09/12/2022 (15:34:52)
Với những khát khao không thể hiện thực hóa, nhiều người trẻ Hàn Quốc yêu thích thể loại phim trở lại quá khứ và tái sinh như một cách mơ đến “nút thiết lập lại” cho cuộc sống.
Bộ phim “Reborn Rich” được chuyển thể từ webtoon nổi tiếng với yếu tố xuyên không, tái sinh. Ảnh: Naver, JTBC. |
Reborn Rich (Cậu út nhà tài phiệt) là bộ phim truyền hình ăn khách của đài JTBC, đạt tỷ suất người xem 19,4% sau 3 tuần lên sóng. Đây cũng là chương trình được xem nhiều nhất ở thị trường châu Á chỉ 10 ngày sau khi phát hành, theo Korea JoongAng Daily.
Được chuyển thể từ webtoon (truyện tranh mạng) cùng tên nổi tiếng, bộ phim xoay quanh câu chuyện của Yoon Hyun Woo (Song Joong Ki thủ vai), nhân viên tập đoàn Soonyang, bị công ty phản bội và sát hại. Sau khi chết, anh tái sinh trong cơ thể Jin Do Joon, cháu trai út của người đứng đầu chaebol (tập đoàn do gia đình nắm giữ) này.
Yoon tận dụng cơ hội sống thứ 2 để trả thù, âm mưu chia rẽ công ty và gia đình từ bên trong, đồng thời tìm ra kẻ sát hại mình ở kiếp trước.
Diễn xuất của dàn ngôi sao, nỗi ám ảnh của người Hàn đối với các chaebol, sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và giả tưởng trong cốt truyện,... là những điều khiến bộ phim trở nên thu hút.
Không có lời giải thích nào được đưa ra về lý do nhân viên bình thường như Yoon Hyun Woo đột nhiên tái sinh thành cháu trai nhà hào môn. Tuy nhiên, khán giả không thắc mắc về tình tiết vô lý này bởi tái sinh không hề xa lạ trong thế giới tiểu thuyết trên mạng.
Cùng với xuyên không (nhân vật quay về quá khứ để thay đổi tương lai) và chiếm hữu (nhân vật nhập hồn vào thân xác của người khác), 3 thể loại này được gọi là “huibinghwan”. Điểm tương đồng giữa chúng là đều tập trung vào việc có được cơ hội thứ 2 trong đời.
Từ đầu những năm 2000, “huibinghwan” đã phổ biến trong thế giới tiểu thuyết trên mạng và webtoon, giờ đây là phim ảnh.
Chúng đặc biệt phổ biến đối với những người ở độ tuổi thanh thiếu niên và 20-30 tuổi. Ví dụ, trên nền tảng Munpia, 61% trong số 1,2 triệu người dùng ở độ tuổi thanh thiếu niên và 20-30 tuổi tính đến tháng 2/2021.
Seo Eun-young, học giả về văn học Hàn Quốc, nghiên cứu truyện tranh Hàn Quốc, lưu ý rằng “huibinghwan” trở nên phổ biến từ đầu thập niên 2000, giai đoạn thay đổi văn hóa và xã hội.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, sự chênh lệch về kinh tế xã hội trong xã hội Hàn Quốc ngày càng lớn, việc leo lên thứ bậc giai cấp trở nên khó khăn hơn.
“Bức chân dung tự họa của thế hệ trẻ có thể được gói gọn bằng các thuật ngữ phổ biến như ‘thế hệ sampo’ (những người chọn không kết hôn, sinh con hoặc mua nhà), từ này mở rộng thành ‘thế hệ nthpo’ khi họ từ bỏ nhiều hơn do thực tế khắc nghiệt. Các thuật ngữ khác bao gồm ‘thìa đất’ và ‘thời Joseon địa ngục’ hay câu nói ‘cuộc sống này là tận thế’, tất cả đều phản ánh cơn thịnh nộ và cảm giác bất lực mà thế hệ cảm nhận về xã hội của họ”, Seo nói thêm.
Nếu không có hy vọng cho những người từ tuổi thiếu niên đến 30 tuổi trong cuộc sống này, họ có thể bị thu hút bởi khái niệm về “nút thiết lập lại”, vốn trở nên quen thuộc từ các câu chuyện trên mạng và trò chơi điện tử được yêu thích.
Chủ đề tái sinh trong phim hấp dẫn người xem ở chỗ trao cho nhân vật cơ hội sống thứ 2. Ảnh: JTBC. |
Seo tin rằng cơ hội sống lần thứ 2 mà các nhân vật trong phim được ban tặng phản ánh khát khao của những người trẻ tuổi. Dù hoàn toàn là giả tưởng, việc đọc về chúng vẫn tốt hơn là không bao giờ có thể hiện thực hóa. Tuy nhiên, những người sáng tạo không đi chệch hoàn toàn khỏi thực tế.
Trong Reborn Rich, bối cảnh mà Yoon Hyun Woo được tái sinh, nơi anh trưởng thành trong giai đoạn mà bản thân biết trước điều gì sẽ xảy ra, tương tự người chơi trong game thu thập vật phẩm cho đến khi có thể trở nên toàn năng. Yoon nhìn thấu mọi tình huống và tâm lý của mọi người xung quanh, đồng thời sử dụng hiểu biết về họ để làm lợi thế cho mình. Sau đó, nhân vật này chỉ còn một mục tiêu phải hoàn thành là chiến thắng.
“Khán giả thấy vui khi nhân vật chính trả thù thành công hơn là nhìn quá trình anh ta đấu tranh. Sự hồi hộp của câu chuyện là đặt mình vào vị trí của nhân vật chính, để tin rằng chính bản thân đã lật đổ gia đình chaebol và chiếm lấy quyền lực”, Seo nói.
Người Mỹ quá quen thuộc với chủ đề xuyên không cổ điển. Ai đó trở về quá khứ hoặc tới tương lai, thường với sự trợ giúp của công nghệ, làm xáo trộn lịch sử đã hoặc sẽ được viết ra, sau đó phải giải quyết hậu quả.
Tuy nhiên, hầu hết phim truyền hình Hàn Quốc tiếp cận chủ đề tương tự theo cách hoàn toàn khác. Thay vì để nhân vật chính ngược về quá khứ hay đến tương lai, những tác phẩm này lại kết hợp dịch chuyển linh hồn với du hành xuyên thời gian, theo Inverse.
“Khi đề cập tới thể loại này trên phim và truyền hình Hàn Quốc, công chúng thường nói về những chủ đề cụ thể như du hành thời gian, tái sinh hoặc cơ hội thứ 2 trong cuộc sống”, Sarah Chung, người sáng lập cộng đồng yêu thích K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc), nói.
Xuyên không đơn giản có nghĩa là sự dịch chuyển của một linh hồn giữa các thế giới và dòng thời gian. Trong nhiều phim truyền hình Hàn Quốc, linh hồn của nhân vật chính đột nhiên di chuyển giữa các thế giới và nhập vào cơ thể của một người khác.
Khác với những câu chuyện tái sinh phổ biến trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc, “người xuyên không” không sinh ra một lần nữa trong cùng một thế giới.
Khía cạnh cốt lõi của một bộ phim truyền hình về xuyên không là sự vượt thời gian và không gian, nhưng vì yếu tố văn hóa và chính trị, sẽ có một số biến thể.
Tại Hàn Quốc, sự gia tăng của những câu chuyện xuyên không đi theo mối quan tâm lâu đời về tái sinh trên các phương tiện truyền thông.
“Tôi quan sát thấy tái sinh là chủ đề phổ biến trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, hơn cả xuyên không. Chúng thường mô tả những nhân vật nghèo khổ, chăm chỉ tái sinh thành người giàu có, thành đạt, hoặc trong một số trường hợp, thành động vật hoặc thiên nhiên”, Sara Bechtol, biên tập viên của kênh giải trí The Swoon, nói.
Nhân vật chính của Mr. Queen vừa xuyên không về quá khứ, vừa dịch chuyển linh hồn vào một cơ thể khác. Ảnh: tvN. |
“Hwansaeng có nghĩa là ‘tái sinh’, đề cập đến những nhân vật có thể nhớ hoặc không thể nhớ kiếp trước của họ. Một số câu chuyện có thể chứa nhiều yếu tố, được gọi là huibinghwan”, Sarah Chung nói.
Nguồn gốc của “huibinghwan” có thể bắt nguồn từ những tiểu thuyết xuyên không đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, nó chỉ trở nên phổ biến cho đến những năm 2010, có thể trùng với sự phát triển của các định dạng webtoon và tiểu thuyết trên mạng.
Văn hóa đại chúng của Hàn Quốc, cũng như ở Mỹ, được đầu tư sâu vào thể loại xuyên không cổ điển (một người ngược về quá khứ hay đến tương lai) cho tới khi chịu ảnh hưởng của các bộ phim truyền hình xuyên không của Trung Quốc.
Thousand Years of Love (2003) là bộ phim truyền hình xuyên không đầu tiên của Hàn Quốc, tập trung vào Công chúa Buyeo Ju (Sung Yu-ri thủ vai) của triều đại Bách Tế (18 TCN-600 SCN) đã du hành thời gian đến năm 2003 trong khi cố gắng lẩn trốn kẻ thù.
Trong 2 thập kỷ tiếp theo, tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho hàng chục bộ phim truyền hình về xuyên không, bao gồm Rooftop Prince (2012), Faith (2012), Splash Splash Love (2015).
Tuy nhiên, phải đến khi Moon Lovers: Scarlet Heart Ryeo được phát hành vào năm 2016, chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc, kiểu du hành thời gian kết hợp dịch chuyển linh hồn mới trở nên phổ biến hơn đối với khán giả.
“Các bộ phim cũng có thể bao gồm những trò tai quái, lố bịch như linh hồn một học sinh trung học nhập vào cơ thể người trưởng thành hay một đầu bếp thời hiện đại trong cơ thể của nữ hoàng Joseon. Nội dung kiểu này là hình thức thoát ly thú vị”, Sara Bechtol nói.
Trong bối cảnh phim truyền hình bão hòa với những chủ đề quen thuộc, các nhà biên kịch không ngừng tìm kiếm cách kể chuyện mới. Những trò lố này cung cấp thêm công cụ để xây dựng các câu chuyện sáng tạo và gợi trí tò mò.
Ở Hàn Quốc, các bộ phim về chủ đề xuyên không, tái sinh không bị kiểm soát chặt chẽ như tại Trung Quốc. Nhưng nếu bóp méo lịch sử, chúng có thể bị tẩy chay và gỡ bỏ. Đó là trường hợp xảy đến với bộ phim Mr. Queen (2020).
Đối với các nhà làm phim ở xứ kim chi, xuyên không kết hợp tráo đổi linh hồn vào thân xác khác chính xác là điều cần thiết để thêm gia vị cho câu chuyện du hành thời gian nhàm chán.
Cảm xúc tiêu cực tuổi 20
The Inner Game of Tennis là tác phẩm nổi tiếng được viết bởi Gallwey - một huấn luyện viên tennis chuyên nghiệp ở miền nam California. Đây cũng là cuốn sách giúp Bill Gates thoát khỏi thói quen tự trách khi gặp thất bại và hình thành phong cách lãnh đạo của ông. "Đó là cuốn sách hay nhất về tennis mà tôi từng đọc, và những lời khuyên sâu sắc trong đó có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống", nhà sáng lập Microsoft viết.
Thiên Nhi
Theo: ZINGNEWS.VN |