06/12/2022 (12:07:52)
Đà suy yếu đẩy đồng bạc xanh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6. Động thái tiếp theo của Fed sẽ quyết định diễn biến của đồng USD.
USD sẽ hưởng lợi nếu ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Ảnh: Reuters. |
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 5/12 (giờ Việt Nam), chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã lao dốc một mạch từ hơn 105 điểm xuống dưới 104,24 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6.
Tính đến 22h30, chỉ số này đã phục hồi phần nào lên 104,9 điểm, nhưng vẫn thấp hơn 10 điểm so với hồi tháng 9.
Tháng 9, USD vọt lên ngưỡng cao nhất trong vòng 20 năm (hơn 114 điểm), khiến euro có lúc rẻ hơn USD. Nhưng đến giờ, mức tăng tính từ đầu năm đã thu hẹp còn gần 9%.
"Giới đầu tư tin rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing. Theo ông, điều này đã khiến USD suy yếu.
Chỉ số USD đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6. Ảnh: Trading Economics. |
Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã xác nhận ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12. Ông lưu ý rằng các động thái như tăng lãi suất và hạ tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của Fed sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng.
Do đó, chủ tịch Fed khẳng định việc điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất là hợp lý.
Thị trường định giá khoảng 80% khả năng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12, sau 4 lần nâng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.
Một số dấu hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 1/12, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - trong tháng 10 đã tăng 0,2% so với một tháng trước đó và 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của giới quan sát.
Đồng nhân dân tệ đang cao nhất so với USD trong vòng 3 tháng qua. Ảnh: Trading Economics. |
Trước đó, theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, CPI tháng 10 của Mỹ tăng là 0,4% so với tháng trước và 7,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo 0,6% và 7,9% từ Dow Jones.
Đáng nói, giá xăng - nhóm hàng tác động lớn tới lạm phát - đã giảm mạnh. Giá xăng trung bình trên khắp nước Mỹ thậm chí thấp hơn thời điểm Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
USD cũng giảm mạnh so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Bởi giới đầu tư đặt cược vào việc Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế chống dịch và tập trung vào tăng trưởng kinh tế.
Đồng nhân dân tệ hiện được giao dịch ở mức 6,966 nhân dân tệ đổi 1 USD, mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua.
Đồng USD đi xuống giúp một số thị trường hàng hóa hưởng lợi, trong đó có dầu. Giá dầu Brent đã tăng từ hơn 85 USD/thùng vào cuối tuần trước lên 88,3 USD/thùng, rồi điều chỉnh giảm về 86,2 USD/thùng.
Còn giá dầu WTI chuẩn Mỹ tăng hơn 3% lên 82 USD/thùng, rồi điều chỉnh giảm về 80 USD/thùng.
Thị trường dầu cũng được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống dịch, ngay cả khi OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) không cắt giảm mục tiêu sản lượng trong cuộc họp cuối tuần qua.
Dĩ nhiên, giới đầu tư và các nhà quan sát vẫn chưa thể chắc chắn về động thái tiếp theo của Fed. Dữ liệu của thị trường việc làm và chỉ số hoạt động trong ngành dịch vụ của Mỹ tốt hơn dự kiến. Chúng làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần trên sàn New York, giá vàng giao ngay đã rơi từ hơn 1.805 USD/ounce xuống dưới ngưỡng 1.775 USD/ounce.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,61% xuống 34.220 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lao dốc lần lượt 0,83% và 0,84%.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...
Thảo Phương
Theo: ZINGNEWS.VN |