08/02/2023 (12:50:18)
Tâm chấn nông, xảy ra vào lúc nhiều người đang ngủ, thời tiết mưa lạnh... nằm trong những lý do khiến trận động đất hôm 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trở nên thảm khốc.
Tòa nhà bị hư hại sau trận động đất ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia địa chấn cho biết trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 có thể là một trong những trận động đất chết chóc nhất trong thập kỷ này.
Số người chết hiện đã tăng lên hơn 7.900, Guardian dẫn các số liệu chính phủ. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa (AFAD) cho biết ít nhất 5.894 người được xác nhận đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Damascus và nhân viên cứu hộ cho biết động đất đã giết chết 2.032 người ở Syria. Hàng nghìn người khác bị thương và số người chết dự kiến còn tăng lên.
Tâm chấn của trận động đất cách thành phố Nurdagi của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 26 km về phía đông, nằm ở độ sâu khoảng 18 km trên đứt gãy Đông Anatolia. Động đất tỏa về phía đông bắc, từ đó tàn phá miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Trong thế kỷ XX, đứt gãy Đông Anatolia ít có hoạt động địa chấn lớn. “Nếu chỉ theo dõi các trận động đất lớn được máy đo địa chấn ghi lại thì khu vực này hầu như không có", Roger Musson, nhà nghiên cứu danh dự tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh, cho biết.
Chỉ có ba trận động đất được ghi nhận trên 6,0 độ kể từ năm 1970 trong khu vực này, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGC). Vào năm 1822, một trận động đất mạnh 7 độ đã tấn công khu vực, khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng.
So với trận động đất 6,2 độ xảy ra ở miền Trung Italy năm 2016 và khiến khoảng 300 người, trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria giải phóng năng lượng gấp 250 lần, theo Joanna Faure Walker, người đứng đầu Viện Giảm thiểu Rủi ro và Thiên tai thuộc Đại học College London.
Chỉ có hai trận động đất kinh hoàng nhất trong giai đoạn 2013-2022 có cùng cường độ với trận động đất hôm 6/2.
Nhiều dư chấn theo sau đã làm rung chuyển hai quốc gia kể từ trận động đất đầu tiên. Alex Hatem, một nhà nghiên cứu địa chất của USGS, cho biết trong 11 giờ đầu tiên, khu vực này đã hứng chịu 13 dư chấn đáng kể với cường độ ít nhất là 5 độ.
Trong vụ động đất này, mảng Arab khi di chuyển về hướng bắc đã va chạm với mảng Anatolia, gây ra thảm họa.
Đông Anatolia là một đứt gãy trượt ngang, trong đó các mảng đá rắn va chạm với nhau qua một đường đứt gãy thẳng đứng, tạo ra sức ép cho đến khi một mảng cuối cùng trượt theo chuyển động nằm ngang. Điều đó đã giải phóng một lực cực lớn có thể kích hoạt động đất.
Ngoài ra, đứt gãy ban đầu trong trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria bắt đầu ở mức tương đối nông.
“Sự rung chuyển trên mặt đất sẽ nghiêm trọng hơn so với một trận động đất sâu hơn có cùng cường độ tại nguồn”, David Rothery, nhà địa chất học hành tinh tại Đại học Mở ở Anh, cho biết.
Bên cạnh đó, trận động đất xảy ra gần các khu vực đông dân cư. Tâm chấn của nó nằm gần Gaziantep, một thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Kishor Jaiswal, kỹ sư kết cấu của USGS, cho biết các khu vực bị ảnh hưởng cũng là nơi có các tòa nhà dễ bị sập bởi động đất. Theo ông, trong khi các tòa nhà mới ở các thành phố như Istanbul được thiết kế theo tiêu chuẩn động đất hiện đại, khu vực phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ lại có nhiều tòa nhà cao tầng cũ hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết việc xây dựng nhanh chóng ở Syria - cộng với nhiều năm chiến tranh - cũng có thể khiến các công trình dễ bị tổn thương trong động đất.
Giới chức thông báo hàng nghìn tòa nhà đã bị đổ sập sau trận động đất. Ông Jaiswal cho biết chúng bao gồm các vụ sập “bánh kếp”, khi các tầng trên của một tòa nhà rơi thẳng xuống các tầng dưới - một dấu hiệu cho thấy các tòa nhà không thể chịu đựng rung lắc.
Ilan Kelman, một chuyên gia về thảm họa và sức khỏe tại Đại học College London, cho biết: “Đây là mức độ tàn phá và hủy diệt khủng khiếp mà chúng ta có thể chứng kiến”, khi một trận động đất mạnh tấn công một khu vực có các tòa nhà không được gia cố.
Không những vậy, các nỗ lực cứu hộ đã bị cản trở bởi thời tiết giá lạnh và tắc nghẽn giao thông do người dân cố gắng rời khỏi các khu vực bị động đất.
Trận động đất 7,8 độ cũng xảy ra vào sáng sớm, khi nhiều gia đình đang ngủ. Sau trận động đất này, rất nhiều gia đình bị đè chết khi đang ngủ trên giường.
Mười một phút sau trận động đất ban đầu, khu vực này đã hứng chịu một dư chấn mạnh 6,7 độ. Một trận động đất mạnh 7,5 độ cũng xảy ra vài giờ sau đó, theo tiếp đến là một trận động đất mạnh 6,0 độ khác vào buổi chiều.
Dư chấn có thể tiếp tục trong nhiều ngày đến nhiều năm sau cơn động đất ban đầu. Mặc dù các dư chấn thường nhỏ hơn đáng kể so với chấn động chính, chúng có thể gây ra những hậu quả tàn khốc không kém, làm hư hại thêm cơ sở hạ tầng và cản trở các nỗ lực cứu hộ, Conversation nhận định.
Trận động đất xảy ra ở khu vực hoạt động địa chấn được gọi là vùng đứt gãy Đông Anatolia, nơi từng gây ra các trận động đất gây thiệt hại nặng nề trong quá khứ, theo AP.
“Gần như toàn bộ Thổ Nhĩ Kỳ thực sự nằm trong khu vực hoạt động địa chấn. Đây không phải là một cái gì đó mới đối với đất nước này”, ông Eric Sandvol, một nhà địa chấn học tại Đại học Missouri, nhận định.
Các trận động đất có cường độ tương tự ở những khu vực đông dân cư đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Trận động đất mạnh 7,8 độ ở Nepal năm 2015 đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người.
“Con số đó có thể là hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn”, ông Musson nói về số người có thể thiệt mạng trong trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hôm 6/2.
Thời tiết mùa đông lạnh giá cũng khiến những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát có ít cơ hội sống sót hơn, ông nói thêm.
Quan chức cấp cao thuộc Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Âu, Catherine Smallwood, nói số người chết trong vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể tăng lên hơn 20.000.
“Có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến những vụ sụp mới, do đó chúng ta thường chứng kiến con số ban đầu tăng gấp 8 lần", bà nói với AFP khi con số dừng ở 2.600.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.Vân Đinh
Theo: ZINGNEWS.VN |