặc thù nghề nghiệp của mình, cô báo cáo kế hoạch nội dung từ sớm với sếp và cố hoàn thành trước deadline.
"Tôi thường ôm laptop ra một góc riêng để dễ tập trung, nhanh chóng xong việc. Tuy hơi phiền phức vì không được nghỉ Tết trọn vẹn, nhưng tôi cũng vui vì thu nhập gấp 3,4 lần so với ngày thường", cô hào hứng kể.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.
Mỹ Trinh
Theo: ZINGNEWS.VN |