Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Trung Quốc thụt lùi về trình độ tiếng Anh

01/01/2023 (14:01:38)

Chỉ số thông thạo tiếng Anh năm 2022 của Trung Quốc đại lục là 62 - trình độ thấp. Con số này giảm từ mức thông thạo trung bình là 49 (2021) và 38 (2020), theo SCMP.

Chỉ số thông thạo tiếng Anh tại Trung Quốc sụt giảm trong vòng 3 năm liền, từ trình độ trung bình xuống trình độ thấp. Ảnh: Alamy.

Theo South China Morning Post, kết quả của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với Singapore. Singapore đã tăng thứ hạng từ vị trí thứ 10 năm 2020 lên vị trí thứ 2 trong năm nay, đạt điểm cao nhất trong số 24 nền kinh tế châu Á. Trong khi đó, Hà Lan được xếp ở vị trí số 1 về trình độ tiếng Anh.

Không chỉ thua Singapore, Trung Quốc đại lục cũng tụt hạng so với Philippines (vị trí 22), Malaysia (vị trí 24) và Hong Kong (vị trí 31), theo bảng xếp hạng của EF Education First công bố vào tháng trước. Ấn Độ cũng có bước phát triển lên mức xếp hạng trình độ trung bình là 52.

"Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản có trình độ tiếng Anh đặc biệt thấp so với những người trên 30 tuổi. Sự sụt giảm điểm số của Trung Quốc trong năm nay hoàn toàn do nhóm người trẻ tuổi nhất của nước này", báo cáo cho biết sau khi phân tích kết quả của 2,1 triệu người trưởng thành đã làm bài kiểm tra tiếng Anh của EF vào năm 2021.

Cũng theo báo cáo của EF Education First, trình độ tiếng Anh của mỗi quốc gia có mối tương quan chặt chẽ và các thước đo khác nhau về thương mại, đổi mới, phát triển nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh.

Cải cách giáo dục

Theo South China Morning Post, những cải cách giáo dục của Trung Quốc trong vài năm qua có thể giúp giảm bớt gánh nặng kiến thức cho học sinh sinh viên nhưng khiến điểm trình độ tiếng Anh của nước này trượt dốc.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cấm các trường tiểu học và trung học cơ sở sử dụng sách giáo khoa nhập khẩu từ nước ngoài kể từ năm 2020. Việc dạy tiếng nước ngoài chiếm 6-8% chương trình giảng dạy của các trường tiểu học và trung học cơ sở, thấp hơn nhiều so với mức 20-22% dành cho tiếng Trung Quốc.

Tại các trường đại học, theo một số nguồn tin giấu tên là giáo sư đại học, Bộ cũng không khuyến khích sử dụng bản gốc và bản dịch tiếng Anh, đặc biệt là trong các ngành nhạy cảm hơn như báo chí và nghiên cứu hiến pháp.

Năm ngoái, Thượng Hải, thành phố quốc tế nhất ở đại lục, đã thông báo học sinh sẽ không cần thi tiếng Anh cuối kỳ để giảm bớt gánh nặng học tập.

tieng anh tai trung quoc anh 1

Trung Quốc giảm giờ dạy ngoại ngữ tại trường tiểu học và trung học cơ sở, hạn chế sử dụng tài liệu tiếng Anh tại cấp đại học. Ảnh: Xinhua.

Trong khi Trung Quốc đại lục chứng kiến ​​sự sụt giảm về trình độ tiếng Anh thì chỉ số này tại Hong Kong lại ổn định trong 3 năm qua.

Theo ông Adam Forrester, Trợ lý Trưởng khoa Nhân văn của ĐH Bách khoa Hong Kong, thái độ đối với tiếng Anh của sinh viên Hong Kong khác với đại lục vì "họ hiểu được ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, có tầm quan trọng sống còn đối với sự thăng tiến nghề nghiệp của họ trong tương lai".

Theo ông, khả năng ngôn ngữ không chỉ là biết ngữ pháp mà còn có khả năng giao tiếp rõ ràng và phù hợp.

Trong khi đó, bà Tiffany Wong, Giám đốc thương mại của Robert Walters Hong Kong, cho biết nhiều nhà tuyển dụng trong khu vực đang tìm kiếm những ứng viên thông thạo 3 thứ tiếng: tiếng Anh, Quảng Đông và Quan Thoại.

Bà cho hay nhiều ứng viên từ Trung Quốc đại lục, đặc biệt là những du học sinh về nước, đều thông thạo 3 thứ tiếng trên.

Nhưng trình độ tiếng Anh không phải là tiêu chí quan trọng duy nhất đối với các ứng viên ngày nay. Ngoài ngôn ngữ, ứng viên cần biết thêm về kỹ năng mềm và công nghệ cũng được coi trọng.

Thị trường lao động bớt nhu cầu

Ông Christ Liang, Giám đốc điều hành của một nhà sản xuất chip Trung Quốc ở Quảng Đông, cho biết tiếng Anh vẫn rất quan trọng đối với các chuyên gia công nghệ. Tuy nhiên, giờ đây, yêu cầu về tiếng Anh đối với đối tượng này đã giảm do việc áp dụng ngày càng nhiều các sản phẩm nội địa.

"Trong những năm gần đây, khi công nghệ nước ngoài được thay thế bằng các giải pháp thay thế do Trung Quốc phát triển, nhiều người mua trong nước yêu cầu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Trung, vì vậy kỹ năng tiếng Anh tốt không phải là điều kiện tiên quyết đối với các kỹ sư", ông Liang nói.

Theo những người trong ngành xuất khẩu của Trung Quốc, trí tuệ nhân tạo cũng có thể làm giảm yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với người lao động.

"Một số nhân viên bán hàng trong công ty của tôi sử dụng phần mềm dịch thuật trực tuyến để giao tiếp với khách hàng. Tôi không quan tâm đến điều đó miễn là họ nhận được đơn đặt hàng mới", ông Kent Liu, đồng sáng lập một nhà máy in kỹ thuật số ở Quảng Đông, cho biết.

Bà Penny Lin, Giám đốc một công ty quảng cáo quốc tế có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết việc thúc đẩy nội địa hóa của các công ty đa quốc gia cũng góp phần làm giảm việc sử dụng ngoại ngữ trong công việc.

"Một số thương hiệu quốc tế cắt giảm ngân sách và thuê người địa phương làm giám đốc điều hành cho các chi nhánh Trung Quốc. Điều này khiến tiếng Anh dần trở nên ít cần thiết hơn trong ngành của chúng tôi,” cô nói.

Tuy nhiên, cô Qu Duanxian, một bà mẹ hai con đang làm công chức ở Thành Đô, vẫn quan niệm tiếng Anh vẫn là phần quan trọng trong việc học của con cô.

"Ngoại ngữ sẽ giúp mở rộng tầm nhìn con, là công cụ để tìm hiểu thế giới. Cho dù con tôi đảm nhận vị trí công việc nào trong tương lai, trình độ tiếng Anh vẫn rất quan trọng", cô nhận định.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Linh Thùy

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)