Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Các nước nhấn mạnh phát triển xanh tại Hội nghị Cấp cao Đông Á

13/11/2022 (13:57:00)

Các lãnh đạo Hội nghị Cấp cao Đông Á nhấn mạnh cần hoàn tất soạn thảo Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2027 với ưu tiên cho nỗ lực phục hồi, phát triển xanh và bền vững.

(Từ trái sang) Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah. Ảnh: Dương Giang.

Sáng 13/11, tại Phnom Penh, Campuchia, trong khuôn khổ chương trình làm việc của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 17, cùng lãnh đạo các nước ASEAN và các Đối tác EAS gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ và tổng thư ký ASEAN.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được mời trình bày về hợp tác bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng.

Ba ưu tiên

Tại Hội nghị, lãnh đạo ASEAN và các Đối tác EAS đánh giá cao vai trò của EAS với tư cách là diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại về các vấn đề chiến lược, bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Các nước nhất trí cần thúc đẩy EAS phát huy hơn nữa khả năng thích ứng trước ngày càng nhiều thách thức.

Các lãnh đạo EAS cũng nhấn mạnh cần hoàn tất soạn thảo Kế hoạch hành động EAS giai đoạn tiếp theo 2023-2027, phù hợp với tình hình mới, tập trung ưu tiên cho các nỗ lực phục hồi, phát triển xanh và bền vững.

Các nước nhất trí tăng cường phối hợp thúc đẩy phục hồi toàn diện, nhất là nâng cao năng lực tự cường y tế, phục hồi kinh tế, đẩy mạnh giao thương, ổn định chuỗi cung ứng và sản xuất, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi số và các lĩnh vực liên quan phát triển bền vững.

World Cup anh 1

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang.

Các nước đề cao trách nhiệm bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Các Đối tác EAS bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp tiếp diễn tại Myanmar, khẳng định ủng hộ vai trò và nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp sớm ổn định tình hình.

Chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên, ASEAN bày tỏ ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, sẵn sàng đóng vai trò xây dựng, tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên liên quan tại các cơ chế do ASEAN chủ trì.

Về xung đột tại Ukraine, các nước nhấn mạnh các khác biệt, bất đồng cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và luật pháp quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh phục hồi kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sự hiện diện đông đủ của các lãnh đạo EAS tại Hội nghị lần này là một thành công lớn.

Với sứ mệnh là diễn đàn chiến lược hàng đầu, EAS mang đến cơ hội để cùng tìm ra các giải pháp lâu dài, bền vững cho các vấn đề đang nổi lên hiện nay, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung.

Định hướng hợp tác EAS thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên đẩy mạnh phục hồi kinh tế dựa trên phát triển bền vững, giao thương thông thoáng và bảo đảm các chuỗi cung ứng thông suốt.

World Cup anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị EAS sáng 13/11. Ảnh: Dương Giang.

ASEAN mong các Đối tác EAS hỗ trợ ASEAN thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, đảm bảo an ninh năng lương, an ninh lương thực, an ninh thông tin, triển khai hiệu quả cam kết phát triển xanh và bền vững.

Thủ tướng đề nghị các Đối tác EAS ủng hộ các nỗ lực của ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mekong, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững, bao trùm và toàn diện.

Thủ tướng khẳng định ASEAN sẵn sàng làm “trung gian tin cậy” cùng các Đối tác EAS tham vấn, đối thoại, cùng tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, bền vững và lâu dài cho các thách thức an ninh hiện nay, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nâng cao hiểu biết, tin cậy, đối thoại và hợp tác.

Để định hình và củng cố hệ thống quốc tế và cấu trúc đa phương hiệu quả, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế, tạo nền tảng cho hòa bình lâu dài và bền vững, ASEAN sẽ tiếp tục cùng các đối tác đề cao chủ nghĩa đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế, trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và tham vấn đầy đủ với ASEAN.

Chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, đề nghị các nước cùng nhau xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, giải quyết hòa bình các mâu thuẫn, kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước EAS ủng hộ nỗ lực sớm đạt được Bộ COC hiệu lực, hiệu quả, công bằng và hợp lý với mọi bên có liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Thủ tướng đề nghị các Đối tác EAS ủng hộ ASEAN thực hiện Đồng thuận 5 điểm, hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp ổn định tình hình.

World Cup anh 3

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Dương Giang.

Chuyển giao ghế chủ tịch ASEAN

Ngay sau Hội nghị Cấp cao EAS17, lãnh đạo các nước đã tham dự Lễ Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, và Lễ chuyển giao Chủ tịch ASEAN từ Campuchia sang Indonesia.

Trong phát biểu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2023, tổng thống Indonesia thông báo chủ đề của năm ASEAN 2023 là “ASEAN Matters: The Epicentrum of Growth” (Tạm dịch: ASEAN Tầm vóc - Tâm điểm của Tăng trưởng).

Tổng thống Indonesia đồng thời chia sẻ một số ưu tiên mà Indonesia sẽ thúc đẩy trong năm 2023 về xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, củng cố đoàn kết và phát huy vai trò và vị thế của ASEAN ở khu vực và toàn cầu.

Các Hội nghị Cấp cao đã khép lại sau 4 ngày làm việc, đánh dấu một năm thành công của ASEAN trên tinh thần “ASEAN Hành động - Cùng ứng phó thách thức”, tạo tiền đề và động lực để ASEAN tiếp tục ghi các dấu ấn thành công mới trong những năm tiếp theo.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia tích cực vào mọi hoạt động, góp phần vào thành công chung của các Hội nghị, thể hiện nhất quán sự ủng hộ của Việt Nam đối với Chủ tịch ASEAN 2022 Campuchia cũng như tích cực phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm đối với công việc chung của ASEAN.

Trong chiều 13/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Phnom Penh về nước, kết thúc thành công chuyến công tác thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.

Những cuốn sách nên đọc về ASEAN

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Hoài Thu và Quốc Đạt

từ Phnom Penh

Theo: ZINGNEWS.VN


Thế giới (Tin trước)