18/02/2023 (11:37:23)
Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải đóng vai trò phát triển cảng đầu mối cửa ngõ quốc tế, đón các tàu lớn nhất của thế giới ra vào, phát triển kinh tế, xã hội cả nước.
Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Thư Trần. |
Sáng 18/2, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lễ triển khai thi công gói thầu xây lắp 1 - dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá Việt Nam sở hữu hệ thống cảng biển rộng khắp, chạy dài các tỉnh, đáp ứng nhu cầu xếp dỡ hàng hóa, phục vụ vận tải tuyến trong nước, nội á, biển xa với năng lực khai thác đạt gần 800 triệu tấn/năm.
"Đây là kết quả quá trình 20 năm nỗ lực của các tỉnh, thành phố và cả doanh nghiệp. Trong số đó, cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất hiện nay, đón được tàu đến 200.000 tấn", Thứ trưởng Sang nói.
Theo thứ trưởng, hệ thống cảng biển Việt Nam ra đời xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xếp dỡ hàng hóa nội địa. Từ nhu cầu cấp thiết này này, Bộ GTVT đã đề xuất xây dựng, phát triển và Thủ tướng cũng phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thốn cảng biển quốc gia.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang. Ảnh: Thư Trần. |
“Chúng ta triển khai với phương châm kế cấu hạ tầng công cộng do ngân sách Nhà nước đầu tư. Còn kết cấu hạ tầng bến cảng sẽ huy động các nguồn lực kinh tế như 20 năm qua đã làm”, ông Nguyễn Xuân Sang nói.
Là tuyến luồng lớn nhất đón được tàu lớn nhất cả nước, song quá trình triển khai từ năm 2013 (huy động vốn ODA đầu tư phát triển), tuyến luồng này cũng chỉ thiết kế cho tàu 80.00 tấn.
Do đó, Bộ GTVT chủ trương nghiên cứu áp dụng các giải pháp đưa các tàu lớn hơn ra vào tuyến luồng, và thực tế khu vực đã đón tàu 200.00 tấn giảm tải ra vào đây. “Tuy nhiên vẫn là giảm tải”, Thứ trưởng Sang đánh giá.
Ông Sang cho biết trước nhu cầu cấp thiết trên, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng đã đưa vào kế hoạch trung hạn lần này với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, trong đó có kết cấu hạ tầng luồng Cáo Mép - Thị Vải, cụ thể là dự án nâng cấp luồng đến độ sâu -15 m, đón các tàu 150.000-200.000 tấn.
“Đây là dự án lớn nhất của ngành hàng hải trong năm và trong kỳ trung hạn lần này về đầu tư tuyến luồng, nhằm mục tiêu đón các tàu lớn nhất của thế giới ra vào khu vực, đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương và cả nước”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói và cho biết đây là dự án có tầm đặc biệt được quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, ban ngành địa phương quan tâm.
Về quy mô, toàn dự án đóng vai trò cải tạo mở rộng luồng tàu đoạn luồng từ phao số 0 đến cảng CMIT với chiều dài nâng cấp 30,5 km; bề rộng đáy luồng 350 m; cao độ đáy -15,5 m (hải đồ).
Thiết bị thi công nạo vét luồng tuyến tại Cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Thư Trần. |
Bên cạnh đó, công trình cũng cải tạo mở rộng luồng tàu đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng CMIT đến thượng lưu bến cảng Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT), với chiều dài nâng cấp 3,2 km; bề rộng đáy luồng 250-310 m.
Công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 1.400 đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có nhiều triển vọng trở thành mắt xích chính trong mạng lưới toàn cầu của các hãng tàu hàng đầu thế giới, được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch trở thành khu cảng trung chuyển quốc tế theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc hoàn thành dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép nhằm nâng cao hiệu suất khai thác, hình thành và phát triển cụm cảng đầu mối cửa ngõ quốc tế, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong khu vực và quốc gia, đảm bảo an toàn cho các tàu hành thủy.
Sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Thư Trần
Theo: ZINGNEWS.VN |