Call +84.99.6656.999 for ADS 01

'Ưu đãi đủ mạnh để thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công'

05/11/2022 (12:02:00)

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã dành khoảng 20 phút sáng 5/11 để trả lời về ba nhóm vấn đề lớn: Tự chủ của đơn vị sự nghiệp; giảm biên chế viên chức và thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công. Cùng trả lời còn có Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.

Cách nào thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công?

Đại biểu Trần Thu Hằng (Đăk Nông) đặt vấn đề về hạn chế, bất cập trong thực hiện Nghị định 140 về thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học giỏi vào khu vực công. "Giải pháp của trưởng ngành Nội vụ để khắc phục bất cập, thu hút được nhiều hơn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công là gì?", bà Hằng hỏi.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo kết luận 86 của Bộ Chính trị thì mục tiêu tới năm 2020 thu hút 1.000 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 140. Nhưng thực tế gần 4 năm qua mới thu hút được 258 người, tức đạt 1/4 mục tiêu, trong đó Trung ương 130 người, còn lại ở địa phương. "Chính sách tương đối tốt, nhưng chưa thu hút được nhiều sinh viên, cán bộ giỏi về làm việc ở khu vực công", bà Trà nói.

Nguyên nhân là niều bộ ngành, địa phương chưa quyết tâm tuyển dụng cán bộ theo Nghị định 140. Bộ Nội vụ đã tuyển được 17 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và đều làm việc rất tốt, tiếp cận công việc nhanh. "Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, nổi trội. Nếu các cơ quan, đơn vị quan tâm tuyển dụng đối tượng này thì đây là nguồn cán bộ tốt cho nền công vụ", bà khẳng định.

Giải pháp tới đây, bà Trà cho rằng cần đánh giá lại chính sách này. Khi xây dựng nghị định hướng dẫn đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu đưa ra chính sách tốt hơn, đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. "Tất nhiên không thể so sánh với khu vực tư nhưng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao đưa ra cần đặc thù, ưu đãi và đủ mạnh, môi trường làm việc tốt để công chức tuyển dụng phát huy tài năng. Đây là điều chúng tôi trăn trở và sẽ thúc đẩy thời gian tới", Bộ trưởng Trà chia sẻ.


5a1cdce95df29bacc2e3-166761202-4743-3060

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng



Vì sao tự chủ của đơn vị sự nghiệp khó khăn?

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nêu thời gian qua, việc tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên chỉ đạt 6,6%. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để thực hiện hiệu quả tự chủ?

Bộ trưởng Trà cho biết, việc tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục đại học đang được đặc biệt quan tâm. Đây là chủ trương lớn, thể hiện xuyên suốt từ nhiều nhiệm kỳ, mới nhất là Nghị quyết 19 của Trung ương và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thời gian qua, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt kết quả nhất định, giúp thay đổi tư duy để hoàn thiện hệ thống thể chế. Đến nay, số đơn vị tự chủ toàn phần đạt 18,7% trên 47.000 đơn vị sự nghiệp công lập, chưa đạt mục tiêu tinh thần Nghị quyết 19. Việc tự chủ tại các đơn vị giáo dục đại học còn nhiều bất cập, chủ yếu ở vướng mắc trong thể chế.

Tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực y tế còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là hệ thống thể chế chưa đồng bộ. Quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế cũng chưa hoàn thiện. Trong khi đó, ngành y tế năm qua bị ảnh hưởng rất nặng nề do dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ tham mưu Chính phủ có hội nghị đánh giá căn cơ, sơ kết 5 năm tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp. Đây sẽ là dịp quan trọng để Thủ tướng chỉ đạo toàn diện bộ ngành quan tâm đến tự chủ. Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu để tham mưu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo thực hiện tốt việc tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tham gia trả lời về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 thay thế Nghị định 16, xác định tự chủ một phần hoặc toàn diện.

Việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp nhằm hoàn thiện danh mục tự chủ, xác định nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn khác. Danh mục tự chủ thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước đảm bảo dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ dịch vụ cơ bản; còn dịch vụ đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho đơn vị ngoài công lập tham gia.


Ho-Duc-Phoc-7-2022-1-jpeg-2601-166761126

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Media Quốc hội



Trước đây, các đơn vị được thí điểm tự chủ toàn phần, nhưng thực tế huy động nguồn lực tài chính, liên doanh - liên kết... gặp khó khăn, như trường hợp Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai... Vì thế, các đơn vị này xin thôi không tự chủ toàn phần, chuyển sang tự chủ một phần - tức là họ sẽ tự chủ chi thường xuyên, còn chi đầu tư (mua sắm thiết bị, trụ sở mới) thì ngân sách sẽ chi.

"Việc này hợp lý. Từ tự chủ chi thường xuyên, khi có nguồn thu ổn định thì tự chủ toàn bộ, như vậy chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên, phục vụ người dân tốt hơn", ông Phớc nói. Một số chính sách liên quan đến vấn đề tự chủ sẽ được hoàn thiện thời gian tới, đơn cử chính sách về đất đai. Khi sửa Luật Đất đai, quy định các đơn vị sự nghiệp công lập có cần nộp tiền thuê đất hay không sẽ được bàn thảo.

Do vẫn còn đại biểu thắc mắc về tự chủ tại chính, Bộ trưởng Tài chính lần thứ hai trong sáng nay được đề nghị trả lời. Bộ trưởng Phớc cho biết cơ chế tự chủ là tăng tính chủ động, sáng tạo và tự quyết của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn thì trả lương theo kết quả lao động; nếu tự chủ một phần thì lương cho cán bộ, người lao động sẽ trả theo quy định, số tiền còn lại đưa vào Quỹ thu nhập để hưởng cuối năm và tái đầu tư cơ sở vật chất.

Với các đơn vị tự chủ một phần, tức là chưa thu hút được nguồn lực tài chính bên ngoài ngân sách, thì Nhà nước phải đảm bảo để họ có nguồn đổi mới trang thiết bị, công nghệ và quan trọng hơn là giữ được người giỏi trong hệ thống. Tức là phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ công tốt nhất phục vụ người dân.

Ông ví dụ, bệnh viện công lập thường phục vụ người dân thu nhập thấp, người nghèo nên giá dịch vụ vừa phải, giá chụp X-quang chỉ 45.000 đồng, nhưng cũng dịch vụ này ở bệnh viện tư có thể lên tới 500.000 đồng - mức này người thu nhập thấp không thể chi trả.

Theo Bộ trưởng, cần thiết kế cơ chế để giữ chân được người tài, người giỏi làm việc ở khu vực công, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế - hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất. "Hai lĩnh vực này phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, học tập của người dân, xã hội. Khi xây dựng cơ chế tự chủ cần thận trọng, chắc chắn, và tránh làm theo phong trào", ông Phớc nêu quan điểm.

Trước quan điểm cho rằng, phục vụ công cũng như tư, miễn là đóng góp cho xã hội, ông Phớc nói "cần có chính sách tốt để giữ lực lượng tinh hoa nhất, nhất là trong giáo dục, y tế để phục vụ người dân tốt hơn". Các nước trong khu vực ASEAN đưa ra chính sách trả lương cho công chức nhà nước cao hơn nhiều so với khu vực ngoài nhà nước để giữ chân người giỏi - lực lượng kiến tạo chính sách và quản lý nhà nước tốt nhất, thúc đẩy nền tảng phát triển.

Làm sao khắc phục việc tinh giản biên chế cơ học, cào bằng?

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) và Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nói việc tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế, do tỷ lệ biên chế hai ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của địa phương. Trong khi các tỉnh miền núi biên giới với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng có giải pháp gì để chia sẻ và hướng dẫn các địa phương trong thời gian tới?

"Bộ trưởng khẳng định rằng việc cào bằng chỉ tiêu giảm 10% biên chế dẫn đến nhiều hạn chế và có ý kiến cho rằng cần thống nhất phân bổ tỷ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2022-2026 theo hướng chia theo từng vùng, miền và không cào bằng, đề xuất đối với các tỉnh miền núi biên giới tỷ lệ tinh giản từ 3 đến 5%. Bộ trưởng quan điểm thế nào về ý kiến này?", bà Hương chất vấn.


041120220541-vuong-thi-huong-h-5532-5414

Đại biểu Vương Thị Hương. Ảnh: Media Quốc hội



Bộ trưởng Trà cho biết, theo quyết định của Bộ Chính trị, các địa phương giảm 5% công chức và 10% viên chức cho cả giai đoạn 2022-2026. Tuy nhiên, việc này có căn cứ vào đặc thù từng vùng miền. Nhiều địa phương đang bị nhầm lẫn việc giảm biên chế viên chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

"Chúng ta không cắt giảm biên chế viên chức mà giảm viên chức hưởng lương ngân sách. Các địa phương miền núi có khó khăn hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về quản lý biên chế để tháo gỡ. Trước mắt, các địa phương chấp hành theo quyết định của Bộ Chính trị", Bộ trưởng nói.

Về giải pháp khắc phục tình trạng tinh giản biên chế cơ học, xây dựng nền công vụ tinh gọn, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp luật, thay thế nghị định cũ đảm bảo thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế.

Cùng đề cập đến việc tinh giản biên chế, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm đổi mới chất lượng công vụ, tiết kiệm chi ngân sách tạo nguồn lực cải cách tiền lương. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các biện pháp tinh giản biên chế theo đúng lộ trình. Đến năm 2021, đã giảm 27.530 biên chế công chức, đạt 10%; giảm 236.366 biên chế viên chức, đạt 11%.

"Tuy nhiên, tinh giản biên chế còn mang tính cơ học, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ", Phó thủ tướng nói và cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư. Chính phủ rất quan tâm bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế để đảm bảo nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên, có bệnh nhân phải có bác sĩ.

Khép lại phần chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết đã có 31 đại biểu đặt câu hỏi, 3 người tranh luận, còn 70 đại biểu đăng ký chất vấn và một người đăng ký tranh luận. Những đại biểu chưa chất vấn và tranh luận tại hội trường được đề nghị gửi ý kiến đến Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp, chuyển Bộ trưởng Nội vụ và cơ quan liên quan trả lời.


Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh:Phạm Thắng

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: Phạm Thắng



Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cả đại biểu và Bộ trưởng. Tuy là lần đầu trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn, cầu thị và đề xuất được nhiều giải pháp góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai hiệu quả các giải pháp sắp xếp đơn vị hành chính; tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập...

Viết Tuân - Sơn Hà - Hoài Thu

Xem diễn biến chính

Theo: VNEXPRESS.NET



Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Thời sự (Tin mới)
Thời sự (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05