27/09/2022 (08:36:35)
Sứ mệnh DART của NASA thành công tốt đẹp khi tàu vũ trụ nhận biết và đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos, mở đường cho kỹ thuật ngăn chặn vật thể có thể gây hại cho Trái Đất.
Ảnh mô phỏng tàu vũ trụ DART đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos. Ảnh: NASA. |
Lúc 19h14 ngày 26/9 (giờ Mỹ), tức 6h14 27/9 (giờ Việt Nam), tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi (Double Asteroid Redirection Test – DART) thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos, đánh dấu kết thúc của một sứ mệnh lần đầu được thực hiện.
Nhiệm vụ của sứ mệnh là thử nghiệm kỹ thuật mới của NASA nhằm chủ động thay đổi quỹ đạo quay của một hành tinh, ngăn chặn các vật thể vũ trụ có khả năng tàn phá sự sống trên Trái Đất trong tương lai.
Theo New York Times, trong 4 tiếng cuối cùng trước vụ va chạm, tàu vũ trụ đã nhận thành công mục tiêu là tiểu hành tinh Dimorphos. Đến 5 phút trước vụ va chạm, đội ngũ điều khiển sứ mệnh trở thành những khán giả như mọi người. Camera của DART đã kịp gửi về những hình ảnh chụp bề mặt của Dimorphos trước khi chủ động đâm vào tiểu hành tinh.
DART được phóng từ California (Mỹ) vào ngày 24/11/2021, mục tiêu là Dimorphos với đường kính 160 m, quay quanh một tiểu hành tinh khác có tên Didymos (đường kính 780 m). Cả 2 quay quanh lẫn nhau với khoảng cách 1,18 km, một vòng quay mất 11 tiếng 15 phút.
Hình ảnh được tàu vũ trụ DART gửi cho NASA vài phút trước vụ va chạm. Ảnh: NASA. |
Cả 2 tiểu hành tinh vốn không gây ra mối đe dọa cho Trái Đất. Tuy nhiên, thử nghiệm đâm tàu vũ trụ vào tiểu hành tinh thuộc hệ đôi như thế này rất quan trọng, có thể giúp các nhà thiên văn học phân tích kết quả vụ va chạm.
Khi các tiểu hành tinh quay quanh nhau, ánh sáng Mặt Trời có độ phản xạ thay đổi một cách có hệ thống. Hơn 40 kính viễn vọng, kể cả Hubble và James Webb sẽ được sử dụng để theo dõi sự biến đổi của ánh sáng phản xạ trước và sau vụ va chạm nhằm phân tích quỹ đạo mới của tiểu hành tinh, có thể chênh lệch khoảng vài phút so với trước vụ va chạm.
Một sứ mệnh tương lai ở châu Âu, được gọi là HERA, cũng sẽ khởi động trong vài năm tới để khảo sát quỹ đạo của 2 tiểu hành tinh. NASA đặt mục tiêu thay đổi chu kỳ quay của Dimorphos quay quanh Didymos khoảng 1%, tức 7 phút.
Không chỉ các kính viễn vọng trên Trái Đất, một vệ tinh có tên LICIACube của Cơ quan Vũ trụ Italy đã được triển khai từ ngày 11/9, có nhiệm vụ chụp ảnh vụ va chạm. Kết quả nghiên cứu sẽ bao gồm bản chất của tiểu hành tinh, cũng như quỹ đạo mới sau vụ va chạm, có thể được công bố trong vài ngày hoặc vài tuần tiếp theo.
Tuy nhiên, việc để một tàu vũ trụ như DART chủ động đâm vào tiểu hành tinh ở khoảng cách 11 triệu km so với Trái Đất không hề đơn giản. Tàu vũ trụ này cần tự động nhận biết tiểu hành tinh, nhắm mục tiêu và chỉnh quỹ đạo để chủ động tạo ra vụ va chạm, tất cả được xử lý khi di chuyển với vận tốc gần 24.000 km/h. Kết quả cũng có thể thay đổi tùy vào vị trí và lực va chạm.
Một tiểu hành tinh đường kính 25 m có thể gây thương tích nếu rơi xuống khu vực đông dân và phát nổ. Giới khoa học ước tính có khoảng 5 triệu vật thể như vậy trong Hệ Mặt Trời, nhưng chúng ta chỉ mới định vị 0,4% trong số chúng. Dù tần suất va chạm với Trái Đất khá thường xuyên (mỗi 100 năm), rủi ro tác động của các tiểu hành tinh này khá thấp.
Trong khi đó, ước tính khoảng 25.000 vật thể trong Hệ Mặt Trời có đường kính khoảng 140 m, tương đương kích thước của Dimorphos, va vào Trái Đất khoảng 20.000 năm. Những vật thể như vậy có thể gây thương vong hàng loạt nếu rơi xuống khu dân cư.
Bên trong phòng điều khiển sứ mệnh tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins. Ảnh: Getty Images. |
Trong khi đó, tiểu hành tinh có thể đe dọa sự tồn vong của nhân loại có kích thước từ 1 km. Chỉ khoảng 900 vật thể như vậy nằm trong Hệ Mặt Trời, và chúng ta đã phát hiện 95%, có thể va chạm mỗi 500.000 năm.
Do đó, các vụ va chạm giữa tiểu hành tinh với Trái Đất không thường xuyên xảy ra, nhưng hậu quả có thể rất lớn. Sứ mệnh DART tập trung vào các tiểu hành tinh lớn hơn 100 m. Sứ mệnh thành công sẽ mở đường cho các sứ mệnh tương tự trong tương lai, nhằm hạn chế khả năng va chạm của tiểu hành tinh với Trái Đất nếu các nhà khoa học phát hiện rủi ro tiềm tàng.
Ngoài việc va chạm vật lý, NASA cũng đang tính toán giải pháp khác để thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh, sử dụng một tàu vũ trụ tiếp cận gần tiểu hành tinh, dùng lực hấp dẫn từ tên lửa đẩy trong thời gian dài để đẩy tiểu hành tinh khỏi quỹ đạo.
Phúc Thịnh
Theo: ZINGNEWS.VN |