25/10/2022 (05:15:30)
Việc bổ nhiệm Thủ tướng Liz Truss trước đây hay chọn người kế nhiệm Rishi Sunak không nằm trong tay công chúng Anh mà chỉ do các thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền quyết định.
Thủ tướng Anh Liz Truss thông báo từ chức ngày 20/10. Ảnh: Reuters. |
Giới quan sát về cấu trúc vận hành của chính phủ Anh có thể cảm thấy bớt bối rối khi việc chọn ra nhà lãnh đạo kế nhiệm Thủ tướng Liz Truss chỉ diễn ra trong nội bộ đảng Bảo thủ.
Dù Công đảng đối lập kêu gọi tổng tuyển cử sớm, các nghị sĩ Bảo thủ lúc này sẽ tập trung vào việc chọn ra người lãnh đạo ở trong nội bộ, điều đã được quy định trong hệ thống bầu cử Quốc hội Anh, theo AP.
Nước Anh được chia ra 650 khu vực bầu cử. Người dân sẽ bỏ phiếu chọn ra ứng viên đại diện cho địa phương của họ trở thành nghị sĩ quốc hội.
Đảng nào chiếm đa số ghế trong quốc hội sẽ thành lập chính phủ, và lãnh đạo đảng đó sẽ mặc nhiên trở thành thủ tướng.
Mặc dù có thể lập liên minh để tập hợp thêm nhiều ghế, hệ thống bầu cử của Anh thường là cuộc đua giữa hai đảng lớn nhất là đảng Bảo thủ và Công đảng, và sẽ có một đảng duy nhất chiếm đa số, như đảng Bảo thủ trong quốc hội Anh hiện tại.
Toàn bộ 20 thủ tướng Anh kể từ năm 1922 đều đến từ một trong hai đảng Bảo thủ hoặc Công đảng. Điều này có nghĩa thành viên của các đảng có ảnh hưởng lớn đến việc ai sẽ là thủ tướng của đất nước.
Với đảng Bảo thủ, các nghị sĩ sẽ đề cử một người tiềm năng để lãnh đạo chính phủ. Nếu nhận đủ sự ủng hộ, người này sẽ thành ứng viên chính thức.
Bài phát biểu đầu tiên của Thủ tướng Liz Truss trước số 10 phố Downing ngày 6/9. Ảnh: Reuters. |
Các nghị sĩ Bảo thủ sau đó phải trải qua nhiều vòng bỏ phiếu cho đến khi chỉ còn hai ứng viên. Quá trình này có thể kéo dài vài tháng, như thời điểm bầu chọn người thay thế ông Boris Johnson. Tuy nhiên, với quy định mới về việc yêu cầu mỗi người cần ít nhất 100 đề cử, quy trình chọn người kế nhiệm Thủ tướng Liz Truss được rút ngắn đáng kể còn một tuần, Guardian cho hay.
Cuối cùng, các thành viên đảng Bảo thủ, với khoảng 180.000 người, sẽ bỏ phiếu chọn ra nhà lãnh đạo tiếp theo. Lần bầu cử trước họ đã chọn bà Liz Truss trong cuộc đua với ông Rishi Sunak.
Nếu như đảng Bảo thủ thống nhất đề cử một ứng viên, hoặc chỉ có một người nhận đủ 100 đề cử lần này, người đó sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới mà không cần qua vòng bỏ phiếu trong đảng. Và điều này đã xảy ra hôm 24/10 khi cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak chiến thắng, trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ kế nhiệm bà Truss.
Điều này cũng xảy ra trước đó vào năm 2016 khi các nhà lập pháp ủng hộ bà Theresa May sau khi cựu Thủ tướng David Cameron từ chức.
Trong khi đó, Công đảng được cho là có quy trình bầu cử riêng và phức tạp hơn.
Ông Boris Johnson được đảng Bảo thủ chọn thay thế bà Theresa May. Ông đã là thủ tướng được 5 tháng khi người dân bỏ phiếu trong tổng tuyển cử 2019.
Phần lớn cử tri bầu ra nghị sĩ quốc hội, và khi nghị sĩ đảng Bảo thủ chiếm đa số, ông Johnson mặc định tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng.
Với quy trình bầu cử này, cử tri tại Anh sẽ không bỏ phiếu cho người kế nhiệm bà Liz Truss. Quyết định sẽ nằm trong tay khoảng 180.000 thành viên đảng Bảo thủ nếu có 2 ứng viên tham gia cuộc đua lần này.
Trước đây, Đạo luật Quốc hội Nhiệm kỳ cố định năm 2011 đặt ra thời gian cố định cho các cuộc tổng tuyển cử. Tuy vậy, Đạo luật Giải tán và Triệu tập Quốc hội năm 2022 đã bãi bỏ thời gian cố định, thay vào đó đặt ra hạn chót cho cuộc tổng tuyển cử tiếp theo là trước tháng 1/2025.
Việc nước Anh liên tục "thay tướng" nhưng chỉ do nội bộ đảng cầm quyền quyết định, nhiều người dân Anh tự hỏi vì sao họ không có cơ hội tác động đến việc chọn ra nhà lãnh đạo. Do đó, những lời kêu gọi tổng tuyển cử sớm được cho là sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Tuy nhiên, sau khi được Ủy ban 1992 tuyên bố là ứng viên duy nhất trong cuộc đua cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông Sunak đã có bài phát biểu trước các nghị sĩ của đảng hôm 24/10. Tại đây, ông khẳng định sẽ không tiến hành cuộc tổng tuyển cử sớm.
Rishi Sunak là người duy nhất được chính thức đề cử trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ, có nghĩa là cuộc tranh cử kéo dài một tuần theo kế hoạch không cần tiếp tục nữa.
Thay vào đó, ông sẽ dành ngày 24/10 để chuẩn bị tiếp quản tại Phố Downing.
Điều đó sẽ xảy ra sau khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Liz Truss đến thăm Vua Charles III để chính thức từ chức.
Vua Charles sẽ chấp nhận đề nghị từ chức của bà Truss và chào đón ông Sunak tới gặp và đề xuất hình thành chính phủ mới. Thực tế chưa rõ cuộc gặp sẽ diễn ra lúc nào, nhưng chắc hẳn sẽ sớm xảy ra.
Đài ITV đưa tin Vua Charles III sẽ trở về London từ Sandringham và ở Điện Buckingham vào tối 24/10. Điều đó có nghĩa là nhà vua có thể chấp nhận đơn từ chức của bà Liz Truss và bổ nhiệm ông Rishi Sunak làm thủ tướng ngay trong ngày. Tuy nhiên, cũng có khả năng quy trình không diễn ra gấp gáp như vậy.
Trần Hoàng
Theo: ZINGNEWS.VN |