14/03/2023 (20:31:04)
Lượng tồn kho lớn tạo ra áp lực về sản xuất cho các công ty điện thoại Android trong giai đoạn thị trường bất ổn.
Tồn kho lớn là vấn đề của ngành di động thế giới. Ảnh: The Verge. |
Theo các báo cáo từ chuyên gia Ming-Chi Kuo của TF Securities, các hãng Android đang đối mặt với lượng tồn kho lớn trên toàn cầu. Số lượng thiết bị dồn ứ của nhiều OEM đang ở mức cao, đạt hàng trăm triệu máy.
Thị trường cần ít nhất 4-6 tháng để hấp thụ toàn bộ lượng sản phẩm nói trên. Do đó, kế hoạch cung ứng, ra mắt sản phẩm mới của các nhà sản xuất Android có sự thay đổi trong nửa đầu năm.
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường GfK, doanh số smartphone Android tầm trung tại Việt Nam đã bắt đầu giảm sâu từ cuối 2022. Quý IV/2022, Apple là thương hiệu duy nhất có tăng trưởng về lượng máy bán ra ở thị trường trong nước. Trong khi đó, toàn ngành di động giảm đến hơn 50% dung tích so với cùng kỳ.
Trả lời Zing, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện nhà bán lẻ CellphoneS, cho biết sự đi xuống về doanh số của điện thoại Android đã bắt đầu từ quý II/2022. Do đó, lượng tồn kho cũng tăng cao so với giai đoạn trước đó.
Áp lực tồn kho điện thoại Android thuộc về hãng và nhà phân phối. Ảnh: MBKHD. |
Khác với Apple có những đợt hàng lớn dồn ứ, đối tác Android thường điều tiết lô sản phẩm theo lịch 2-3 tuần/lần. Vì vậy, áp lực tồn kho của mảng sản phẩm này tại đại lý không lớn như iPhone. Giá trung bình của các dòng máy này cũng thấp hơn điện thoại của Táo khuyết.
Các hệ thống lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop cho biết tồn kho tại đại lý vẫn trong tầm có thể quản lý, đủ để đáp ứng nhu cầu từ khách hàng.
Tuy nhiên, áp lực lại đang dồn về phía nhà phân phối, hãng smartphone. Trả lời Zing, bà C.T., quản lý ngành hàng của nhà của một đơn vị phân phối lớn trong nước, cho biết nhu cầu của thị trường với các sản phẩm Android đang khá thấp.
“Đại lý rất hạn chế nhập thêm hàng trong giai đoạn này khi dòng tiền cần điều chỉnh trước giai đoạn khó khăn. iPhone bị lạnh nhạt, các dòng Android cũng không thể tránh khỏi", bà T. nói. Theo đó, lượng tồn kho điện thoại Android của nhà phân phối đang ở mức báo động bởi đại lý không nhập thêm hàng.
Trả lời Zing, ông P.V., quản lý cấp cao của thương hiệu di động thuộc top 3 thị phần tại Việt Nam, cho biết lượng smartphone của công ty này tại các nhà bán lẻ chỉ bằng 1/2 những năm trước.
“Theo phân tích của chúng tôi, dòng tiền tại đối tác đang phải chia sẻ nhiều cho tồn kho iPhone, không dư giả để nhập thêm hãng khác”, ông V. nói.
Hiện tại, phía đại lý và các hãng có các chương trình giảm giá thiết bị với mức chiết khấu lớn, 30-40% nhằm kích cầu. Kế hoạch ra mắt thiết bị của nhiều nhà sản xuất Android cũng có sự thay đổi.
Theo đó, vòng đời của sản phẩm đã được nới rộng để thị trường có thêm thời gian tiêu thụ. Dòng Galaxy A53/A73 của Samsung ra mắt từ đầu 2022 vẫn còn được kinh doanh đến nay. Oppo chỉ ra mắt thêm phiên bản cho dải sản phẩm Reno8. Trong khi trước đó, hai thương hiệu này thường có 2-3 dòng máy tầm trung được ra mắt mỗi năm.
Nguồn tin riêng của Zing cho biết kế hoạch mang dòng sản phẩm tầm trung mới của Vivo về Việt Nam đã bị tạm dừng. Model Vivo V25e ra mắt hồi năm ngoái sẽ tiếp tục là thiết bị chủ lực trong 2 quý đầu 2023.
Theo chuyên gia Ming Chi-Kuo của TF Sercuerities, lượng tồn kho linh kiện của Xiaomi hiện tương đương 20-30 triệu chiếc điện thoại thành phẩm. Trong đó, bộ vi xử lý chính là phần dư thừa nhiều nhất.
Ngoài ra, Korea JoongAng đưa tin lượng sản phẩm Samsung còn tại nhà phân phối, đại lý vào khoảng 50 triệu chiếc hồi cuối tháng 6/2022. Trong đó, sản phẩm tầm trung Galaxy A chiếm một phần lớn.
Lượng tồn kho của Xiaomi, Samsung cũng ở mức cao. Ảnh: Xuân Sang. |
Lượng tồn kho nói trên chiếm một phần lớn trên tổng thể thị trường. Báo cáo của Counterpoint Research cho thấy Xiaomi bán được khoảng 130 triệu chiếc smartphone trong năm 2022. Như vậy, lượng tồn kho của họ đang chiếm gần 20% doanh số.
Chuyên gia Ming Chi-Kuo cho rằng mất 6-9 tháng để thị trường toàn cầu có thể hấp thụ toàn bộ lượng thiết bị nói trên.
Các báo cáo cho thấy Apple không phải chịu áp lực tồn kho quá lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, sức mua giảm đang gây ra áp lực cho các nhà bán lẻ trong nước. Lượng iPhone 14 tồn kho hiện lên đến hàng chục nghìn máy, khiến đại lý phải điều chỉnh giảm giá sâu nhằm kích cầu.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn.
Xuân Sang
Theo: ZINGNEWS.VN |