21/03/2023 (18:51:01)
Các trung tâm tiếng Anh tìm đủ cách quảng cáo để thu hút người học nhưng nhiều điều không đúng sự thật khiến học sinh, phụ huynh cảm thấy bị lừa dối.
Trung tâm tiếng Anh khoe giáo viên có điểm IELTS cao để thu hút học sinh. Ảnh: British Council. |
Gần một năm trôi qua, H.Q. (24 tuổi) vẫn nhớ rõ câu chuyện thử việc để làm giáo viên tiếng Anh part-time tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội. Đối với một sinh viên mới ra trường như Q., quá trình nộp hồ sơ và thử việc ở trung tâm đó giống như một “cú lừa”, khiến cô sợ hãi và từ bỏ ngay trong tuần đầu tiên.
Tháng 6/2022, H.Q. nhận email thông báo trúng tuyển làm giáo viên IELTS part-time của trung tâm tiếng Anh và sẽ được tham gia khóa huấn luyện ngắn hạn trong một tuần trước khi làm việc chính thức.
Khi nhận email, Q. mới phát hiện hóa ra trung tâm tuyển cả giáo viên có IELTS 7.0, trong khi trang web chỉ giới thiệu đội ngũ giáo viên có IELTS 8.0 trở lên.
Lúc đó, Q. cũng không nghĩ nhiều, chỉ cho rằng việc đưa hình ảnh các giáo viên có IELTS 8.0 lên trang web là một cách để quảng cáo và thu hút học việc. Nhưng đến lúc bắt đầu khóa huấn luyện, Q. mới vỡ lẽ trung tâm thực sự lừa học sinh về trình độ IELTS của giáo viên.
Email thông báo trúng tuyển H.Q. nhận được, trung tâm chỉ yêu cầu ứng viên có chứng chỉ IELTS 7.0 trở lên. Ảnh: NVCC. |
Trong khóa huấn luyện ngắn hạn đó, thay vì được hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn giảng dạy, Q. và các giáo viên mới khác lại được trung tâm dạy tác phong ăn nói, chào hỏi, đi đứng và cả cách trả lời những câu hỏi “khó” của học sinh.
Ví dụ, nếu học sinh hỏi “Thầy/cô ơi em nghe nói trung tâm có nhiều phốt lắm, thông tin này có đúng không”, giáo viên sẽ phải trả lời “Thông tin này không đúng đâu em, mạng xã hội có nhiều tin đồn thất thiệt, các em lớn rồi phải biết lắng nghe từ nhiều phía”.
Hoặc khi học sinh hỏi “Em nghe nói trung tâm có nhiều giáo viên chưa đạt IELTS 7.5 có đúng không”, giáo viên sẽ phải giải thích rằng đây là thông tin sai, giáo viên ở trung tâm đều đã tốt nghiệp đại học, có chứng chỉ sư phạm và chứng chỉ IELTS 7.5 trở lên.
Khi được trung tâm hướng dẫn trả lời như vậy, H.Q. bị sốc vì cô đang được dạy cách nói dối học sinh. Trung tâm nói giáo viên đều có IELTS 7.5 trở lên nhưng thực tế lại tuyển cả những người có IELTS 7.0, nói giáo viên đều có chứng chỉ sư phạm nhưng thực tế đây chỉ là yếu tố ưu tiên, không phải yếu tố bắt buộc trong tuyển dụng.
Ngoài học cách trả lời học sinh, giáo viên mới như Q. được yêu cầu tự tạo một màn chào hỏi vui tươi, ấn tượng để gây ấn tượng với học sinh. Cô cũng được yêu cầu phải để ý những chi tiết nhỏ như đi đứng, viết bảng, bấm slide phải mạnh mẽ, dứt khoát, không được làm nhẹ nhàng.
Buổi đầu huấn luyện, một giáo viên mới chung đợt tuyển dụng với Q. cảm thấy quá chán nản với kiểu huấn luyện “như đa cấp” nên đã chủ động xin nghỉ. Bản thân Q. cũng không chấp nhận nổi kiểu lừa dối học sinh nên cũng xin nghỉ ngay trong tuần đầu tiên.
“Mình đi làm rồi mới phát hiện hóa ra nhiều trung tâm chỉ cố quảng cáo cho xịn nhưng thực ra lại không xịn như vậy. Bạn mình dạy TOEIC ở một trung tâm khác nhưng cũng bị bắt dạy thêm IELTS dù chưa từng học qua chương trình IELTS, đây cũng không khác gì một kiểu lừa dối học sinh”, Q. nói với Zing.
Nhiều học sinh, phụ huynh muốn chọn những trung tâm có giáo viên trình độ tốt, điểm IELTS cao. Ảnh minh họa: Pexels. |
Giáo viên bỏ việc, học sinh cũng bỏ học sau khi biết trung tâm tiếng Anh “phóng đại” chất lượng dạy học và trình độ giáo viên. Ngọc Anh (học sinh lớp 10) là một trường hợp như vậy.
Tháng 9/2022, Ngọc Anh đăng ký học tại một trung tâm tiếng Anh tại địa phương để thi chứng chỉ IELTS. Trước khi đăng ký, Ngọc Anh được nhân viên trung tâm giới thiệu rằng giáo viên đều tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ và có chứng chỉ IELTS 7.5 trở lên.
Học được một thời gian, nữ sinh phát hiện không phải tất cả giáo viên đều tốt nghiệp đại học và có IELTS. Một số giáo viên là sinh viên năm 3, năm 4 ngành ngôn ngữ, chưa có bằng tốt nghiệp, chứng chỉ giảng dạy và chứng chỉ IELTS 7.5 như trung tâm quảng cáo.
Thất vọng với sự lừa dối của trung tâm, bản thân Ngọc Anh lại thêm chán nản với cách dạy của giáo viên vì một số người lên lớp cho học sinh chơi nhiều hơn học. Kiến thức cũng được giáo viên dạy lại giống hệt giáo trình, không giải thích thêm hay mở rộng bài giảng để học sinh có thêm kiến thức ngoài.
Tiếc tiền, Ngọc Anh đành học nốt khóa học rồi nghỉ hẳn, không đăng ký khóa mới. Sau lần đó, nữ sinh đều cẩn thận khi lựa chọn nơi học tiếng Anh vì không muốn bị lừa thêm lần nữa.
Chị Thu Thảo, phụ huynh có con học ở một trung tâm tiếng Anh tại TP.HCM, cũng chọn quay lưng khi phát hiện chất lượng dạy học của trung tâm không đúng với quảng cáo và cam kết.
Ban đầu, chị Thảo được nhân viên sale của trung tâm giới thiệu trẻ sẽ được học giáo viên bản ngữ 100% và có một giáo viên chủ nhiệm người Việt Nam. Nhưng khi vào học, trẻ lại được trung tâm sắp xếp học với 50% giáo viên bản ngữ và 50% giáo viên người Việt. Khi biết chuyện, chị Thảo vẫn cho qua và cho con học tiếp vì giáo viên dạy vẫn ổn.
Một thời gian sau, con chị Thảo không còn được học giáo viên bản ngữ như thời gian đầu mà thay bằng một thầy giáo người Nam Phi, dạy học không bài bản, phát âm tiếng Anh cũng không chuẩn.
Dù đã đóng hơn 100 triệu đồng cho hai khóa học của con, chị Thảo vẫn quyết định cho con nghỉ, yêu cầu hoàn số học phí còn lại rồi tìm một trung tâm mới uy tín, chất lượng hơn cho con theo học.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Thái An
Theo: ZINGNEWS.VN |