Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Đối diện cuộc 'thẩm vấn' lương bao nhiêu, khi nào lấy chồng

23/01/2023 (09:49:12)

Bị hỏi chuyện cá nhân, so sánh với họ hàng là lý do khiến người trẻ "sợ" họp mặt gia đình ngày Tết. Lúc này, bạn cần tự tin và chủ động thiết lập ranh giới để hạn chế sự khó chịu.

  • Chuyên gia tâm lý, Giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids
  • Chuyên gia tại Bác sĩ Tâm lý - trang tư vấn và điều trị tâm lý online

Nhiều người luôn trông mong đến Tết Nguyên đán bởi đây là dịp gia đình sum họp, quây quần bên nhau và kể về năm đã qua.

Tuy nhiên, vẫn có không ít bạn trẻ khó tránh khỏi cảm giác lo lắng, bức bối mỗi khi nghĩ về những buổi họp mặt với họ hàng nội, ngoại. Hàng loạt câu hỏi gây khó như “Bao giờ cưới?”, “Lương tháng bao nhiêu?” hay sự so sánh giữa con cháu đồng trang lứa dễ khiến không khí trở nên ngượng ngùng, căng thẳng.

Đối mặt với tình huống khó xử, nhiều người chọn cách ngó lơ, nói lảng sang chuyện khác. Số khác lại thích trả lời gay gắt nhằm nhanh chóng chấm dứt cuộc trò chuyện. Dù lựa chọn xử lý ra sao, họ vẫn dễ có cảm giác bị soi mói, kiểm soát, khiến ngày Tết trở thành nguyên nhân gây ra áp lực không đáng có.

Dưới đây là một số lời khuyên, giải pháp của tôi giúp bạn trẻ vượt qua áp lực gặp gỡ gia đình, họ hàng, cũng như giữ bầu không khí ấm cúng, thân tình cho dịp họp mặt đầu năm Quý Mão.

ap luc ho hang anh 1

Không quá khó để bạn trẻ có thể làm chủ cuộc trò chuyện với họ hàng dịp Tết. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Thăm hỏi hay tọc mạch?

Nỗi sợ lớn nhất của nhiều người trẻ có lẽ là những buổi "hỏi cung" dịp lễ Tết. Bằng cách này hay cách khác, chuyện cưới xin, thăng tiến, lương bổng của họ luôn trở thành đề tài bàn luận.

Vì sao vấn đề mang tính cá nhân thường trở thành nội dung trò chuyện mỗi khi gia đình quây quần?

Thói quen thăm hỏi vốn xuất phát từ văn hóa làng xã lâu đời của người Việt. Sự gần gũi, thân thiết của bà con, họ hàng sống gần nhau dẫn đến việc quan tâm một cách vô tư, thậm chí là thái quá. Nhiều người tin mình chỉ đang quan tâm chân thành chứ không phải tọc mạch, nhiều chuyện.

Họ tiếp tục đặt câu hỏi, bất chấp đối phương có thoải mái hay không. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi sự riêng tư được đặt lên hàng đầu, hành động này dễ dàng gây ra sự bối rối, khó chịu.

Bên cạnh đó, tiền bạc, sự nghiệp, tình duyên thuộc nhóm chủ đề được đặc biệt quan tâm trong đời sống. Nội dung này dường như xuất hiện trong bất kỳ dịp nào, chứ không riêng gì lễ Tết.

Do vậy, người trẻ nào cũng ít nhất một lần trong đời trải qua buổi "thẩm vấn" cùng gia đình, họ hàng. Sợ bị kiểm soát, họ luôn tìm cách thoái lui, trốn tránh dịp tề tựu.

Ngoài ra, cơn stress ngày Tết có thể đến từ việc so sánh giữa họ hàng trạc tuổi. Với người không đạt được thành tựu lớn lao theo tiêu chuẩn thông thường (chẳng hạn thăng chức, tăng lương), họ thường chán nản, lo âu kéo dài trước khi về gặp bà con. Cứ như vậy, dịp quây quần luôn là cơn ác mộng, thay vì mang đến niềm vui và sự ấm cúng như kỳ vọng.

Đừng căng thẳng

Tất nhiên, cảm giác bị người khác soi mói đời tư chưa bao giờ dễ chịu. Song, bạn nên tin rằng những lời thăm hỏi trên thực chất đến từ sự quan tâm. Sau một năm không gặp mặt, nhiều cô chú, anh chị đơn thuần chỉ muốn biết thêm thông tin về bạn.

Thậm chí, một số người còn dùng chúng như câu cửa miệng thông thường để bắt chuyện. Tuy nhiên, tâm lý “không cần câu nệ với người nhà”, cộng với một chút bia rượu, khiến họ thiếu tinh tế khi đặt vấn đề, dẫn đến mâu thuẫn ngoài ý muốn.

Ngoài ra, việc chưa có thành tựu gì quá to lớn để “khoe” đôi khi không nặng nề như chúng ta thường nghĩ. Mỗi người đều có định hướng sống và danh sách ưu tiên cho riêng mình.

ap luc ho hang anh 2

Bạn không cần lo âu, xấu hổ khi chưa có những thành tựu to lớn để "khoe" trong dịp họp mặt gia đình. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Chẳng hạn, ở độ tuổi 25-27, nhiều bạn trẻ xem tăng thu nhập, kết hôn là nhiệm vụ hàng đầu. Song, không ít cá nhân đồng trang lứa lại đặt mối quan hệ với bố mẹ và sức khỏe cá nhân lên trên hết. Vì vậy, chẳng cần phải xấu hổ, căng thẳng nếu điều bạn tập trung xây dựng không có điểm tương đồng với phần lớn họ hàng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể cân nhắc, chọn lọc một số câu hỏi, nhận xét của người thân để làm động lực phát triển. Bởi đôi khi, quá tự tin với sự khác biệt lại khiến chúng ta dễ bằng lòng, thiếu ý chí làm mới cuộc sống, cũng như tự tách mình ra khỏi mối quan hệ với bà con.

Thiết lập ranh giới

Có nhiều cách phản ứng với những câu hỏi khó mùa lễ Tết. Thông thường, mọi người sẽ ưu tiên phương án lảng tránh, ngó lơ nhằm hạn chế xung đột hay cảm giác xui xẻo ngày đầu năm. Vài bạn trẻ cá tính mạnh lại thích trả lời thẳng vào vấn đề, thể hiện rõ thái độ bất bình để chấm dứt buổi “tra khảo”.

Tôi cho rằng cả hai cách trên đều khó mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.

Nếu chỉ im lặng chịu đựng, bạn đã ngầm khiến họ hàng nghĩ rằng mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ. Những câu hỏi sẽ xuất hiện dồn dập và nặng tính riêng tư hơn. Ngược lại, cố đối đáp một cách đanh đá, “gây sốc” chỉ khiến tình hình thêm phức tạp.

Với bạn, dịp Tết có thể chỉ kéo dài vài ngày nên không phải bận tâm nếu bị đánh giá. Ngược lại, những nhận xét tiêu cực sẽ phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh gia đình, khiến bố mẹ gặp phiền phức khi con cái vắng nhà.

ap luc ho hang anh 3

Thay vì đốp chát hay chịu đựng, bạn trẻ nên chủ động thiết lập ranh giới cuộc trò chuyện. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Vì vậy, người trẻ cần giữ bình tĩnhchủ động thiết lập ranh giới. Trước những câu hỏi gây khó chịu, hãy “rào trước” với họ hàng bằng vài lời bông đùa hài hước.

Thậm chí, nếu phụ huynh không ý kiến, bạn có thể thử treo một tấm biển, chẳng hạn “Nhà có con gái lớn, vui lòng đừng bàn chuyện lấy chồng”. Đây sẽ là tín hiệu hài hước, mềm mại nhưng đủ rõ ràng, giúp khách khứa đến nhà lưu ý về ranh giới của cuộc trò chuyện.

Đồng thời, bạn dễ làm chủ tình hình bằng cách tự bắt chuyện, đặt câu hỏi cho họ hàng. Hãy hướng sự quan tâm của người lớn vào những chủ đề mà các bạn cảm thấy thoải mái, ví dụ phong cách ăn mặc, mỹ phẩm hay công nghệ. Hiển nhiên, thời sự, chính trị hay tôn giáo là nội dung cần bị hạn chế nhằm giữ hòa khí đầu năm.

Đặc biệt, chúng ta cần thực sự tin vào giá trị bản thân, cũng như tự hào về những điều mình đã làm được trong thời gian qua. Bởi dẫu cảm thấy không hài lòng với năm trước, chắc chắn bạn vẫn có một số thành công nho nhỏ đáng được trân trọng. Khi định vị bản thân một cách đúng đắn, bạn hoàn toàn có thể khiến mọi người tôn trọng quan điểm và quyết định của mình trong tương lai.

Cuối cùng, tôi hiểu sẽ rất khó để lớp trẻ thay đổi nhanh chóng tư duy và cách hỏi chuyện của bậc cha chú. Do đó, chúng ta cứ tin rằng đây chỉ là một kiểu quan tâm, hoan hỉ bỏ qua nếu vấn đề không quá gay gắt.

Quan trọng hơn cả, hãy tập trung sự quan tâm vào những người thân yêu. Bởi Tết Nguyên đán là cơ hội đặc biệt, hiếm hoi để bạn và họ gần gũi, chăm sóc lẫn nhau và tạo nên bầu không khí gia đình đầm ấm.

'Giải oan' cho Gen Z

Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.

Hồng Anh

Theo: ZINGNEWS.VN


Kinh doanh (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Kinh doanh (Tin mới)
Kinh doanh (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05