Call +84.99.6656.999 for ADS 01

'Sẽ có chính sách đặc biệt phát triển nhà ở xã hội'

03/11/2022 (14:56:25)

Người đứng đầu ngành xây dựng cho biết Bộ đang thúc đẩy các chính sách đặc biệt phát triển nhà ở xã hội. Hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đang trình Thủ tướng xem xét.

  • Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn về nhóm vấn đề quy hoạch, thị trường bất động sản, xây dựng nhà ở xã hội.
  • Phó thủ tướng Lê Văn Thành, một số bộ trưởng có liên quan tham gia trả lời chất vấn và giải trình thêm.
  • Phân cấp thẩm định các dự án nhóm B

    Đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) đặt vấn đề tại sao xây dựng nhà từ 24 tầng trở lên phải do Bộ Xây dựng cấp phép, trong khi các nước khác cho phép những đơn vị tư nhân có đủ điều kiện và năng lực cấp phép. Đại biểu cũng nhấn mạnh hiện nay Bộ Xây dựng chỉ có một đơn vị thực hiện thủ tục này. Do đó, đại biểu mong Bộ trưởng Xây dựng cho biết thời gian tới có giải pháp cho phép các đơn vị ngoài Bộ Xây dựng có đủ điều kiện và năng lực thẩm định hay không.

    Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định Bộ chỉ chịu trách nhiệm thẩm định các công trình dân dụng đặc biệt, còn lại đã phân cấp toàn diện cho cơ quan chuyên môn ở các địa phương và các bộ, ngành khác. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình triển khai các dự án, cũng như tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, trong dự thảo sửa đổi các luật đang xin ý kiến, Bộ Xây dựng đã đề xuất tiếp tục phân cấp cho cơ quan chuyên môn ở các địa phương thẩm định công trình nhóm B, cấp 2 trở xuống.

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nhóm công trình này hiện chiếm đến 61% tổng số hồ sơ đang được Bộ Xây dựng giải quyết. Do đó, khi quy định này được ban hành chính thức sẽ giảm đáng kể lượng hồ sơ thẩm định. Thời gian tới, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa các thủ tục thẩm định liên quan, thiết kế kỹ thuật để đảm bảo cái cách hành chính, tăng cường quản lý nhà nước cũng như đảm bảo chất lượng an toàn công trình.

    bo truong bo xay dung,  xay nha xa hoi anh 1

  • Khắc phục tính hình thức trong lấy ý kiến dân cư về quy hoạch

    Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Xây dựng về bất cập trong việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể và giải pháp khắc phục tính hình thức trong việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch.

    Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận việc lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động về công tác quy hoạch cũng là một hạn chế. Ông cho biết Bộ Xây dựng sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn, đề xuất sửa đổi luật quy hoạch đô thị và nông thôn theo hướng làm rõ hơn trình tự tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, hoàn thiện quy trình thẩm định quy hoạch, trong đó có việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động và các cơ quan.

    bo truong bo xay dung,  xay nha xa hoi anh 2

  • Sẽ có chính sách đặc biệt phát triển nhà ở xã hội

    Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động thu nhập thấp, tuy nhiên giá NOXH hiện nay ở mức cao, bình quân trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu đồng/m2. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng lý giải nguyên nhân, đồng thời cho biết có thể đưa giá nhà ở xã hội về mức thu nhập của công nhân hay không.

    “Nếu được thì giải pháp như thế nào, trong thời gian bao lâu?”, đại biểu Kon Tum chất vấn.

    Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận mục tiêu phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân do chưa đảm bảo được nguồn cung, đồng thời quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Mặt khác, nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư chưa thực sự thu hút.

    Đồng thời, quá trình, thủ tục tổ chức thực hiện còn phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đủ, từ đó khiến giá nhà còn cao so với thu nhập của đối tượng.

    Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về sửa đổi các luật liên quan, qua đó cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội với nhiều chính sách ưu đãi. Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng nếu thực hiện được đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đang trình Thủ tướng xem xét phê duyệt thì nguồn cung và giá nhà ở xã hội sẽ phù hợp hơn.

  • Bộ trưởng lý giải 5 nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị

    Đại biểu Trần Văn Lâm (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) chất vấn Bộ trưởng xây dựng về giải pháp cho tình trạng ngập úng đô thị và tắc nghẽn giao thông khi mật độ dân cư quá đông. Theo ông Lâm, tình trạng ngập úng đô thị xảy ra khắp nơi, từ núi cao đến ven biển, hay như Hà Nội cũng “mưa là lụt, không mưa cũng ngập”. Trong khi đó, kẹt xe, tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng và chưa thấy có lối ra.

    Trả lời chất vấn, Bộ trưởng xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận việc này chưa được giải quyết căn bản, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra thực trạng này, Bộ trưởng Nghị “điểm tên” 5 nguyên nhân chính gồm: Biến đổi khí hậu; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến dịch tích bề mặt bê tông tăng nhanh, thoát nước giảm; quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, đảm bảo tầm nhì; các dự án thoát nước còn hạn chế và nguồn lực đáp ứng hạ tầng đô thị còn chưa được làm rõ.

    Về giải pháp, ông Nghị cho biết Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch bằng cách rà soát, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp, khả thi. Trong quy hoạch, cũng sẽ tính tới biến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết hợp quy hoạch thủy lợi với đầu tư hệ thống hạ tầng cho đô thị. Bên cạnh đó, ông Nghị nhấn mạnh siết chặt khâu quản lý từ công tác quy hoạch từ cấp phép đến thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

    Điều hành phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ trưởng Xây dựng cần phân chia thời gian cho các vấn đề hợp lý để trả lời hết. Ông Phương nhắc lại câu hỏi của đại biểu Lâm về tắc nghẽn giao thông vẫn chưa được giải đáp.

    bo truong bo xay dung,  xay nha xa hoi anh 3

  • Đang thiếu gần 5 triệu m2 nhà ở xã hội

    Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) về vấn đề phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng dù đạt được những kết quả ban đầu, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng kỳ vọng. Đến nay cả nước mới có 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội trong khi yêu cầu là 12,5 triệu m2. Quỹ đất cho nhà ở xã hội cũng chỉ đáp ứng được 36,34%.

    Lý giải kết quả trên, Bộ trưởng cho rằng quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc cần nghiên cứu và sửa đổi bổ sung, đặc biệt là Luật Nhà ở và các luật khác liên quan.

    “Cần sửa đổi các nội dung như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội; xác định giá nhà ở xã hội trước khi giao dịch; các ưu đãi cho chủ đầu tư dự án; quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành diện tích tối thiểu 20% để cho thuê; chưa có quy định cho phép các tổ chức doanh nghiệp hợp tác, hợp tác xã được mua, thuê mua nhà ở xã hội”, Bộ trưởng nêu.

    Ngoài ra, việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, ngân hàng chính sách xã hội mới bố trí được 35% so với nhu cầu. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng cũng chưa được bố trí.

    Bên cạnh đó, một số địa phương cũng chưa chú trọng, quan tâm vào hoạt động liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho rằng các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.

    bo truong bo xay dung,  xay nha xa hoi anh 4

  • Sẽ có chế tài với chủ đầu tư chậm bàn giao hạ tầng

    Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) chất vấn hiện nay có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị sau thời gian sử dụng thì hạ tầng như vỉa hè, đường xá... xuống cấp, nhưng không thể nâng cấp vì chưa bàn giao cho chính quyền. Nhà nước chưa nâng cấp được còn chủ đầu tư thì bỏ bê. Đại biểu đặt câu hỏi vấn đề này có thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng hay không, nếu có thì sẽ được giải quyết như thế nào và khi nào.

    Trả lời, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết những năm gần đây nhiều địa phương đã phát triển các khu nhà ở, khu đô thị khác nhau cả về quy mô lẫn chất lượng hạ tầng, tạo ra nhiều đô thị đồng bộ. Tuy nhiên, ông thừa nhận nhiều dự án đến nay vẫn chưa bàn giao hạ tầng kĩ thuật cho địa phương, một số chưa bàn giao đã xuống cấp.

    Theo Bộ trưởng, có 4 nguyên nhân chính của vấn đề này. Thứ nhất là quy định pháp luật về xây dựng đô thị trước 2021 mới chỉ có quy định mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể nên việc bàn giao còn lúng túng. Thứ hai, các dự án có nhiều phân kỳ kéo dài nên chủ đầu tư chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật để chờ hoàn thành, trong khi đó hạ tầng từ thời kì đầu xuống cấp.

    Thứ ba, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng một số chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trước khi bàn giao, dẫn đến chất lượng hạ tầng còn kém. Thứ tư, nguồn lực của chính quyền cả về nhân lực lẫn vật lực đều chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, do đó chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng hạ tầng.

    Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng pháp luật liên quan. Trong đó, tiếp tục rà soát để quy định rõ hơn việc chủ đầu tư phải đề xuất phương án bàn giao ngày từ khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc khi lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng phải có trách nhiệm hơn trong việc đốc thúc chủ đầu tư.

    Song song đó, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất sửa đổi các nghị định thuộc phạm vi quản lý, trong đó có vấn đề bàn giao hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, việc xử phạt hành chính tương ứng khi không tuân thủ cũng sẽ được đề xuất sửa đổi.

    bo truong bo xay dung,  xay nha xa hoi anh 5

  • 72 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Xây dựng

    Phát biểu mở đầu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Xây dựng đã luôn nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được phân công theo chức năng, nhiệm vụ. Song bên cạnh đó, ông thừa nhận vẫn còn những hạn chế, tồn tại và những kết quả chưa được như mong muốn.

    “Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình về các hạn chế, tồn tại này; đã và đang thực hiện kế hoạch để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm sớm khắc phục các hạn chế tồn tại của toàn ngành và của Bộ Xây dựng”, ông Nghị nói và cho biết sẵn sàng lắng nghe chất vấn của đại biểu Quốc hội.

    Điều hành phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết đã có 72 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Xây dựng.

    bo truong bo xay dung,  xay nha xa hoi anh 6

  • 4 nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị

    Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

    Quản lý thị trường bất động sản; Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.

    Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

    Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Nhóm phóng viên

Theo: ZINGNEWS.VN


Kinh doanh (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Kinh doanh (Tin mới)
Kinh doanh (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05