Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Vì sao không nên ăn tôm hùm vào đầu năm mới?

22/01/2023 (00:01:20)

Mỗi dịp đầu năm, người dân tại các quốc gia trên thế giới lại thực hiện những phong tục khác nhau để xua tan vận rủi và cầu may mắn.

Nhiều quốc gia tránh ăn tôm hùm vào ngày đầu năm. Ảnh: Jennifer Causey.

Người dân trên khắp thế giới có nhiều cách cầu may ngày đầu năm mới. Đó có thể là một nụ hôn lúc nửa đêm giao thừa, một bát đậu mắt đen, gạo, thịt lợn, thói quen mở tất cả cửa nhà đón may mắn hay ném quả cầu rực lửa xua đuổi tà ác.

Tuy nhiên, dù đón năm 2023 theo cách nào, có lẽ nhiều người sẽ tránh xa tôm hùm. Đây là một phong tục để tránh vận rủi và bước sang năm mới với nhiều may mắn, niềm vui.

Tôm hùm đi ngược, cua đi ngang

Áo và các nền văn hóa Đông Âu tin rằng tôm hùm là điềm gở trong năm mới. Loài sinh vật này di chuyển ngược, do đó họ cho rằng những người ăn tôm hùm vào ngày đầu năm sẽ gặp thất bại, thay vì may mắn.

Năm mới thường được kỳ vọng là thời điểm tiến về phía trước và hướng tới tương lai, chứ không phải lùi lại và níu kéo quá khứ. Trang Nyonya Cooking cũng chỉ ra rằng nhiều người Trung Quốc tin vào cách giải thích trên, do đó tôm hùm thường không được chào đón trong dịp Tết Nguyên Đán.

Một số loại hải sản khác cũng chịu cảnh bị “ghẻ lạnh” vào đầu năm mới. Atlas Cruises and Tours lưu ý rằng cua được coi là không may mắn do chúng có xu hướng di chuyển ngang - ngụ ý một năm mới không có nhiều tiến triển. Ngoài ra, một số nền văn hóa cũng tránh ăn các con vật có cánh vào ngày đầu năm để sự may mắn không “bay đi”.

tom hum anh 1

Hoppin’ John - hỗn hợp gồm đậu mắt đen, gạo, gia vị và thịt lợn hun khói. Ảnh: Michelle V. Agins/New York Times.

Ngoài những món ăn cần tránh, người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng có phong tục cầu may khác nhau. Những người sinh ra và lớn lên ở Pennsylvania,Mỹ, thường ăn thịt lợn và dưa cải bắp vào ngày đầu năm mới.

Trong khi đó, ở Đan Mạch, người dân địa phương thường ném bát đĩa vào cửa nhà hàng xóm như một cách thể hiện tình bạn.

Còn nụ hôn lúc nửa đêm thì sao? Theo biên tập viên Pete Geiger, từ Farmer's Almanac, nếu hôn người yêu vào lúc nửa đêm giao thừa, các cặp đôi sẽ tiếp tục có 12 tháng mặn nồng.

Những truyền thống đón năm mới độc đáo đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, bắt nguồn từ các nền văn hóa khác nhau. Chẳng hạn, các đầu bếp ở miền Nam Carolina thường phục vụ một nồi Hoppin’ John - hỗn hợp gồm đậu mắt đen, gạo, gia vị và thịt lợn hun khói - để cầu may mắn và tài lộc. Chính những nô lệ từ Tây Phi đã mang loại đậu này đến Carolina.

“Một số người da trắng ở miền Nam cho rằng đậu mắt đen đã cứu các gia đình khỏi nạn đói trong cuộc nội chiến Mỹ. ‘Bách khoa toàn thư về thực phẩm của người Do Thái' gợi ý rằng truyền thống này có thể xuất phát từ người Do Thái Sephardic - những người đã đưa đậu Hà Lan vào thực đơn của họ như một biểu tượng của sự sinh sôi và thịnh vượng", tờ New York Times từng viết.

Cảm giác an tâm

Không chỉ với những món ăn, nhiều quốc gia tin rằng vị khách “bước chân vào nhà đầu tiên” sẽ báo trước vận may hay rủi của chủ nhà. Một số trường hợp mong người xông đất mang theo tiền để chúc gia đình chủ thịnh vượng. Ở những nơi khác, các vị khách đầu tiên sẽ rời đi qua một cánh cửa khác với lúc vào.

Tại Scotland, nơi bị những người Viking vùng Scandinavi xâm chiếm hơn 1.000 năm trước, theo truyền thống, một người đàn ông tóc đen mang theo một cục than, một đồng xu hoặc một ít rượu whisky sẽ được chào đón vào năm mới. Nhiều người Scotland cũng đốt lửa trại trong ngày cuối cùng của năm.

tom hum anh 2

Truyền thống xua đuổi ma quỷ của người Scotland. Ảnh: Jasper Image/Alamy.

Ở Stonehaven, một thành phố phía đông bắc Scotland, người dân diễu hành trên đường phố với những quả cầu lửa để xua đuổi tà ác. Các lễ hội thường được truyền hình trực tiếp.

“Những người sợ ma quỷ và các linh hồn xấu sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ bản thân. Những truyền thống này được lưu truyền để mọi người cảm thấy an tâm”, ông Geiger nói.

Thật vậy, nhiều truyền thống xuất phát từ niềm tin vào thần thánh. Ở Thụy Điển, những người đam mê văn hóa dân gian thường dạo chơi, lang thang trong một khu rừng dẫn đến nhà thờ hoặc nghĩa địa vào đêm giao thừa, và chạm trán với những sinh vật thần thoại đen tối. Theo một bài báo trên Atlas Obscura, nghi lễ này xuất hiện từ những năm 1600.

Nhiều phong tục khác tập trung vào nhà cửa để chuẩn bị cho những ngày tốt đẹp phía trước. Vào đêm giao thừa, một số người mở tất cả cửa ra vào và cửa sổ trong nhà để chào đón năm mới.

“(Hành động này) đánh dấu một khởi đầu mới. Họ bắt đầu một năm với suy nghĩ tích cực. Điều đó mang tính biểu tượng”, ông Geiger nói.

Về phần mình, ông Geiger, sống ở Lewiston, Maine, hàng năm đều đến một ngôi nhà nhỏ trên hồ, tụ tập với bạn bè để tổ chức một bữa tối hoành tráng. “Đó là bữa ăn ngon nhất mà tôi được ăn trong cả năm”, ông chia sẻ.

Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam” của tác giả Đinh Hồng Hải do NXB Thế giới phát hành. Sách nói về thế giới các biểu tượng trong văn hóa Việt Nam và thông điệp được quá khứ gửi gắm đến hiện tại qua những biểu tượng ấy.

Độc giả có thể đọc thêm tại đây

Hải Linh

Theo: ZINGNEWS.VN


Thế giới (Tin trước)