Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Vì sao Mỹ quyết cấm TikTok

18/05/2023 (14:48:36)

Montana hôm 17/5 trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ "cấm cửa" TikTok, giữa lúc các chính phủ bày tỏ lo ngại ứng dụng có thể gây nguy hiểm đối với dữ liệu nhạy cảm của người dùng.

Thống đốc bang Montana đã ký dự luật cấm TikTok. Ảnh: Reuters.

Viện dẫn mối đe dọa bảo mật, trong những tháng gần đây, các nhà lập pháp ở Mỹ, châu Âu và Canada đã tăng cường nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào TikTok - ứng dụng video dạng ngắn phổ biến, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance.

Hôm 27/2, Nhà Trắng nói với các cơ quan liên bang rằng họ có 30 ngày để xóa ứng dụng trên khỏi thiết bị của chính phủ. Ngày càng có nhiều quốc gia và cơ quan khác - bao gồm Anh, Canada, Pháp, Quốc hội New Zealand và Ủy ban châu Âu - gần đây cũng cấm TikTok trên thiết bị chính thức.

Vào ngày 4/4, Australia trở thành quốc gia mới nhất thông báo cấm ứng dụng TikTok trên thiết bị của chính phủ theo lời khuyên từ các cơ quan tình báo và an ninh.

Trước đó, vào hôm 1/3, một ủy ban Hạ viện Mỹ thậm chí còn ủng hộ biện pháp quyết liệt hơn - bỏ phiếu thông qua luật cho phép Tổng thống Joe Biden cấm TikTok trên tất cả thiết bị toàn quốc.

Các lệnh cấm ở Mỹ

Thống đốc Greg Gianforte ngày 17/5 đã ký luật cấm TikTok trên tất cả thiết bị cá nhân, biến Montana trở thành bang đầu tiên ở Mỹ có động thái này. Trước đó, vào tháng 4, các nhà lập pháp Montana đã thông qua dự luật để chặn TikTok.

Theo đó, Montana sẽ quy định việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp ứng dụng TikTok trong biên giới bang này là bất hợp pháp. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Ngoài ra, khi luật có hiệu lực, Montana sẽ phạt các đơn vị 10.000 USD/ngày nếu vi phạm lệnh cấm. Mức phạt không áp dụng với người dùng.

Kể từ tháng 11/2022, hơn 24 bang ở Mỹ đã cấm TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp. Nhiều trường, như Đại học Texas ở Austin, Đại học Auburn và Đại học Boise State, cũng chặn ứng dụng này khỏi mạng Wi-Fi của khuôn viên trường.

Trên thực tế, TikTok đã bị cấm trong 3 năm trên các thiết bị của chính phủ Mỹ được sử dụng bởi quân đội, thủy quân lục chiến, không quân và cảnh sát biển. Nhưng các lệnh cấm, về cơ bản, không mở rộng sang các thiết bị cá nhân. Sinh viên thường chỉ cần chuyển sang dữ liệu di động để sử dụng ứng dụng.

Điều gì xảy ra nếu có TikTok trên điện thoại khi lệnh cấm được ban hành?

Cơ chế chính xác để cấm một ứng dụng trên điện thoại thuộc sở hữu tư nhân không rõ ràng.

Caitlin Chin - thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - nói rằng Mỹ có thể chặn TikTok bán quảng cáo hoặc cập nhật hệ thống, về cơ bản là khiến nó không hoạt động.

Apple và các công ty khác vận hành kho ứng dụng chặn tải xuống ứng dụng không còn hoạt động. Justin Cappos, giáo sư tại Trường Kỹ thuật Tandon thuộc Đại học New York, cho biết họ cũng cấm các ứng dụng mang nội dung không phù hợp hoặc bất hợp pháp.

Ngoài ra, họ có khả năng xóa ứng dụng được cài đặt trên điện thoại của người dùng. “Nhưng điều đó thường không xảy ra”, ông nói.

Giáo sư Cappos cho biết người dùng có thể chống lại lệnh cấm bằng cách từ chối cập nhật điện thoại của họ. Nhưng "đó là ý tưởng tồi", ông nhấn mạnh.

Tại sao các chính phủ cấm TikTok?

Các nhà lập pháp và cơ quan quản lý ở phương Tây ngày càng bày tỏ lo ngại TikTok và công ty mẹ ByteDance có thể đưa dữ liệu nhạy cảm của người dùng - như thông tin về vị trí - cho chính phủ Trung Quốc.

Họ chỉ ra luật cho phép chính phủ Trung Quốc bí mật yêu cầu dữ liệu từ các công ty và công dân Trung Quốc, nhằm phục vụ các hoạt động thu thập thông tin tình báo. Họ cũng lo lắng Bắc Kinh có thể sử dụng tính năng đề xuất nội dung của TikTok để cung cấp thông tin sai lệch.

TikTok từ lâu đã phủ nhận những cáo buộc như vậy và cố gắng tạo khoảng cách với ByteDance.

Quốc gia nào cấm TikTok?

Ấn Độ đã áp lệnh cấm trên toàn quốc với TikTok và hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, vào năm 2020. Theo đó, 150 triệu người dùng của Ấn Độ buộc phải ngừng sử dụng ứng dụng, theo Forbes.

Lệnh cấm được đưa ra ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Việc Ấn Độ cấm nền tảng này khiến ByteDance mất một trong những thị trường lớn nhất của mình.

Jordan cũng đã cấm TikTok từ tháng 12/2022 vì ứng dụng này không xóa những bài đăng “kích động bạo lực và hỗn loạn” sau các cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng cao ở nước này.

Chính quyền Taliban ở Afghanistan cũng cấm TikTok và trò chơi PUBG vào năm 2022 với lý do ngăn những người trẻ “lầm đường lạc lối”.

Indonesia từng cấm TikTok vào tháng 7/2018 do có nội dung khiêu dâm, tuy nhiên lệnh cấm được bãi bỏ sau 6 ngày khi nền tảng đồng ý kiểm duyệt một số nội dung.

Pakistan cũng nhiều lần chặn TikTok do chứa nội dung không phù hợp nhưng gỡ bỏ ngay sau đó. Một số lệnh cấm chỉ có hiệu lực trong vài giờ, theo Washington Post.

Chính quyền Biden đang làm gì?

TikTok gần đây cho biết chính quyền Biden muốn ByteDance bán cổ phần trong TikTok, nếu không có thể đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ.

Cho đến nay, Nhà Trắng phần lớn giữ im lặng, nhưng thông tin về một cuộc đánh giá đang diễn ra, để trả lời các câu hỏi liên quan đến TikTok.

TikTok đã có các cuộc đàm phán bí mật kéo dài nhiều năm với hội đồng đánh giá của chính quyền Biden, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), để giải quyết câu hỏi về mối quan hệ của TikTok và ByteDance cùng chính phủ Trung Quốc, cũng như việc xử lý dữ liệu người dùng.

TikTok cho biết vào tháng 8/2022, họ đã đệ trình đề xuất dài 90 trang nêu chi tiết cách thức hoạt động tại Mỹ, trong khi giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia. Vào ngày 23/3, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ “kiên quyết phản đối” việc bán ứng dụng này.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang điều tra việc TikTok theo dõi các nhà báo Mỹ, theo ba người quen thuộc với vấn đề. ByteDance cho biết vào tháng 12/2022 rằng nhân viên của họ đã thu thập dữ liệu của hai người dùng TikTok ở Mỹ một cách không phù hợp.

Liệu chính phủ Mỹ có thể cấm ứng dụng?

Hầu hết lệnh cấm TikTok trên thiết bị của chính phủ đã được thực hiện và các trường đại học có quyền ngăn ứng dụng khỏi thiết bị hoặc mạng của họ.

Tuy nhiên, bà Chin nhận định một lệnh cấm rộng hơn do chính phủ áp đặt, ngăn người Mỹ sử dụng ứng dụng cho phép họ chia sẻ quan điểm của mình, có thể gặp phải thách thức pháp lý liên quan đến quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ nhất.

Trước đây, những nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm cấm tải TikTok và WeChat vào năm 2020 đều bị tòa án chặn và không bao giờ có hiệu lực.

Sau động thái mới của Montana, TikTok đã tuyên bố dự luật trên "vi phạm các quyền trong Tu chính án thứ nhất của người dân trong bang bằng cách cấm TikTok bất hợp pháp".

Xét cho cùng, một số lượng lớn người Mỹ, bao gồm cả các quan chức được bầu và các tổ chức tin tức lớn như New York Times hay Washington Post, đều đang sản xuất video trên TikTok.

“Trong các chính phủ dân chủ, chính phủ không thể cấm tự do ngôn luận hoặc biểu đạt mà không có cơ sở mạnh mẽ và phù hợp để làm như vậy”, bà Chin nói.

Hàng triệu người Mỹ, những người sáng tạo kỹ thuật số và nhà tiếp thị, sẽ không muốn thấy nền tảng này biến mất và việc chặn một ứng dụng phổ biến có thể tạo ra phản ứng chính trị dữ dội trong giới trẻ.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Minh An

Theo: ZINGNEWS.VN


Thế giới (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Thế giới (Tin mới)
Thế giới (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05