Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Trẻ dưới 6 tuổi ở Mỹ đang tiêu thụ cần sa với tốc độ chóng mặt

09/01/2023 (13:32:41)

Khi ăn phải đồ ăn chứa cần sa, trẻ có dấu hiệu hoảng loạn, hoang tưởng, thậm chí ảo giác và khó thở.

Nhiều món ăn vặt chứa cần sa được bày bán tràn lan ở Mỹ. Ảnh: Freepik.

Doritos, Nerds, Fritos và Haribo có điểm chung là những món ăn vặt phổ biến ở Mỹ, được hàng triệu người tiêu thụ. Những sản phẩm này đều có một loại chứa cần sa được bày bán trên thị trường. Loại này chỉ được bán cho người trưởng thành. Nhưng theo Insider, gần đây, chúng đã đến tay trẻ nhỏ.

Trẻ nhập viện vì ăn phải cần sa

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatric hôm 3/1, trẻ em dưới 6 tuổi đang tiêu thụ cần sa với tốc độ chóng mặt. Cụ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy từ năm 2017 đến 2021, báo cáo về việc trẻ tiếp xúc với cần sa đã tăng 1,375%. Thông tin này được trích từ dữ liệu nghiên cứu của America's Poison Centers.

Không riêng trẻ dưới 6 tuổi, trẻ lớn hơn cũng đang tiêu thụ các sản phẩm có chứa cần sa. Tháng 5/2022, 6 học sinh tiểu học ở California đã phải nhập viện sau khi ăn Cheetos tẩm cần sa.

Vào tháng 9/2022, học sinh THCS ở Georgia truyền tai nhau về loại kẹo dẻo hình con gấu, phụ huynh lo ngại ngoại kẹo này có thể chứa Tetrahydrocannabinol - một hợp chất có trong cần sa.

Đến tháng 11/2022, 6 học sinh THCS ở Missouri bị ốm sau khi ăn phải sản phẩm chứa cần sa.

do an chua can sa anh 1

Những sản phẩm chứa cần sa không khác gì đồ ăn vặt bình thường, khiến trẻ dễ nhầm lẫn. Ảnh: Insider.

Bà Michele Caliva, Giám đốc hành chính của Upstate New York Poison Center, nói với Insider rằng bà từng thấy trẻ dùng những thực phẩm chứa cần sa và bị thay đổi ý thức. Các em cảm thấy buồn ngủ, hoảng loạn hoặc xuất hiện dấu hiệu hoang tưởng.

Một số trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ bị ảo giác hoặc co giật. Các em phải nằm viện để bác sĩ theo dõi trong 12-24 giờ. Thậm chí, một số em từng phải dùng máy thở vì không thở nổi sau khi ăn phải cần sa.

"Lỗ hổng" luật pháp khiến cần sa đến tay trẻ nhỏ

Các sản phẩm chứa cần sa không phải mối lo duy nhất. Các bác sĩ và chuyên gia kiểm soát chất độc cho biết nấm ma thuật - thường được đóng gói trong các sản phẩm socola - cũng ảnh hưởng sức khỏe trẻ nhỏ.

Antonia Nemanich, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng việc trẻ ăn phải sản phẩm chứa cần sa là vô tình vì nhiều nhà sản xuất cố tình làm ra những sản phẩm trông giống như những viên kẹo ngon lành. Nếu chỉ nhìn qua, chúng ta rất khó phân biệt sự khác nhau giữa sản phẩm chứa cần sa và đồ ăn vặt thông thường.

Theo luật sư Chris Wood, luật đóng gói sản phẩm chứa cần sa ở các tiểu bang có sự khác nhau, nhưng nhìn chung, những sản phẩm này phải có những đặc điểm sau: Biểu tượng cho thấy sản phẩm chứa cần sa; cảnh báo độ tuổi được phép sử dụng; những ảnh hưởng có thể xảy ra nếu dùng sản phẩm; tỷ lệ cần sa có trong sản phẩm; hình ảnh minh họa sản phẩm.

Do quy định giữa các tiểu bang không đồng nhất, kèm theo việc sản xuất các mặt hàng này đang phát triển nhanh đến mức "thoát luật" nên không phải sản phẩm nào cũng có đủ chi tiết cảnh báo trên bao bì.

Ví dụ ở Washington, một cửa hàng bày bán Doritos và Fritos được tẩm 500-600 miligram Tetrahydrocannabinol. Ngoài các thông tin ghi rõ số lượng sản phẩm và các cảnh báo liên quan cần sa, những sản phẩm này nhìn qua không khác gì Doritos và Fritos thông thường.

Ông Diane Calello, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Kiểm soát Chất độc Jersey tại trường Y khoa Rutgers New Jersey (Mỹ), nói rằng những người trưởng thành không quan sát kỹ hoặc không có hiểu biết về những ký hiệu ghi trên bao bì cũng khó nhận ra đâu là sản phẩm chứa và không chứa cần sa.

Nghiên cứu cho thấy 97% vụ trẻ ăn phải cần sa trong các năm 2017-2021 thường xảy ra trong môi trường dân cư, nghĩa là trẻ có thể ăn phải những món đồ này vì cha mẹ, người thân mua về và để trong nhà.

Tác giả nghiên cứu Antonia Nemanich nhấn mạnh điều quan trọng là cha mẹ cần giấu kỹ những món đồ này hoặc để ở nơi trẻ không thể tiếp cận được. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đảm bảo để mắt đến con khi các bé ở gần nơi đặt sản phẩm chứa cần sa.

Mục Giáo dục của Zing giới thiệu đến bạn những cuốn sách dạy trẻ về an toàn trên không gian mạng.

15 Bí kíp giúp tớ an toàn - Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả (dành cho trẻ em): Cuốn sách này đề cập những bí kíp "nhỏ mà có võ", giúp trẻ phát huy những lợi thế của Internet, sử dụng các thiết bị kết nối Internet an toàn. Đồng thời, sách cũng hướng dẫn trẻ đối phó với những tình huống lừa đảo và tiêu cực trên mạng xã hội và Internet.

An toàn cho con - Luật Thiết bị công nghệ Giúp con an toàn trên thế giới mạng: Cuốn sách dạy trẻ biết làm gì trước những tình huống nhạy cảm với nội dung người lớn hay những đường dẫn đáng ngờ và dạy trẻ những việc cần làm để tránh những tình huống trên, ví dụ như không đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân hay tương tác với người lạ.

Thái An

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)