Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Vụ đất vàng Bà Triệu: Lời khai mâu thuẫn giữa cựu cán bộ sở và bị hại

18/04/2023 (22:50:55)

Tại phiên tòa, bị cáo Lương Thế Hiển đưa ra nhiều lời khai mâu thuẫn với bị hại và vợ ông trong vụ tranh chấp đất vàng trăm tỷ trên phố Bà Triệu.

Bị cáo Lương Thế Hiển tại tòa. Ảnh: H.V.

Chiều 18/4, phiên tòa xét xử bị cáo Lương Thế Hiển (63 tuổi, cựu Phó chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) và vợ là Nguyễn Thị Liên (63 tuổi) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tiếp tục phần xét hỏi.

"Bị hại chưa đóng đồng nào"

HĐXX tập trung vào các vấn đề mấu chốt xoay quanh hợp đồng hợp tác kinh doanh và biên bản thanh lý hợp đồng được ký giữa Liên và ông Nguyễn Thanh Thủy (SN 1972, trú quận Đống Đa, Hà Nội, bị hại trong vụ án).

Hiển cho biết bản thân và vợ đã ly thân vì không chung sống được với nhau. Về việc để bị cáo Liên đứng tên hợp đồng hợp tác kinh doanh, Hiển cho biết do về mặt pháp lý, cả hai là vợ chồng nên ai ký tên cũng được. Trước câu hỏi cả bị cáo Liên và ông Thủy đều cho rằng hợp đồng hợp tác kinh doanh là không thật, Hiển cho rằng hợp đồng này là đúng 100%, có văn phòng luật sư ký và đóng dấu.

Trong khi đó, ông Thủy khai không có việc hợp tác kinh doanh và giao nhận số tiền 200 tỷ đồng góp vốn và chuyển nhượng lại vốn đã góp để đầu tư mua 3 khu đất giữa ông với vợ chồng Hiển. Mục đích ký hợp đồng hợp tác kinh doanh và biên bản thanh lý hợp đồng là để hợp thức hồ sơ giấy tờ nhờ Hiển đứng tên giúp Thủy làm các thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, chuyển đổi đất sử dụng chung và gộp các sổ đỏ nhà đất được thuận lợi, nhanh chóng. Ông Thủy thỏa thuận trả tiền công dịch vụ cho ông Hiển 7 tỷ đồng.

Chủ tọa chỉ ra điểm mâu thuẫn: Theo biên bản thanh lý hợp đồng, sau khi ký kết, Hiển và Liên có nghĩa vụ thanh toán cho ông Thủy 50% giá trị hợp đồng, tương đương với 100 tỷ đồng, vậy tại sao sau đó, ông Thủy lại tiếp tục đưa 26 tỷ để mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.

Về vấn đề này, bị cáo Hiển nói thực chất đến giờ phút này, ông Thủy “chưa đóng một xu nào” để mua 3 khu đất theo thỏa thuận. Sau khi Thủy ký hợp đồng hợp tác, Hiển ứng cho Thủy 100 tỷ đồng để mua 11 sổ đỏ và toàn bộ lối đi chung của các hộ gia đình. Sau khi mua, ông Thủy nói với Hiển em trai bị bắt, gia đình bị liên lụy nên xin rút vốn vì không có tiền đóng góp nữa nên Hiển đồng ý.

dat vang Ba trieu anh 1

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Ảnh: H.V.

Theo Hiển, ông Thủy yêu cầu bị cáo thanh lý hợp đồng bằng giấy tờ. Sau khi thanh lý hợp đồng xong, Hiển mua lại vốn góp 100 tỷ. Hiển khai, sau khi nhận số tiền này, ông Thủy có nghĩa vụ mua và hoàn thiện các thủ tục còn lại. HĐXX nhận định, tình tiết như Hiển khai là mâu thuẫn.

Về phần mình, ông Thủy cho rằng lời khai của bị cáo Hiển rất vô lý, mâu thuẫn. “Anh Hiển làm ở Sở TN&MT, là người sành sỏi về giấy tờ, biết mua bán thì sao phải thuê tôi, như này hóa ra tôi là người làm công cho anh Hiển. Không thể có chuyện tôi nhận 100 tỷ để mua 3 khu đất, rồi chỉ báo mà anh Hiển chuyển tiếp cho tôi 100 tỷ, có nghĩa tôi đang được công không 100 tỷ là rất vô lý”, ông Thủy nói.

Hiển khai tiếp, sau khi ông Thủy rút vốn và bàn giao toàn bộ khu nhà, Hiển nhờ ông Thủy bán nhà, nhưng Thủy không bán được. Do vậy, việc Hiển bán nhà cho ông Lê Hải An là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật.

Về 26 tỷ đồng, ông Thủy đóng góp, Hiển cho biết số tiền này nằm trong 100 tỷ Hiển đưa cho Thủy để hoàn tất các thủ tục mua 3 khu đất. Theo Hiển, số tiền 200 tỷ đưa cho ông Thủy là của riêng bị cáo, không liên quan đến bị cáo Liên. Khi được hỏi về lời khai của Hiển, ông Thủy cho biết bị cáo Hiển dựng đứng 100% mọi chuyện.

Đại diện VKS đặt câu hỏi về 7 tỷ tiền dịch vụ ông Thủy giao cho Hiển trước khi sang tên sổ đỏ. Hiển khai chỉ biết ông Thủy gọi điện nói đưa tiền đến nhà, Liên xác nhận với chồng có người mang tiền đến, nhưng không cầm số tiền. Còn Hiển cũng không nhìn thấy hay nhận số tiền này. Tuy nhiên, Hiển khẳng định đây không phải tiền dịch vụ và không có lời nào ông Thủy đề nghị về số tiền đó.

3 lô đất vàng

Cáo trạng được đại diện VKS công bố sáng nay xác định 3 thửa đất liền kề tại số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu có tổng diện tích hơn 676 m2, là nhà thuê ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Nơi đây cho 14 hộ dân thuê ở, trong đó diện tích nhà cũ đã được bán và cấp 11 sổ đỏ cho 11 hộ dân với tổng diện tích 308 m2.

Từ tháng 5 đến tháng 9/2017, ông Nguyễn Thanh Thủy mua gom được 11 nhà đất nêu trên. Cuối năm đó, ông Thủy muốn mua nốt phần diện tích còn lại để gộp làm sổ đỏ chung. Do quy định pháp luật không cho phép mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, ông Thủy nhờ người quen là bị cáo Lương Thế Hiển (khi đó vừa nghỉ hưu) giúp đỡ với tiền công 7 tỷ đồng.

Cáo trạng cho thấy để hợp thức việc nhờ người đứng tên làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, ông Thủy và bị cáo Hiển thống nhất dùng hợp đồng giả cách hợp tác kinh doanh. Đầu tháng 10/2017, ông Thủy và bị cáo Liên (vợ ông Hiển) ký hợp đồng hợp tác đầu tư mua khu đất trên tổng giá trị 200 tỷ đồng, mỗi bên góp 100 tỷ đồng. Hợp đồng và các biên bản liên quan thể hiện ông Thủy đồng ý chuyển nhượng 50% cổ phần cho ông Hiển, tương đương 100 tỷ đồng vốn đã góp để mua 3 lô đất vàng ở phố Bà Triệu.

Ngoài ra, ông Thủy cũng viết giấy biên nhận ghi đã nhận 100 tỷ đồng của vợ chồng bị cáo Hiển. Sau đó, anh Thủy thanh toán hơn 26,5 tỷ đồng để mua phần tổng diện tích nhà ở cũ là gần 166 m2 tại số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu đứng tên vợ chồng ông Hiển.

VKS cho rằng sau khi giúp ông Thủy đứng tên hoàn tất các thủ tục mua tài sản, vợ chồng bị cáo đứng tên sổ đỏ nên đã chiếm đoạt các lô đất trên, không trả lại cho đối phương mà bán toàn bộ tài sản cho ông Lê Hải An (con trai ông Lê Thanh Thản).

Khi giao dịch, ông An đã chuyển gần 320 tỷ đồng cho vợ chồng cựu phó chánh văn phòng Sở TN&MT Hà Nội. Tuy nhiên, các hợp đồng công chứng giữa năm 2018 về việc mua bán giữa ông Hiển, bà Liên và ông An ghi tổng giá trị chuyển nhượng 3 lô đất vàng là 30 tỷ đồng, thấp hơn gần 300 tỷ đồng so với số tiền thực tế đã giao dịch.

Theo lời khai của bà Liên, việc ký các hợp đồng, biên bản là do chồng nhờ ký, bị cáo không đọc, không tham gia hay trao đổi việc mua bán nhà đất. Sau khi ông Lê Hải An chuyển tiền, bà Liên đã rút để đưa cho chồng. Nữ bị cáo cho rằng dù là vợ chồng, song bà và ông Hiển độc lập về kinh tế, không liên quan tài chính của nhau.

Còn ông Hiển phủ nhận các cáo buộc khi cho rằng việc hợp tác đầu tư mua gom 3 lô đất với ông Thủy là có thật. Ông Hiển cũng khai cùng vợ 3 lần chuyển tổng số tiền 200 tỷ đồng như nội dung các giấy nhận tiền ông Thủy đã ký. Tuy nhiên, VKS xác định có đủ căn cứ kết luận vợ chồng bị cáo đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 3 lô đất vàng của ông Thủy.

Phiên tòa kéo dài trong 2 ngày 18-19/4.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Theo: ZINGNEWS.VN


Pháp luật (Tin trước)