16/04/2023 (11:08:29)
Từ những tác động khách quan và chủ quan đến nền kinh tế TP.HCM, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành tìm kiếm giải pháp linh động, hiệu quả, chắc chắn và phù hợp với tình hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM sáng 16/4. Ảnh: Nhật Bắc. |
Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong quý I và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh tăng trường kinh tế của TP.HCM quý I sụt giảm ở mức đáng báo động, trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết buổi làm việc nhằm đánh giá lại tình hình phát triển chung, đặc biệt là tìm kiếm giải pháp phù hợp với tình hình. Theo ông, tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang trên đà suy giảm, ảnh hưởng nhiều đến nước ta về mặt thị trường, cơ cấu. Ngoài ra, các vấn đề nội tại của nền kinh tế ngày càng được bộc lộ sâu sắc những điểm yếu, vướng mắc.
Việc tăng lãi suất ngân hàng, giá trị đồng tiền các nước tăng lên khiến đồng tiền Việt Nam mất giá. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, làm giá nhiên liệu đầu vào, nhất là xăng dầu có thể tăng trên 100 USD/thùng, tác động đến đầu vào.
Đoàn công tác Trung ương làm việc với Thành ủy TP.HCM. Ảnh: Nhật Bắc. |
"Từ tình hình như vậy, chúng ta cần nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, chắc chắn, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả. Chúng ta cần tìm ra lời giải theo phương châm như vậy", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhìn nhận Trung Quốc mở cửa sau thời gian thực hiện zero Covid mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội thuận lợi. Tuy nhiên bên cạnh đó là sự cạnh tranh rất lớn về thị trường, sản phẩm, cung ứng.
“Cần phân tích kỹ yếu tố khách quan, chủ quan để thấy tác động trực tiếp, từ đó có nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, linh hoạt đối với cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho hay trong 3 tháng đầu năm, hàng loạt nghị quyết, nghị định, thông tư đã được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
"Nhưng những chính sách này đã vào được TP.HCM chưa, chưa vào hay vào đến đâu rồi, mức độ thế nào? Đơn cử như việc tháo gỡ vướng mắc về mua bán trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc, vật tư y tế, chúng ta đã có nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng hôm qua làm việc với Bệnh viện Ung bướu, chúng tôi vẫn thấy còn khó khăn”, Thủ tướng nhận xét.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề về việc phối hợp giữa TP.HCM với Chính phủ, cùng các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm hay điều chỉnh điều gì để làm tốt hơn, tìm ra giải pháp tốt nhất trong thời gian tới.
“TP.HCM là đầu tàu về kinh tế của đất nước, kể cả đóng góp về GDP, ngân sách nên những cái vô hình ảnh hưởng tác động đến thành phố rất lớn. Thành phố phát triển tốt thì cả nước có tác động an toàn, nếu thành phố khó khăn thì cả nước cũng bị ảnh hưởng khó khăn”, Thủ tướng nói.
Báo cáo đoàn công tác, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương trong quý I ở mức rất thấp, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng. Các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và gặp khó về đơn hàng, nguồn vốn, sức mua người tiêu dùng giảm.
Theo đó, GRDP trên địa bàn Thành phố ước tăng 0,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7%; doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ. Thành phố thu hút được gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 124.796 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm…
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện...
Thị trường bất động sản của TP.HCM gặp khó khăn, vấn đề quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Lãnh đạo UBND TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận chuyển động của các cấp chính quyền còn chậm, thiếu đồng bộ. Một bộ phận lãnh đạo công chức, viên chức chưa thực sự tích cực trong công việc, thiếu tính chủ động, sáng tạo, thiếu quyết tâm cao trong thực thi công vụ.
Dự báo trong quý II, kinh tế TP.HCM tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, khó lường. Trong đó, thị trường bất động sản, tài chính, lao động tiếp tục gặp nhiều vấn đề.
Thành phố đồng thời đứng trước sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng, sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuất khẩu thu hẹp.
Trong năm 2022, Thủ tướng đã tổ chức 2 đoàn công tác làm việc với lãnh đạo thành phố; có 25 nhiệm vụ được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành và UBND TP thực hiện. Đến nay có 21/25 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, có 4/25 nhiệm vụ gần hoàn thành.
Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu động lực, cơ chế phát triển đột phá cho thành phố; đồng thời, chỉ đạo triển khai sớm dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng và quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ của địa phương,
Bên cạnh đó, ông Mãi cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà; sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của các bộ, ngành trên địa bàn; tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản…
Trước đó, UBND thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 7,5-8%. Hiện, TP.HCM chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 7,5% và tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Với mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I đạt 0,7%, Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM dự báo mục tiêu tăng trưởng 8% của TP.HCM trong năm nay rất khó khả thi, đồng thời dự báo mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5%.
Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM dự báo 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong các quý còn lại của năm nay:
Kịch bản 1: Tăng trưởng GRDP quý II đạt 1,19%, quý III đạt 16,52%, quý IV đạt 12,14%. Tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%.
Kịch bản 2: Tăng trưởng GRDP quý II đạt 1,55%, quý III đạt 16,16%, quý IV đạt 12,1%. Tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%.
Kịch bản 3: Tăng trưởng GRDP quý II đạt 3,27%, quý III đạt 16,3%, quý IV đạt 10,13%. Tăng trưởng GRDP cả năm của thành phố sẽ đạt 7,5%.
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, nhưng tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.
Thư Trần
Theo: ZINGNEWS.VN |