10/02/2023 (11:22:12)
Sau Tết, giá vé các chặng bay nội địa vẫn neo ở mức cao như chặng TP.HCM dao động 3-4,5 triệu đồng/khứ hồi.
Dự định bay vào TP.HCM để ăn cưới bạn thân, Ngọc Anh (27 tuổi, Hà Nội) giật mình vì giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - TP.HCM lên đến hơn 3 triệu đồng.
"Tôi định đặt vé trước để đầu tháng 3 bay nhưng giá vé đắt đến bất ngờ. Đây là giai đoạn đã hết cao điểm Tết, chưa đến cao điểm du lịch hè nên thông thường, giá vé máy bay rất rẻ. Tôi nhớ mình từng đi chặng này giai đoạn thấp điểm giá vé chỉ 1-1,5 triệu đồng".
Vì giá vé quá cao, Ngọc Anh phải cân nhắc lại kế hoạch và có lẽ sẽ chỉ gửi phong bì mừng cưới cho bạn.
Tương tự, Minh Khôi (24 tuổi, TP Thủ Đức) cũng bất ngờ vì giá vé chặng TP.HCM - Vinh lên đến gần 4 triệu đồng. Vì giá vé Tết đắt đỏ nên Khôi ở lại làm việc và dự định sẽ về thăm nhà vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, giá vé vẫn quá cao nên anh đang tính phương án khác như đi tàu hay xe khách.
Theo khảo sát của Zing, giá vé khứ hồi chặng TP.HCM - Hà Nội từ giữa tháng 2 cho đến hết tháng 3 vẫn ở mức rẻ nhất là 3-3,2 triệu đồng của Vietjet. Con số này khi bay với Vietnam Airlines, Vietravel hay Bamboo là 3,4-4,5 triệu đồng.
Sang đến tháng 4 hay tháng 5, giá vé vẫn tiếp tục neo ở mức cao. Thậm chí có những ngày, giá vé rẻ nhất đã là 3,6 triệu đồng. Lưu ý, đây là mức giá khi đặt chỗ trước tới 1-2 tháng.
Chặng TP.HCM - Thanh Hóa có giá 2,7 triệu đồng khi bay với Vietjet. Giá vé chặng này của Vietnam Airlines và Bamboo là 3,4-3,6 triệu đồng.
Chặng TP.HCM - Đà Nẵng có giá rẻ nhất là 2 triệu đồng khi bay với Vietjet. Các hãng còn lại có các chuyến bay với giá 2,3-3 triệu đồng/khứ hồi.
Theo Google Flight, giá vé máy bay ở hầu hết chặng bay nội địa tại Việt Nam đều đang ở mức cao hơn so với thông thường.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia hàng không cho biết hiện nhu cầu đi lại, tham gia các lễ hội mùa xuân vẫn còn. Ngoài ra, nhiều người sau khi về quê đã ăn Tết hiện giờ mới quay lại TP.HCM để tiếp tục công việc. Vì vậy, dự đoán giá vé tiếp tục ở mức cao cho đến hết tháng Giêng âm lịch.
"Các hãng vẫn đang bán vé ở mức giá cho phép của Bộ Giao thông Vận tải. Họ sẽ cân chỉnh mức giá dựa trên nhu cầu của khách hàng, chủ yếu dựa trên lượng đặt vé. Nếu nhu cầu thấp, hãng buộc phải hạ giá vé để cạnh tranh với các hãng khác", vị này nói thêm.
Chuyên gia này chia sẻ trong tương lai, giá vé có thể sẽ tiếp tục ở mức cao vì ngành hàng không đang tiếp tục trên đà phục hồi và nhu cầu di chuyển, đi lại cũng ngày càng lớn.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết: "Dưới góc độ nghiên cứu cá nhân, tôi cho rằng về cơ bản giá là do quan hệ cung cầu, do các yếu tố đầu vào, do thị trường quyết định. Giá cả là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng và người hưởng lợi là khách hàng. Năm nay, thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhưng biến động về giá nhiên liệu, tỷ giá không ổn định đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và quyền lợi của khách hàng".
Ông hi vọng ngành hàng không sẽ sớm phục hồi và ổn định để cả doanh nghiệp và khách hàng đều được hưởng lợi.
Thông tư 17/2019/TT-BGTVT về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa quy định dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản có giá 1,6-3,75 triệu đồng/vé một chiều tùy theo cự ly đường bay. Mức giá này chưa bao gồm các khoản phải thu khác như VAT, phí an ninh, hành lý, chỗ ngồi...
Trong quá trình mua vé qua các kênh phân phối, nếu thấy giá vé cao hơn quy định, hành khách có thể phản ánh đến đường dây nóng của Cục Hàng không (0916562119) các thông tin bao gồm nhưng không hạn chế về giá vé, đường bay, đại lý bán vé, hãng hàng không... để Cục có cơ sở xử lý theo quy định đối với các vi phạm nếu có.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế
Diệu Thanh
Theo: ZINGNEWS.VN |